Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với một số luật sư xung quanh ý kiến xử lý người quay và phát tán clip bạo hành trẻ em ở cơ sở mầm non của ông Nguyễn Thanh Xuân - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng - hôm 25-5.
Luật sư Đào Thị Bích Liên, Chi hội phó Hội Bảo trợ trẻ em TP HCM, khẳng định việc xử lý người phát tán clip bạo hành trẻ mầm non ở Đà Nẵng không nằm trong phạm vị điều chỉnh của pháp luật hiện hành.
Không thưởng thì thôi sao lại phạt? Đó là ý kiến của hầu hết bạn đọc liên quan đến việc Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, cho biết sẽ truy tìm và xử lý người quay clip trẻ bị bạo hành và đăng tải lên mạng. Lý do là chứng kiến hành vi bạo hành trẻ nhưng không tố giác. "Làm vậy làm sao khuyến khích người dân tố giác tội phạm? Lẽ ra chính quyền có chính sách khen hoặc phê bình để người ta rút kinh nghiệm là được rồi. Dân có công tố giác tội phạm mà đòi xử lý vì chậm trễ chẳng khác nào trù dập người tố giác" bạn đọc Bi Min nhận định. Cùng quan điểm, bạn đọc Phùng Văn Minh cho rằng việc xử phạt hành vi không tố cáo tội phạm là theo luật nhưng như vậy "pháp luật đã không chỉ gián tiếp mà sẽ là trực tiếp bịt miệng người tố cáo vì từ nay sẽ không còn clip vi phạm hay phạm tội trên mạng nữa". Bên cạnh thái độ giận dữ, bức xúc trước phát biểu của ông Xuân, nhiều bạn đọc cũng đặt vấn đề trách nhiệm của chính quyền sở tại khi để tình trạng bạo hành trẻ xảy ra một thời gian dài. Bạn đọc Nguyen Thi Ngoc Phuong thẳng thắn: "Địa phương để xãy ra tình trạng này thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. Phải chăng ông Nguyễn Thanh xuân sợ mang tiếng là lãnh đạo không tốt nên tìm cách chống chế? Địa bàn ông quản lý mà không phát hiện đến khi người ta quay phim đưa lên mạng thì đòi xử lý người ta. Người đầu tiên bị xử lý là ông mới đúng vì chưa làm tròn trách nhiệm của người lãnh đạo" T.Kim |
Luật sư phân tích trường hợp trên, người quay clip không quay hình ảnh đời sống riêng tư hay những hình ảnh vi phạm thuần phong mỹ tục. Như vậy, người quay clip không có chủ đích xâm phạm quyền riêng tư hay gây ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong mỹ tục. Chính vì thế, việc phát tán clip không thể là hành vi trái pháp luật.
"Chưa kể, nhờ clip trên mà cơ quan chức năng mới phát hiện những vi phạm của cơ sở mầm non. Không luật nào cho phép xử lý hình sự đối với người quay clip chứng kiến toàn bộ sự việc nhưng chưa tố giác. Theo quy định hiện hành, cơ quan chức năng không có căn cứ xử lý người quay clip bạo hành trẻ em dù sau khi quay một tháng họ mới công khai clip" - luật sư Đào Thị Bích Liên khẳng định.
Luật sư Liên cho biết thêm, hành vi xâm phạm đời tư nhằm mục đích xấu được xác định trong trường hợp đưa clip sex kèm những thông tin cụ thể về nhân thân, lai lịch nhằm hạ thấp, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân vật xuất hiện trong clip. Hành vi này cấu thành tội làm nhục người khác.
Cảnh bạo hành ở cơ sở mầm non (TP Đà Nẵng) khiến dư luận phẫn nộ (hình cắt từ clip) |
Tương tự, luật sư Lê Ngọc Luân, Đoàn Luật sư TP HCM, tỏ ra bất ngờ trước ý kiến xử lý người quay clip bạo hành đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại TP Đà Nẵng. Theo luật sư, hành động của người quay clip không sai và đáng hoan nghênh.
"Nếu không có clip đó thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra đối với các cháu. Tôi cho rằng việc pháp luật cần xử lý ở đây không phải là người quay clip mà chính là các tổ chức, cá nhân để xảy ra sự việc nghiêm trọng như vậy. Mong cơ quan chức năng TP Đà Nẵng thấy và nhìn nhận thẳng thắn trách nhiệm khi để sự việc đáng tiếc như trên xảy ra" - luật sư Luân bày tỏ.
Tác giả: Di Lâm
Nguồn tin: Báo Người lao động