Kinh tế

Kiếm tiền tỷ từ nghề quấn chổi

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã công bố quyết định công nhận làng nghề quấn chổi thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam). Đây là sự ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của người dân làng Chiêm Sơn với lịch sử hơn 80 năm.

Toàn thôn Chiêm Sơn hiện có 630 hộ dân, trong đó 50% dân số làm nghề quấn chổi. Hiện nay, người dân tạo ra khoảng 10 mẫu chổi khác nhau, được tiêu thụ không chỉ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài với tổng doanh thu hằng năm ít nhất 30 tỷ đồng.

Chổi trắng làm từ cây ớt rừng được khai thác gần đây vì giá thành rẻ, phù hợp thị hiếu người lao động


Những năm qua các cơ sở sản xuất chổi tại địa phương đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng, góp phần đáng kể trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

Đi khắp thôn Chiêm Sơn mới cảm nhận hết được cái không khí tất bật nơi đây. Người tước đót, người chẻ tre, quấn chổi… nhộn nhịp cả một vùng quê.

Mỗi lao động làm cho thu nhập từ 100-150 ngàn/ngày


Bà Từ Thị Thu Trinh (chủ cơ sở quấn chổi Trinh Lúc) chia sẻ: “Lâu nay, gia đình tôi và nhiều hộ dân khác trong vùng chủ yếu tự tìm cách tiêu thụ sản phẩm. Thị trường chính là thành phố Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ và một số huyện, thị xã lân cận. Thương hiệu quấn chổi Chiêm Sơn cũng được nhiều hộ dân như tôi đem đến triển lãm tại các hội chợ nhằm quảng bá thương hiệu quê nhà. Hy vọng rằng, sau khi được công nhận làng nghề, giá trị sản phẩm sẽ nâng lên và người dân chúng tôi sẽ có thêm nhiều đơn đặt hàng từ các nơi khác để đảm bảo đầu ra ổn định”.

Bà Trinh cũng là một trong những người có công truyền thụ lại nghề quấn chổi cho nhiều nơi trong tỉnh và các hộ dân Chiêm Sơn có mong muốn theo nghề.

Tìm đầu ra ổn định, mở rộng sản xuất là hướng đi mới cho làng chổi


Với ba đời làm nghề quấn chổi, ông Nguyễn Công An (SN 1965) cho biết: “Hiện nay cơ sở quấn chổi của gia đình có hơn 5 loại chổi, trong đó có một loại mới được đưa vào sử dụng, giá thành rẻ phù hợp với thị hiếu nhiều người là chổi trắng (làm từ cây ớt dại). Giá các loại chổi là chổi trắng 5 ngàn/cây, chổi sương 7 ngàn/cây, chổi dừa 6 ngàn/cây… Gắn bó với nghề làm chổi này từ lâu, người dân ở đây già trẻ đều có công việc làm ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương”.

Tạo được công việc cho nhiều người dân bất kể độ tuổi, tận dụng nguồn lao động nông nhàn


Ông Đoàn Công Vân – Phó Chủ tịch xã Duy Trinh chia sẻ: “Được công nhận làng nghề quấn chổi là điều kiện thuận lợi giúp người dân Chiêm Sơn mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, địa phương xác định đây mới chỉ là sự khởi đầu, trong thời gian đến chính quyền địa phương sẽ phối hợp với các ngành liên quan ở huyện Duy Xuyên tăng cường việc quản lý, khai thác nguồn nguyên liệu và đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tích cực tham gia các cuộc triễn lãm, hội chợ… để các sản phẩm chổi tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường”.

Sắp tới Duy Trinh sẽ cho thành lập tổ quản lý, sản xuất làng nghề để góp phần thúc đẩy phát triển, tìm đầu ra, kích cầu du lịch nơi đây


Bên cạnh đó, địa phương còn cho mở các lớp đào tạo, tập huấn nhằm giúp người dân nâng cao tay nghề, đa dạng hóa mẫu mã. Thành lập ban quản lý làng nghề, vận động lập tổ hợp tác đẻ xây dựng có tổ chức, tìm đầu ra ổn định cho người dân.

́​Người dân làm chổi chia sẻ với PV

Tác giả bài viết: N.Linh - C.Bính

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP