Hàng ngàn ngôi mộ xen lẫn khu dân cư tại phường Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu, Đà Nẵng) Ảnh: Nguyễn Thành |
“Treo” quy hoạch, dân sống chung với người chết
Phường Hòa Khánh Nam rộng hơn 10,2 km2, có 33 khu dân cư và 70 tổ dân phố với 8.000 hộ dân. Từ năm 2003, dự án Ga đường sắt Đà Nẵng, Khu đô thị Bắc nhà ga được công bố quy hoạch, người dân vui mừng phấn khởi với hi vọng nơi đây sẽ khởi sắc. Thế nhưng hơn 16 năm trôi qua, các dự án này “treo” từ đó đến nay, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Qua trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, men theo kiệt nhỏ của đường Phạm Như Xương là tổ 33 Hòa Khánh Nam. Khác với sự nhộn nhịp phồn hoa bên ngoài, càng đi sâu vào bên trong là khung cảnh nhếch nhác hàng trăm ngôi mộ xây, mộ đất chen chúc, xen giữa khu dân cư. Riêng tại tổ 33 này, theo thống kê của UBND phường có tới 372 mộ nằm xen lẫn nhà dân.
Căn nhà của chị Phạm Thị Bưởi vây quanh bời hàng chục ngôi mộ. Chị chuyển về đây định cư từ năm 1999, dựng nhà, xây tổ ấm trên nền đất cũ của ông nội để lại. Ba phía nhà là mồ mả, bước chân ra khỏi nhà hay mở cửa sổ là gặp mộ, chị Bưởi nói: Vợ chồng, con cái quen sống chung với người chết. Hơn 15 năm trước khi dự án ga Đà Nẵng công bố quy hoạch, chị Bưởi và hàng chục hộ dân vui mừng vì nghe nói được di dời, người dân thoát cảnh sống tù túng, sống chung mồ mả. Thế nhưng chờ mãi không thấy động tĩnh gì. Ngày lễ tết, mồ mả được bà con, người thân của người quá cố đến dọn dẹp đỡ u ám nhưng khi qua tết là cỏ cây chen lối, người ngoài phải ớn lạnh khi vào đây.
“Ở miết cũng thành quen, không còn sợ nữa. Nay có nước máy cũng đỡ lo ô nhiễm. Gần 20 năm, chờ miết dân cũng thấy nản rồi. Giờ chỉ mong thành phố sớm triển khai dự án, để người dân ổn định cuộc sống”, chị Bưởi cho biết.
Cùng cảnh ngộ, hàng trăm hộ dân tại các tổ dân phố số 14, 21, 37, khu Cẩm Tú... phải sống “chen chân” với người chết, không biết bao lâu nữa mới được di dời.
Ông Bùi Trung Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam cho biết: Trên địa bàn phường, ngoài các khu nghĩa trang, khu văn hóa tâm linh làng Khánh Sơn, hiện có hơn 1.600 mộ xen lẫn tại các tổ dân phố, khu dân cư chưa được di dời. Vừa qua, sở xây dựng yêu cầu phường thống kê số lượng mồ mả chôn cất trên địa bàn. Tuy nhiên, việc di dời vẫn chưa biết đến bao giờ triển khai. “Việc di dời mồ mả ra khỏi khu dân cư không phải là chuyện nhỏ. Cần có quỹ đất và kinh phí đền bù thỏa đáng. Người dân nhiều lần kiến nghị, nhưng chính quyền địa phương cũng chỉ biết trông chờ vào chủ trương, quyết định của thành phố”, ông Khánh cho biết.
Mướt mồ hôi dẹp xây dựng trái phép
Theo ông Khánh, do dự án “treo” và kéo dài nhiều năm nên công tác quản lý đô thị, trật tự xã hội cũng như đầu tư xây dựng cơ bản, an sinh cho dân trên địa bàn phường gặp nhiều khó khăn. Việc xây dựng trái phép, sai phép tràn lan khiến chính quyền địa phương mướt mồ hôi trong vấn đề quản lý, xử lý sai phạm.
Trong 10 tháng đầu năm 2019, phường Hòa Khánh Nam xử lý 104 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, trong đó 48 trường hợp xây dựng trái phép. Còn lại chủ yếu làm nhà tạm, nhà tôn, cơi nới nhà cửa… Riêng 1.799 trường hợp xây dựng trái phép tại dự án Ga đường sắt theo kết luận của Thanh tra thành phố, phường đang chờ hướng dẫn cụ thể của UBND quận để xử lý.
Theo Phó chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, vì nằm trong vùng dự án treo lâu năm, áp lực dân số nên người có nhu cầu cao về chỗ ở. Hiểu nỗi khổ của dân nhưng chính quyền không thể làm trái quy định. Việc sang nhượng nhà đất tại khu vực này cũng rất khó kiểm soát, chính quyền mất rất nhiều công sức, thời gian để xử lý.
Ông Bùi Trung Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam nói “Dự án này làm hay không làm, cần trả lời rõ để chính quyền và dân được biết. Dự án “treo” mấy chục năm dân khổ, chính quyền phường cũng khổ theo”. Ông cho hay, phường vừa có báo cáo kèm kiến nghị, đề xuất các cấp đẩy nhanh công tác giải tỏa, đền bù, tránh để các dự án kéo dài ảnh hưởng đến người dân |
Tác giả: NGUYỄN THÀNH
Nguồn tin: Báo Tiền phong