Tin địa phương

Không có chuyện “giang hồ bảo kê” ở làng đá Non Nước!

Sau hơn một tuần vào cuộc xác minh, nguồn tin có “giang hồ bảo kê” ở làng đá mỹ nghệ Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) gây xôn xao dư luận trong thời gian qua chỉ dừng lại ở… tin đồn.

Cho đến thời điểm này, Công an quận Ngũ Hành Sơn vẫn chưa nhận được bất kỳ một đơn thư tố giác nào từ phía người dân. Ngay cả chủ các cơ sở bị đồn đoán là “nạn nhân” của nhóm “giang hồ bảo kê” đang lộng hành ở làng đá mỹ nghệ Non Nước cũng không xác nhận thông tin này.

Trước đó, bắt đầu từ mạng xã hội, có thông tin cho rằng các hộ kinh doanh ở khu vực làng đá mỹ nghệ Non Nước đang bị nhóm “giang hồ bảo kê” nhũng nhiễu, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hàng trăm hộ sản xuất ở tuyến đường Huyền Trân Công Chúa, Lê Văn Hiến, Mai Đăng Chơn và Hoàng Văn Lai.

Tiếp đó, dư luận tiếp tục thông tin cụ thể hơn khi cho rằng nhóm người này thường xuất hiện ở làng đá, ép một số hộ sản xuất kinh doanh nộp tiền “bảo kê” xe đá thì mới được vận chuyển đá về bãi tập kết hoặc những xe chở đá từ các địa phương Nghệ An, Thanh Hóa vào phải nộp tiền mới được chở đá vào cho các hộ sản xuất. Mỗi chuyến xe như vậy phải nộp cho nhóm “giang hồ” từ 2-10 triệu đồng. Những hộ không chịu nộp tiền bảo kê thì nhóm người này sẽ đe dọa, thậm chí đập phá tài sản.

Thương hiệu của một cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ nổi tiếng ở làng đá truyền thống Non Nước đang bị tin đồn đưa vào danh sách “giang hồ bảo kê”.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều người dân có “biệt danh” bị ám chỉ là các nhân vật trong nhóm “giang hồ bảo kê” được tin đồn quy chụp tỏ ra bức xúc. Dù tin đồn chỉ dừng lại ở “biệt danh”, nhưng cũng khiến cho những người này dở khóc dở cười; cuộc sống của nhiều gia đình trở nên nặng nề khi bị hàng xóm tò mò dòm ngó, khách hàng dò xét, con cái đến trường với một tinh thần nặng nề vì bị bạn bè châm chọc, thậm chí xa lánh.

Quá bức xúc, một số nạn nhân của tin đồn này đã có đơn gửi chính quyền các cấp của TP. Đà Nẵng nhờ can thiệp, làm rõ mục đích của người tung tin đồn; theo đó, đề nghị làm rõ mục đích đưa ra tin đồn là nhằm vào cá nhân hay cố tình gây xáo trộn làng nghề truyền thống đã có bề dày đến hơn 400 năm?.

Đơn cử như ông Lê Văn Dũng, chủ cơ sở điêu khắc đá Dũng Gollben (642 Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) cho rằng tin đồn ám chỉ cơ sở điêu khắc đá và dịch vụ xe cẩu của gia đình ông, không những gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn khiến cuộc sống gia đình ông gặp nhiều xáo trộn.

Đề cập đến ngọn nguồn của những tin đồn này, nhiều nghi ngờ tập trung vào nhóm chuyên chở, mua bán đá, trong đó, không loại trừ khả năng một số cơ sở sản xuất từng bị người dân địa phương phản ứng vì việc vận chuyển đá gây nguy hiểm cho người đi đường và làm hư hỏng đường xá…

Trước tin đồn “giang hồ bảo kê” ở làng đá mỹ nghệ Non Nước lộng hành gây xôn xao dư luận, các cơ quan có thẩm quyền như UBND quận, Công an quận Ngũ Hành Sơn đã họp với UBND phường Hòa Hải, Ban quản lý làng đá mỹ nghệ Non Nước và các hộ kinh doanh để trao đổi ý kiến, nhằm quán triệt tư tưởng kinh doanh lành mạnh; yêu cầu các hộ cam kết đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng trong sản xuất, kinh doanh đồng thời có sự chia sẻ, thông cảm với nhau; yêu cầu Ban quản lý làng nghề tăng cường vai trò, trách nhiệm đối với làng nghề, thường xuyên túc trực, theo dõi, giám sát số xe vận chuyển, xe cẩu tải ra vào bãi tập kết theo giờ…

Hoạt động tuần tra cả ngày lẫn đêm tại khu vực tập kết nguyên liệu cũng được coi trọng hơn nhằm đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.

Tác giả: Thái Anh

Nguồn tin: Nhà báo và Công luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP