Trong nước

“Khâu khó nhất trong chống tham nhũng là phát hiện tham nhũng”

Theo ông Nguyễn Đình Quyền, khâu khó nhất trong chống tham nhũng là phát hiện tham nhũng, vì hành vi tham nhũng là hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm đặc biệt.

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của Ban Nội chính Trung ương vừa tổ chức mới đây, ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị các đơn vị của Ban cần tập trung hoàn thành 7 Đề án để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng (PCTN) theo Kế hoạch, trong đó nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng.

Phóng viên VOV.VN phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền



Tham nhũng là tội phạm đặc biệt

PV: Theo ông, trong bối cảnh hiện nay cần thiết xây dựng mô hình cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng?

Ông Nguyễn Đình Quyền: Hiện nay, theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng, Nhà nước ta đã thành lập 3 cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng trong Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Kể từ khi được thành lập cho đến nay, các cơ quan này đã được củng cố, kiện toàn, tăng cường cả về tổ chức, nguồn nhân lực đội ngũ cán bộ, công chức, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, nhưng theo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng hàng năm thì hiệu lực, hiệu quả công tác của các cơ quan này chưa cao, chưa đạt được như kỳ vọng, mong muốn của Đảng, nhà nước và nhân dân.

Chính vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu để xây dựng mô hình cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng phù hợp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cao đang là yêu cầu khách quan được đặt ra để nghiên cứu, hoàn thiện.

Thực tế cho thấy, khâu khó nhất trong chống tham nhũng là phát hiện tham nhũng, vì hành vi tham nhũng là hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm đặc biệt. Đặc biệt về chủ thể, về khách thể, về hành vi, về mối quan hệ, về hậu quả pháp lý nên nếu không có một cơ quan chống tham nhũng đặc biệt về mô hình, cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, cơ chế hoạt động, nhất là hành lang pháp lý về thẩm quyền, trách nhiệm trong hoạt động thì rất khó mang lại hiệu quả như mong muốn.

PV: Như ông vừa nói, tội phạm tham nhũng là loại tội phạm đặc biệt nên các phương thức điều tra, truy tố, xét xử cũng theo cách một cách đặc biệt?

Ông Nguyễn Đình Quyền: Đúng như vậy, Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định một số biện pháp tố tụng điều tra đặc biệt để các cơ quan có thẩm quyền có thể tiến hành trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm, trong đó có tội phạm về tham nhũng. Đường lối xử lý chung đối với tội phạm về tham nhũng là rất nghiêm minh.

Tuy nhiên, các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và đường lối xét xử đối với tội phạm tham nhũng cần phải được hướng dẫn, quy định cụ thể hơn để triển khai thực hiện có hiệu quả trên thực tế, nếu không thì chỉ nằm ở những nguyên tắc chung trong các quy định mà thôi.

Hiện nay, quá trình xử lý tin báo tố giác tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về tham nhũng chưa có khác biệt nhiều so với các tội phạm thông thường. Chưa tăng cường hiệu quả giữa hoạt động trinh sát điều tra và điều tra theo theo tinh thần của cải cách tư pháp, nên khó phát hiện tội phạm tham nhũng hoặc khi phát hiện được thì nhiều chứng cứ đã bị xóa hoặc hợp thức hóa, nhiều tài sản do tham nhũng mà có đã bị tẩu tán nên không thể thu hồi được.

PV: Hiện nay, chúng ta đang áp dụng mô hình đa cơ quan trong phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, vì có quá nhiều chủ thể tham gia nhưng không có chủ thể làm đầu mối chịu trách nhiệm chính, khiến mô hình này có nhiều bất cập, hạn chế. Quan điểm của ông như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Quyền: Phòng ngừa tham nhũng là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, đơn vị từ Trung ương tới địa phương trong bộ máy Nhà nước và hệ thống chính trị. Riêng chống tham nhũng thì cần phải giao cho các cơ quan chuyên trách thực hiện. Ngoài các cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, hiện nay theo Luật phòng, chống tham nhũng, Nhà nước ta đã thành lập 3 cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng trong Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Trên thực tế, kết quả hoạt động của các cơ quan này chưa được như mong muốn, hiệu quả chưa cao. Vì mô hình, cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành, nhất là thẩm quyền, trách nhiệm chưa có gì khác biệt, đặc thù. Mặt khác, cũng quá nhiều đầu mối trong các cơ quan chuyên trách này mà lại không có cơ quan chịu trách nhiệm chính. Do đó, cần phải nghiên cứu một mô hình phù hợp, có hiệu quả hơn.

PV: Theo quan sát của ông, mô hình phòng, chống tham nhũng ở một số nước trên thế giới như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Quyền: Nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới cho thấy, phòng ngừa tham nhũng là trách nhiệm của tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Còn về chống tham nhũng, ngoài các cơ quan tiến hành tố tụng, như cơ quan điều tra, cơ quan công tố, tòa án thì các cơ quan thanh tra, kiểm toán, ngân hàng, cơ quan thuế đều là những cơ quan có trách nhiệm chống tham nhũng.

Ngoài ra, nhiều nước thành lập cơ quan chống tham nhũng đặc biệt, có mô hình, cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành, thẩm quyền, trách nhiệm đặc biệt đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống hoặc Thủ tướng, không qua bất kỳ một khâu trung gian nào khác.

Cơ quan này kết nối, chia sẻ thông tin thường xuyên và có quy chế phối hợp hoạt động chặt chẽ với cơ quan thanh tra, ngân hàng, cơ quan kiểm toán, cơ quan thuế và các cơ quan Nhà nước khác trong quá trình phát hiện, điều tra, xử lý hành vi, tội phạm tham nhũng.

Không kiểm soát được tài sản thì không thể chống được tham nhũng

PV: Từ kinh nghiệm trên thế giới và bối cảnh thực tế của Việt Nam, theo ông, mô hình tổ chức cơ quan phòng, chống tham nhũng ở nước ta như thế nào là phù hợp và tối ưu hơn cả?

Ông Nguyễn Đình Quyền: Thứ nhất, cần quy định cụ thể công tác phòng ngừa tham nhũng là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, đơn vị trong bộ máy Nhà nước và hệ thống chính trị.

Thứ hai, bổ sung trách nhiệm chống tham nhũng cho cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán, ngân hàng và cơ quan thuế.

Thứ ba, cần thành lập cơ quan điều tra đặc biệt với mô hình, cơ cấu tổ chức đặc biệt, cơ chế hoạt động, nhất là thẩm quyền, trách nhiệm đặc biệt, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ để kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý hành vi tham nhũng và xử lý tài sản có liên quan tới tham nhũng.

Cơ quan này ở Anh, Australia, New Zealand, Hong Kong…là cơ quan điều tra và truy tố tội phạm liên quan tới hối lộ và tham nhũng.

PV: Theo ông, nếu thành lập cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng thì có cần sửa Luật? Ngoài cơ quan này có cần thêm công cụ nào khác?

Ông Nguyễn Đình Quyền: Thay đổi về mô hình cơ quan chuyên trách chống tham nhũng thì nhất thiết phải sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Vì đây là một thiết chế đặc biệt để đấu tranh, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

Bên cạnh đó, cần phải hoàn thiện đồng bộ rất nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật để phòng chống tham nhũng trên mọi lĩnh vực. Trong đó, cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế kiểm soát tài sản của mọi chủ thể trong xã hội, trong đó có tài sản của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ quyền hạn thì mới có thể phòng chống tham nhũng có hiệu quả được.

Kiểm soát tài sản không chỉ phòng, chống tham nhũng mà còn chống rửa tiền, chống gian lận thương mại, doanh nghiệp ma, sở hữu chéo giữa các ngân hàng, chứng khoản ảo. Do đó, nếu không kiểm soát được tài sản thì không thể nào chống được tham nhũng.

PV: Chúng ta nghiên cứu, thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng cũng đồng thời hoàn thiện, đồng bộ tất cả thể chế pháp luật khác, trong đó có thiết chế kiểm soát quyền lực. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Quyền: Kiểm soát quyền lực là yêu cầu khách quan trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền, đồng thời cũng là yêu cầu khách quan của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Do đó, việc hoàn thiện đồng bộ tất cả các thể chế, chính sách, pháp luật trên mọi lĩnh vực, trong đó chú trọng thiết chế kiểm soát quyền lực nhà nước là những yêu cầu, đòi hỏi tất yếu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng.

Kiểm soát quyền lực được thực hiện trên rất nhiều phương diện, như kiểm soát sung đột lợi ích, kiểm soát trách nhiệm công vụ của từng vị trí công tác, kiểm soát trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị; kiểm soát tải sản, thu nhập của công chức, viên chức, người có chức vụ quyền hạn; kiểm tra nội bộ, thanh tra chuyên ngành, thanh tra Nhà nước; giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm tra, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện các thiết chế dân chủ, nhất là thiết chế dân chủ ở cơ sở....

Do đó, phải nhận diện cho hết tất cả các phương diện kiểm soát quyền lực, trên cơ sở đó mới có những giải pháp toàn diện, đồng bộ, sâu sắc và phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Tác giả: Kim Anh

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP