Sáng 11/4, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) tổ chức hội thi "Kể chuyện từ trong trang sách". Học sinh trường THCS Nguyễn Huệ gây ấn tượng với Ban giám khảo khi tái hiện câu chuyện "Ký ức về trận chiến Gạc Ma năm 1988".
Vào đề ngắn gọn, nữ sinh kể chuyện lật dở bìa sách về sự kiện Gạc Ma và nhường lại sân khấu chính cho các bạn tái hiện hình ảnh người lính Hải quân Việt Nam nhận nhiệm vụ ra đảo Gạc Ma (cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa) cắm cờ chủ quyền, sáng 14/3/1988.
Hình ảnh chiến sĩ Hải quân Việt Nam dù bị Trung Quốc nã đạn vẫn quyết bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên bãi đá Gạc Ma. Ảnh: X.T. |
Hoạt cảnh trung úy Trần Văn Phương cầm lá cờ tổ quốc bị toán lính Trung Quốc nổ súng sát hại, mở đầu cho cuộc thảm sát khiến 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh, được dàn dựng công phu. Ngoài lời bình, âm thanh và ánh sáng cũng được đầu tư.
"Những người lính" dù ngã xuống vẫn giương cao lá cờ tổ quốc ở Gạc Ma. Ở đất liền, những người cha, người mẹ khi nhận tin con hy sinh đã chết lặng. "Xanh đã hiến trọn tuổi thanh xuân quyết giữ chủ quyền, đó là niềm tự hào của gia đình", lời của ông Lê Văn Xuân (cha liệt sĩ Lê Văn Xanh) được học sinh nhắc lại.
Hoạt cảnh kéo dài 7 phút, với phần kết là hình ảnh nữ sinh trong trang phục áo dài trắng dâng những đóa sen hồng tưởng nhớ 64 liệt sĩ đã mãi hòa máu mình vào vùng biển Gạc Ma.
Cô Phạm Thị Thùy Loan, Phó hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Huệ, cho biết thầy và trò quyết định chọn tác phẩm "Ký ức về trận chiến Gạc Ma năm 1988" in trong sách "Hải chiến Gạc Ma Trường Sa năm 1988 - Khúc tráng ca Bất tử' (Nhà xuất bản Văn học) để dàn dựng hoạt cảnh vì muốn kể lại câu chuyện từ ký ức của những chiến sĩ còn sống cũng như thân nhân liệt sĩ.
Học sinh trường THCS Nguyễn Huệ dâng đóa sen hồng tưởng nhớ 64 liệt sĩ đã ngã xuống ở Gạc Ma năm 1988. Ảnh: X.T. |
"Ý chí bất khuất kiên cường của những người lính thà hy sinh chứ không rời bỏ đảo, chính là cái nhà trường muốn giáo dục cho học sinh", cô Loan nói. Thông qua hội thi, cô và trò mong muốn nhiều người, đặc biệt là học sinh biết đến nhiều hơn về sự kiện Gạc Ma.
Trực tiếp tham gia tiết mục kể chuyện, em Phan Thảo Yến Nhi (học sinh lớp 7/4) chia sẻ thấy tự hào khi đứng trên sân khấu để "tuyên truyền cho các bạn về câu chuyện lịch sử của dân tộc". "Mai này, dù làm ở bất cứ lĩnh vực nào, em sẽ luôn cố gắng và sẵn sàng khi Tổ quốc cần", Yến Nhi nói.
Hội thi "Kể chuyện từ trong trang sách" là một phần trong hội sách Hải Châu. Những tác phẩm đứng thứ hạng cao sẽ được chọn để công diễn trong Hội sách quận, tổ chức trong tháng này.
Tháng 3/1988, Việt Nam đưa tàu ra xây dựng cụm đảo chìm Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao trong bối cảnh Trung Quốc liên tục chiếm đóng trái phép các bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa. Rạng sáng 14/3/1988, khi bộ đội Việt Nam chuyển vật liệu lên bãi Gạc Ma thì Trung Quốc đưa tàu chiến đến cướp cờ, giết hại chiến sĩ. Tàu HQ-604 và HQ-605 bị bắn chìm. 64 chiến sĩ hy sinh, 9 người bị bắt. Tàu HQ 505 bị bắn cháy đã lao hết tốc lực lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền Cô Lin. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao. Còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm trái phép từ đó. |
Tác giả: Nguyễn Đông
Nguồn tin: Báo VnExpress