Hội thảo đã nhìn nhận, đánh giá toàn diện về giáo dục phổ thông, trong đó có đội ngũ giáo viên phổ thông – đội ngũ sẽ quyết định sự thành bại của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Những ưu điểm, hạn chế và cả những thách thức, trở ngại về đội ngũ giáo viên sẽ được các chuyên gia nhìn nhận một cách khách quan và công bằng, từ đó sẽ có nhiều hiến kế nhằm xây dựng những giải pháp đột phá cho đội ngũ.
Thời gian qua, vấn đề “lạm thu” đầu năm, các khoản thu “tự nguyện” núp bóng dưới danh nghĩa hội cha mẹ học sinh vấn đang khiến dư luận băn khoăn. Nhất là khi, vừa rồi một phụ huynh học sinh tại TP.HCM đã gửi đơn kiến nghị “giải tán” hội cha mẹ học sinh vì hiện nay hội này hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích và vô tình biến thành “hội phụ thu”.
Ý kiến của một phụ huynh tại TP.HCM |
Chia sẻ về việc có hay không nên tồn tại Hội phụ huynh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho hay: “Ban đại diện phụ huynh là rất cần thiết để tạo sự kết nối giữa gia đình với nhà trường trong quá trình giáo dục học sinh. Điều quan trọng là hội cha mẹ học sinh ở các cơ sở giáo dục hoạt động có hiệu quả hay không.
Một thực tế hiện nay mà chúng ta đều thấy là ở một số trường, hội cha mẹ học sinh chưa làm đúng theo Thông tư 55 mà Bộ GDĐT quy định rõ trách nhiệm của ban lãnh đạo nhà trường cũng như trách nhiệm của ban đại diện cha mẹ học sinh.
Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh tra để có biện pháp chấn chỉnh để tạo sự kết nối thực sự giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục để không xảy ra tình trạng đừng biến tướng hội phụ huynh thành tổ chức lạm thu trong nhà trường. Bởi lẽ, trách nhiệm của phụ huynh và nhà trường còn là cùng nhau xây dựng môi trường giáo dục tốt cho học sinh.
Nói về kiến nghị của một phụ huynh trong TP.HCM về việc có hay không nên bỏ hội phụ huynh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho hay: “Trước những biến tướng như hiện tại khiến nhiều người bức xúc, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu việc có hay không nên để hội này tồn tại. Nếu có hiện tượng “lách luật” để lạm thu thì rất có thể sẽ bỏ quy định về việc thu hội phí của hội”.
Cũng tại hội nghị, GS. Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội cũng cho hay: “Hiện nay, ở nhiều trường ban phụ huynh đã làm rất tốt công việc của mình trong việc kết nối với nhà trường cũng như đảm bảo quyền lợi cho học sinh.
Tuy nhiên, ở nhiều nơi vẫn còn tồn tại nơi phụ huynh là cánh tay nối dài của Ban giám hiệu chỉ để…thu tiền. Điều đáng nói, chúng ta hay nhắc đế từ lạm thu. Nhưng thế nào là lạm thu?
Luật giáo dục quy định ngoài học phí không được thu bất kỳ khoản nào khác liệu có thực hiện được không? Học phí của học sinh chỉ có 30.000- 40.000 đồng/ tháng trong khi nhà trường phải làm rất nhiều việc khác, ngay như việc thuê người trông xe cho học sinh cũng phải tiền. Điều này dẫn đến việc, luật cấm nhưng nhiều nơi vẫn thu và thu nhiều thì thành lạm thu.
Một hiện tượng nữa là, các trường năm nào cũng thu điều hòa khi học sinh và phụ huynh có nguyện vọng. Tuy nhiên, điều hòa cả chục năm mới hỏng. Tại soa không sử dụng cách vay tiền của hội phụ huynh, sau đó khi học sinh ra trường thì trả lại tạo nên sự sòng phẳng?”.
Trao đổi với Infonet, anh Võ Quốc Bình cho hay: “Tôi có 2 con, một bé năm nay lớp 8, một bé năm nay lớp 3, năm nào cũng phải nộp những khoản mang tên “tự nguyện” mà thực tế không phải tự nguyện do ban cha mẹ học sinh kiến nghị.
Hôm vừa rồi đi họp, Ban cha mẹ học sinh xin ý kiến về việc lắp sàn gỗ trong lớp học, mỗi học sinh 400 nghìn, tôi đã nói luôn: “Không đồng ý. Hội phụ huynh học sinh chứ không phải hội phụ thu học sinh hay hội họa sỹ. Tiền cơ sở vật chất hàng năm đâu?”.
Hiện nay nhiều hội phụ huynh hoạt động với mục đích duy nhất là tận thu nhất là đầu năm học. Hiện nay, hội phụ huynh có thể gọi là “hội phụ thu” vì hầu như là vận động đóng góp, quyên góp như hoạt động mang tên “bắt buộc””.
Tác giả: Hoàng Thanh
Nguồn tin: Báo Infonet