Thế giới

Không có người thừa kế, ông chủ Hermes tính để lại hàng tỷ USD cho người làm vườn

Hậu duệ của người sáng lập hãng đồ da Pháp nổi tiếng Hermes đang có ý định chuyển giao một phần khối tài sản khổng lồ của mình cho một nhân viên từng giúp việc trong gia đình. Theo tờ Tribune de Genève, số tiền chuyển giao được ước tính rơi vào khoảng vài tỷ franc Thụy Sĩ (1 tỷ franc = 1,1 tỷ USD).

Hậu duệ Hermes sẽ để lại tài sản hàng tỷ USD cho người làm vườn?


Sinh ra đã "ngậm thìa vàng"

Sinh năm 1943, doanh nhân người Pháp Nicolas Puech là người thừa kế và là hậu duệ đời thứ năm của Thierry Hermès, nhà sáng lập hãng thời trang xa xỉ Hermes. Tuổi thơ của ông Nicolas Puech được bao quanh bởi hàng hiệu và sự giàu có.

Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, ông đầu quân cho Tập đoàn Hermes và nắm giữ nhiều vai trò quan trọng khác nhau. Năm 2002, ông được bổ nhiệm làm chủ tịch ban giám sát của tập đoàn và giữ chức vụ này đến tận năm 2008.

Ông Puech được cho là người có đóng góp quan trọng trong việc đưa thương hiệu Hermes phủ sóng khắp các quốc gia trên thế giới, đồng thời giúp tập đoàn phát triển nhiều dòng sản phẩm mới bao gồm đồ trang trí nhà cửa, nước hoa… Trong giới kinh doanh xa xỉ phẩm, ông Nicolas Puech được tung hô là nhân vật giúp định hình và hoàn thiện lĩnh vực này suốt nhiều thập kỷ qua.

Hermes là hãng thời trang xa xỉ phẩm nổi tiếng trên khắp thế giới


Trước khi nghỉ hưu, ông từng là cựu thành viên hội đồng quản trị của tập đoàn xa xỉ Pháp, sau đó ông quyết định rời công ty vào tháng 8/2014, nhưng vẫn nắm giữ hơn 5% cổ phần công ty. Hiện tại, ông Nicolas Puech đang sinh sống tại bang Valais, phía Nam Thụy Sĩ và là cổ đông cá nhân lớn nhất của Hermès.

Theo tạp chí Bilan, tạp chí xếp hạng 300 cá nhân giàu nhất Thụy Sĩ mỗi năm, tài sản của ông Puech được ước tính rơi vào khoảng 9 - 10 tỷ franc Thụy Sĩ (10,2 - 11,4 tỷ USD) nhờ cổ phần của ông trong hãng đồ da nổi tiếng với túi xách và khăn lụa Hermes.

Loay hoay tìm người thừa kế

Hiện ông Nicolas Puech vẫn đang độc thân và không có người nối dõi. Trước đó, năm 2011, ông Puech đã quyết định ký trước một bản di chúc. Một phần tài sản của ông sẽ được dùng để ủng hộ quỹ Isocrate có trụ sở tại Geneva, quỹ chống lại các thông tin sai lệch của các tổ chức phi chính phủ.

Tuy nhiên, đến tháng 10/2022, ông Puech lại vừa quyết định thay đổi di chúc của mình khi đề nghị luật sư cá nhân tư vấn về việc chuyển giao khối tài sản của mình thông qua kế hoạch nhận con nuôi. Theo tư vấn của luật sư, việc nhận con nuôi sẽ không đơn giản như ông Puech nghĩ.

“Ở Thụy Sĩ, việc nhận nuôi một người trưởng thành không phải là điều quá khó. Tuy nhiên, với giới siêu giàu thì lại khác, bởi người được nhận nuôi sẽ có quyền thừa kế hợp pháp ít nhất một nửa khối tài sản của gia đình tỷ phú đó”, tờ Bilan cho hay.

Đứng trước áp lực phải tìm kiếm người kế nhiệm vào năm 80 tuổi, tháng 2/2023, ông Puech bộc bạch mong muốn chuyển giao một phần tài sản của mình cho người làm vườn mà theo ông đánh giá là rất siêng năng và thật thà.

Tờ Tribune de Genève cho biết “người thừa kế” mới này đang ở độ tuổi ngoài 50 và xuất thân từ một gia đình khiêm tốn tại Maroc, hoàn toàn là một người bình thường và đời tư không có gì đáng chú ý. Người đàn ông này được cho là đã gắn bó với ông Puech trong một khoảng thời gian dài và từ lâu đã được ông coi như một thành viên trong gia đình mình.

Ông Puech thậm chí từng bày tỏ sự quý mến với nhân viên của mình bằng việc tặng cho người làm vườn một tài sản sang trọng ở Marrakech, Maroc trị giá 1,5 triệu franc (hơn 1,7 triệu USD) và một biệt thự trị giá 4 triệu franc (4,6 triệu USD) tại Montreux, một khu đô thị trên hồ Geneva, Thụy Sĩ.

Thế nhưng, theo luật sư, tỷ phú Nicolas Puech sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc sửa đổi di chúc, và tranh chấp giữa ông và quỹ Isocrate, nơi dự định nhận tài sản thừa kế ban đầu, có thể sẽ nổ ra.

Mặc dù ý định của tỷ phú Puech vẫn chưa chính thức, song điều này đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Một vài ý kiến cho rằng việc chuyển giao này chỉ là một quyết định bốc đồng của ông Puech và sẽ được rút lại khi ông suy nghĩ kỹ càng hơn bởi họ cho rằng suy cho cùng, người giúp việc dù có nhận được sự quý mến đặc biệt thì vẫn chỉ là một người lạ.

Ngược lại, rất nhiều người lại tỏ ra hâm mộ và ủng hộ quyết định này của ông Puech. Họ cho rằng sự trung thành và chăm chỉ của người làm vườn cuối cùng cũng được đến đáp và điều này sẽ giúp khích lệ tinh thần của rất nhiều người lao động toàn cầu tiếp tục nỗ lực với công việc của họ ở hiện tại.

Tác giả: Bảo Anh

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP