Kinh tế

Khối ngoại 'kết' thị trường nhà ở Việt Nam

Giới đầu tư quốc tế tin rằng cơ hội phát triển phân khúc nhà vừa túi tiền của thị trường Việt Nam rất lớn.

Ông Tomaso Andreatta, Chủ tịch Vietnam Business Forum (VBF) đánh giá còn nhiều cơ hội đầu tư bất động sản ở Việt Nam, đặc biệt là các phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình.

Chuyên gia này phân tích, nền kinh tế 90 triệu dân của Việt Nam đang có sự phát triển nhanh chóng. Điều này thể hiện qua thị trường đang diễn biến sôi động trong những năm qua, lượng dự trữ trong dân tăng, tạo động lực khiến họ muốn đầu tư vào đất đai nhà cửa. So với các phân khúc khác, nhà ở thuộc thị phần trung bình vẫn còn nhiều cơ hội phát triển trong dài hạn.

Ông Tomaso Andreatta cũng nhận định bong bóng bất động sản chịu tác động bởi tín dụng, tính đến những tháng cuối năm 2018 thị trường tín dụng đã có sự thay đổi từ bên trong, giúp kiểm soát được nguy cơ bong bóng. Ngoài ra, thị trường bất động sản Việt Nam cũng đang hấp dẫn dòng vốn ngoại vì các nhà đầu tư nhận thấy chi phí tại Việt Nam rất cạnh tranh.

Trong khi đó, Công ty Jones Lang LaSalle (JLL) nhận xét căn hộ bình dân, chung cư vừa túi tiền là điểm sáng ổn định của thị trường nhà ở Việt Nam nhiều năm qua và tiếp tục duy trì sức ảnh hưởng trong tương lai.

Theo nghiên cứu của đơn vị này, giai đoạn 2016-2018, giá căn hộ tại Việt Nam tăng trung bình 7% một năm, riêng chung cư giá rẻ có biên độ tăng giá cao hơn, tích lũy thêm 10% mỗi năm, tương đương mức tăng 30% trong 3 năm gần đây.

JLL cho rằng, mặc dù chung cư giá rẻ vẫn liên tục tăng giá, đây vẫn là thị phần có nhu cầu lớn nhất và sôi động nhất tại thị trường nhà ở Việt Nam vì phục vụ nhu cầu ở thật lẫn đầu tư an toàn. Chung cư bình dân có khả năng chi trả hợp lý so với toàn cục diện thị trường, vì vậy được xem là phân khúc có sự ổn định dù bất động sản nóng sốt hay khủng hoảng.

Một dự án bất động sản bình dân tại khu Đông TP HCM. Ảnh: Hao Bui

Tổng giám đốc Khu vực Đông Nam Á CBRE, Vikram Kohli tiết lộ, khi các nhà đầu tư bất động sản thảo luận về thị trường mới nổi năng động nhất trên toàn cầu, thật khó để không nhắc tới Việt Nam với động lực to lớn là tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, cùng tầng lớp trung lưu đang gia tăng với thu nhập tăng trưởng nhanh. Đây là nguồn cầu cực lớn cho thị trường nhà ở hướng tới nhóm người có thu nhập trung bình trở lên.

Lớp dân số trẻ có học thức cao đã giúp quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, tạo tiền đề giúp Việt Nam nằm trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất thế giới. Điều này giúp thúc đẩy triển vọng của các nhà đầu tư quốc tế trong việc tạo dấu ấn tại thị trường bất động sản đầy tiềm năng này.

Trong các năm 2016-2017-2018, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam đã liên tục tăng trưởng theo từng năm. Các chủ đầu tư đến từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đặc biệt chú trọng vào các khu vực trung tâm thành phố hoặc những quỹ đất có vị trí gần tuyến metro. Các chủ đầu tư Việt Nam thường hợp tác dưới hình thức liên doanh với các chủ đầu tư nước ngoài để tối ưu hóa quá trình tìm kiếm vị trí dự án đầu tư và quản lý dự án.

Các nhà đầu tư Singapore, Hong Kong và Đài Loan cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt vào thị trường chung cư và căn hộ dịch vụ, với khách hàng trong hai phân khúc này chiếm 75% tổng lượng khách hàng của thị trường mua để cho thuê. Khách hàng nước ngoài chiếm đến 50% tổng số những giao dịch chuyển nhượng dự án nhà ở. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ mở rộng hoạt động, mà còn thể hiện cam kết về sự hiện diện lâu dài tại Việt Nam. Một yếu tố khác biệt của Việt Nam là mức độ chênh lệch giàu nghèo ở ngưỡng thấp so với các quốc gia đang phát triển khác.

Ông Vikram Kohli thừa nhận, hiện có những mối quan ngại nhất định về tác động của việc thắt chặt tín dụng bất động sản và những bất ổn địa chính trị, điều này có thể dẫn tới một vài trở ngại trong ngắn hạn.

Sự phục hồi của thị trường bất động sản kể từ năm 2015 đến 2018 cho thấy đôi lúc đã xuất hiện những nốt trầm, có dấu hiệu giảm tốc với vài nhịp điều chỉnh nhất định. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này là một tín hiệu tích cực trong dài hạn.

Chuyên gia này nêu một phép so sánh đơn giản là khi nhìn vào sự tham gia của các nguồn vốn nằm ngoài Việt Nam trong hầu hết những giao dịch chuyển nhượng bất động sản lớn nhất trong năm nay 2018. Ở các phân khúc văn phòng, nhà ở và bán lẻ, mức độ hào hứng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với ngôi sao mới nổi của châu Á là Việt Nam vẫn không ngừng tăng lên.

Tác giả: Vũ Lê

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: thị trường nhà , Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP