Giáo dục

Khủng hoảng triết lý giáo dục khiến học sinh bị áp lực

Không định hình sản phẩm giáo dục là gì, bỏ qua sự thay đổi tâm sinh lý, nhà trường và phụ huynh đang ép trẻ học quá sức chịu đựng.

Trước việc nam sinh trường tư thục ở TP HCM tự tử vì áp lực học tập, bà Tô Thụy Diễm Quyên - Cố vấn giáo dục của Tập đoàn Microsoft - khẳng định đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho phụ huynh và cả xã hội, bởi áp lực học tập của học sinh hiện ở mức đỉnh điểm.

Phụ huynh TP HCM theo dõi lịch thi lớp 10. Ảnh: Mạnh Tùng.

Nhiều năm làm giáo dục ở các trường phổ thông, bà Quyên nói tư duy trọng bằng cấp, khoa bảng ăn sâu vào phụ huynh, kể cả người ở thế hệ sau này. Thêm nữa, xã hội vẫn trọng bằng cấp trong công việc, giao tiếp nên cha mẹ muốn con cái phải có học vị, ít nhất phải có bằng đại học.

Phụ huynh chịu áp lực từ chính tư duy của mình, từ xã hội và chuyển sang cho con. Họ sử dụng những phương pháp giáo dục cũ mà chính họ được tiếp nhận từ bé, áp đặt lên chúng.

"Có phụ huynh rất thoải mái với con nhưng không khéo. Thực ra chỉ cần khen thành tích học tập của con người khác trước mặt con cũng vô hình tạo áp lực cho các cháu. Hoặc, nhiều cha mẹ suy nghĩ đơn giản mình đi làm cực khổ, con cái chỉ việc ăn và học thôi nên không có cớ gì mà không giỏi", bà Quyên phân tích thêm.

Cũng theo bà Quyên, một nguyên nhân quan trọng tạo áp lực cho học sinh chính là nhà trường. Nhiều trường hiện nay như những người làm dịch vụ, phụ huynh cần gì họ đưa thứ nấy, đôi khi bất chấp cả phản khoa học giáo dục.

Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, bộ não người trưởng thành chỉ hoạt động hiệu quả khi làm việc từ 90 đến 120 phút liên tục, sau đó cần nghỉ ngơi. Do đó, mỗi tiết học ở lớp chỉ là 45 phút và mỗi ngày, học sinh học không quá 8 tiếng.

"Hiện, phần lớn học sinh cấp ba, nhất là những em nội trú học 12-15 tiếng mỗi ngày. Các hoạt động thể thao, ngoại khóa, vui chơi gần như hạn chế", bà Quyên nói và cho rằng đây là sự phản khoa học. "Nếu các trường này là bác sĩ thì họ là một bác sĩ tồi. Bởi bác sĩ tốt phải biết khám bệnh và khuyến cáo bệnh nhân chứ không phải là nhận đặt hàng của người khác rồi kê thuốc", bà ví von.

Nhìn một cách căn cơ, chuyên gia này khẳng định, cái gốc của áp lực học đường là nền giáo dục đang bị "khủng hoảng về triết lý giáo dục".

"Chúng ta đang định hình sản phẩm giáo dục của mình là gì, một học sinh khỏe mạnh tinh thần và thể lực, sáng tạo và năng động trong cuộc sống và công việc hay một người rất giỏi nhớ bài học, biết rất nhiều thứ trong sách vở nhưng èo uột về tinh thần, ứng xử?", bà đặt câu hỏi.

Theo bà Quyên, nếu tiếp tục duy trì cách thi cử, đánh giá học sinh bằng các bài thi nặng nề và các con số như hiện nay sẽ không đỡ được gánh nặng học tập trên vai trẻ.

Học sinh TP HCM căng thẳng trong một kỳ thi. Ảnh: Quỳnh Trần.

Nhà giáo Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho rằng trọng thành tích trong học tập là tâm lý của nhiều gia đình Việt từ xưa đến nay. Mong muốn này là chính đáng nhưng cách để đạt được nó ở mỗi gia đình đang có nhiều sai lầm.

Về phía cha mẹ, họ chưa thực sự thấu hiểu con cái mong muốn gì, có năng lực và sở thích gì. Mỗi đứa trẻ đều giỏi về một lĩnh vực mà nếu người lớn biết khơi gợi, định hướng thì chúng sẽ thành công. Song, với áp lực cuộc sống, quỹ thời gian của phụ huynh quá ít nên họ không gần gũi, quan tâm con.

Về phía trường học, ông Ngai cho rằng đó là những tổ chức nên nội quy nghiêm ngặt là cần thiết để duy trì kỷ luật, kỷ cương song nghiêm khắc khác với hà khắc.

"Học sinh hiện có tâm, sinh lý khác hẳn với thế hệ trước, các cháu dậy thì sớm hơn, có nhiều mối quan tâm hơn bởi cuộc sống nhiều tiện nghi. Ngoài việc học, chúng muốn được lên mạng, giải trí hoặc cả tình cảm nam nữ thời học trò. Thầy cô có lắng nghe những mong muốn này chưa?", ông Ngai phân tích và cho rằng nếu trường duy trì "kỷ luật thép" mà bỏ qua nguyện vọng chính đáng của trò sẽ rất nguy hại.

Do đó, theo nhà giáo này, cả cha mẹ và phụ huynh cần nhìn lại mình để hiểu được con trẻ muốn gì. "Dĩ nhiên, nói thì dễ nhưng làm thì rất khó. Mỗi người lớn nên đặt vị trí của mình là trẻ với bối cảnh cuộc sống hiện đại để điều chỉnh cách quản lý, dạy dỗ cho phù hợp", ông nhắn nhủ.

Một số giáo viên làm tham vấn tâm lý trường THPT tại TP HCM cho biết, hiện rất nhiều học sinh rơi vào tình trạng căng thẳng, thậm chí trầm cảm bởi áp lực học hành quá lớn. Nhiều em thiếu sự quan tâm từ cha mẹ, nhiều phụ huynh có cách quản lý hà khắc, áp đặt.

"Mỗi ngày có chừng 1-2 em lên gặp tôi chỉ để chia sẻ áp lực học rồi xin lời khuyên để giải tỏa. Học sinh bảo ở nhà rất khó nói với cha mẹ, nhưng nói với người ngoài thì dễ hơn. Mỗi lần như vậy chúng tôi có gắng lắng nghe và khuyên nhủ", một nữ giáo viên chia sẻ.

Tác giả: Mạnh Tùng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP