Chợ Bà Rén bên sông Bà Rén - chợ bán lợn có tiếng ở Quảng Nam - cung cấp "mặt hàng" duy nhất là đủ loại từ lợn sữa đến lợn nái để phối giống cho cả nước. Đây không phải là địa điểm du lịch, nhưng lại khiến nhiều người tò mò, hứng thú với nét văn hóa buôn bán rất riêng của xứ Quảng, không giống bất kỳ nơi nào khác.
|
Như nhiều chợ đầu mối khác, chợ Bà Rén họp từ sáng sớm đến trưa, bán lơnk lấy thịt, lợn con mới đẻ, lợn giống cho các hộ gia đình mua về nuôi hay thậm chí là lợn nái dùng để phối giống... Không khí ở đây luôn nhộn nhịp tiếng cười nói, trả giá của con buôn, bạn hàng dù đậm mùi xú uế của phân lợn, tầm chiều thì còn lác đác vài người buôn bán nhỏ lẻ.
Từng con lợn được chăm chút kỹ, làn da trắng sạch nhốt trong lồng, giỏ bội lót rơm êm ái. Tuy nhiên khi bán lợn giống nuôi lấy thịt, trọng lượng khoảng 20-25 kg, bằng một đứa trẻ con 7-8 tuổi thì các thương lái có kiểu cân khá thú vị là thay vì cho lợn vào rọ rồi đưa lên bàn cân, họ thuê một người bồng (bế) lợn, đứng lên bàn cân, sau đó trừ đi cân nặng của người sẽ ra khối lượng của lợn. Lâu dần hình thành nghề bồng lợn "độc nhất vô nhị" của người dân nơi đây.
|
Trả lời cho câu hỏi vì sao lại chọn cách cân heo lạ đời thế, nhiều người cho biết khi cho lợn vào rọ thì chúng thường giãy dụa khiến kim cân nhảy lung tung, khó cân lại dễ bị trầy xướt, bán mất giá. Còn khi ôm như thú cưng, chúng sẽ tự động ngoan ngoãn, dễ cân hơn nhiều. Chính vì vậy mà nghề này đã tồn tại từ khi hình thành chợ đến nay đã gần 50 năm, để đảm bảo những con lợn xuất đi đều trong tình trạng tốt nhất.
Mỗi lần bồng lợn, họ được trả từ 1.000 đến 3.000 đồng, một ngày kiếm được khoảng 30.000 đến 50.000 đồng, số tiền "ba cọc ba đồng", đủ để đi bữa chợ nhưng vẫn có người gắn bó với nghề hàng chục năm không ngừng nghỉ, kể cả thứ bảy hay chủ nhật. Dịp gần Tết thì lại càng bận rộn hơn. Công việc của họ bắt đầu từ tờ mờ sáng cho đến khi tan chợ, bế lợn lên bàn cân, rồi đem từ trong chợ ra xe tải để phân phối đi khắp nơi hoặc giao cho người mua lẻ. Cuối buổi gom rơm rạ còn sót lại trong bội đem đốt, lấy tro bán kiếm tiền.
Hiện nay có khoảng 20 người hành nghề này, hầu hết là phụ nữ vì họ chịu thương chịu khó, chịu được sức nặng cũng như mùi hôi thối của phân heo. Ngoài sức khỏe ra thì cần phải có sự khéo léo bởi nếu không cẩn thận, chỉ cần sảy tay một tí thôi là những chú heo có thể lợi dụng cơ hội trốn thoát ngay lập tức khiến người mua và người bán phải tốn công đi lùa heo về. Có người kể, một lần bồng từ trong chợ lên xe tải cho thương lái chỉ được vài đồng nhưng heo có đi đại tiện lên áo mình cũng phải chịu đựng, phải giữ chặt tay, nếu xổng lại tốn tiền đền cho chủ.
Tác giả: Vi Yến
Nguồn tin: ngoisao.net