Kagoshima là tỉnh miền Nam của Nhật Bản, thuộc vùng Kyushu. Kagoshima chứa rất nhiều điều kỳ lạ. Đây là nơi tập trung nhiều núi lửa nhất, nổi bật trong đó là núi lửa Sakurajima mà nhiều người vẫn quen gọi là Đảo anh đào.
Không quên “ơn” núi lửa
Từ xa xưa, bên cạnh núi tuyết Fuji (Phú Sĩ) thì Sakurajima chính là biểu tượng của Nhật Bản. Từ đầu năm cho đến tháng 12-2018, Sakurajima đã phun 213 lần, tạo ra 429 cuộc rung chấn, nhiều nhất trong suốt ba năm qua. Sakurajima luôn hiện diện từ xa với những cột khói trắng, xám đầy bụi than cao ngút. Trong quá khứ, Sakurajima từng làm thay đổi cấu trúc địa lý vùng Kagoshima với những đợt phun trào lớn, gần nhất là năm 1941 với dung nham phủ lấp tất cả các đảo nhỏ và gần lấn đến đất liền. Vịnh Kagoshima khoét sâu hơn từ đó.
Hiện trên đảo Sakurajima có khoảng 4.000 cư dân. Họ tách biệt với TP Kagoshima bằng chuyến phà 15 phút xuất phát từ cảng Kagoshima. Trẻ em sống ở đây ngày ngày vẫn đội nón bảo hiểm để đề phòng đất đá rơi, trên nón ghi đầy đủ họ tên để khi Sakurajima “nổi giận” thì lực lượng cứu hộ còn biết để tìm kiếm các em thất lạc. Hiện nay, mỗi năm người dân địa phương đều được kiểm tra sức khỏe hai lần.
Những tưởng sống cạnh ngọn núi lửa đầy hiểm nguy như thế, người dân địa phương sẽ rất lo lắng. Nhưng không, họ lại xem Sakurajima là niềm tự hào riêng của mình. Chính dung nham từ núi lửa đã tạo nên thổ nhưỡng đặc biệt cho hòn đảo này, từ đó rất nhiều loại hoa quả chỉ riêng Sakurajima mới có như củ cải trắng lớn nhất thế giới; các loại dầu dưỡng da, kem… chiết xuất từ hoa trà đặc trưng của vùng. Ngay cả những viên đá núi lửa cũng được mài giũa thành những món đồ dùng hằng ngày lẫn trang sức. Người dân trên đảo còn nuôi cả heo, bò và họ đã tính toán cẩn thận nếu núi lửa phun trào thì sẽ đem chúng đi lánh nạn ở đâu.
Một trong những điểm đến của Sakurajima là chiếc cổng đền Kurokami (Kurokami Buried Shrine Gate) bị vùi lấp dưới đất khoảng 2 m. Cổng đền bị lấp sau đợt Sakurajima phun trào kéo dài một tháng với ba tỷ tấn dung nham, chôn vùi 687 ngôi nhà vào năm 1914. Rất nhiều du khách khi đến thăm ngôi đền này đã hỏi tại sao người dân đảo không khai quật cổng đền mà vẫn để nó vùi lấp cả trăm năm qua như thế. Câu trả lời: Người dân vùng Sakurajima không muốn quên trận phun trào lịch sử năm xưa. Và tại ngôi đền Kurokami, mỗi ngày đều có bốn bạn học sinh thuộc trường cấp hai trên đảo Sakurajima đến quét dọn sạch sẽ.
|
|
Tắm onsen cát nóng là trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến vùng Kagoshima. |
Tắm onsen cát nóng tự nhiên ở Ibusuki
Ngoài ngọn núi lửa Sakurajima đang rất “sung”, tỉnh Kagoshima còn có nhiều núi lửa đã nghỉ ngơi. Nổi bật nhất là núi Kaimon (Kaimonndake) bên cạnh hồ Ikeda đã ngưng nghỉ từ rất lâu sau đợt phun trào vào năm 885. Ikeda được hình thành sau một đợt núi lửa phun trào hơn 6.400 năm trước và là hồ nước miệng núi lửa lớn nhất vùng Kyushu của Nhật Bản. Dọc hồ Ikeda nước xanh thẫm, yên bình là công viên với cánh đồng hoa cải vàng hoặc hoa cúc sao nháy (hoa cosmos) ngập tràn trong gió.
Đặc điểm địa lý có nhiều núi lửa đã giúp TP Ibusuki, tỉnh Kagoshima trở thành trung tâm của thế giới về tắm onsen cát nóng. Với người Nhật, tắm suối nước nóng không chỉ đơn thuần là tắm hay ngâm mình trong dòng nước khoáng tự nhiên, mà đó còn cả một nét văn hóa riêng biệt. Văn hóa onsen của người Nhật đã lan ra nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.
Ibusuki có quần thể suối nước nóng và bồn tắm cát (sunamushi) duy nhất trên thế giới. Tới đây, du khách bỏ hết trang phục, mặc bộ yukata mềm mại rồi ngâm mình trên cát được làm nóng từ những dòng suối nước nóng tự nhiên bên dưới. Du khách nằm trên cát dọc bãi biển và nhân viên phục vụ dùng những chiếc xẻng nhỏ xúc cát nóng 50-55oC phủ lên người. Hơi cát ấm thấm vào da thịt, trước mặt là biển và ngọn núi lửa Sakurajima phía xa đang phun khói là một trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến Kagoshima.
Sau khoảng 10 phút ngâm trong cát nóng, du khách tiếp tục được vào tắm onsen nước khoáng nóng, xông hơi… thỏa thích. Điểm đặc biệt là sau khi tắm onsen cát nóng, du khách không cần phải dùng đến các loại sữa dưỡng thể bởi làn da đã trở nên được căng bóng, mịn màng.
Có lẽ hiếm vùng đất nào trên thế giới thiên tai nhiều như Nhật Bản, nhưng cũng hiếm nơi nào có nhiều di sản thế giới được công nhận như quốc gia này. Càng lắm thiên tai người Nhật càng tận dụng nó sao cho có ích với đời sống của mình. Không gì đẹp bằng câu chuyện của người dân Sakurajima ngày ngày vẫn sinh sống, trồng cam, trồng cải, ngắm ngọn núi lửa tự hào của mình nhưng vẫn canh chừng, đề phòng niềm tự hào ấy “giở trò” thiêu rụi tất cả.
Vùng đất di sản của Nhật Bản Vùng đất Kagoshima (tên cũ là Satsuma) những năm 1800 là điểm đầu tiên tại Nhật Bản hứng chịu sự tấn công của người phương Tây. Lãnh chúa Shimazu Nariakira (1809-1858) đã chọn học Tây phương cả văn hóa, giáo dục và mê đắm những sáng chế tiên tiến của phương Tây như đồng hồ, nhạc cụ, kính viễn vọng, kính hiển vi, vũ khí… Ông cũng là một trong những người tiên phong nhận ra rằng Nhật Bản là một quốc gia nhỏ bé nên sẽ dễ thất bại khi đấu với nước lớn. Từ đó ông đã chú trọng phát triển công nghiệp, quân sự nhằm giúp nước Nhật lớn mạnh hơn trước. Hiện ba điểm di sản nổi bật của Kagoshima là: Lò than Terayama (ảnh) để chế tạo than trắng làm nhiệt liệu cho lò phản xạ; kênh dẫn nước Sekiyoshi để tạo thủy lực cho các nhà máy công nghiệp Shuseikan; và lò Shuseikan để nung sắt chế tạo súng đại bác trong khuôn viên vườn Sengan. Đây là ba yếu tố quan trọng đánh dấu sự phát sinh nền công nghiệp cận đại của Nhật Bản dưới sự lèo lái của lãnh chúa Shimazu Nariakira (gia tộc Satsuma). Năm 2018 là năm đánh dấu 150 năm Minh Trị Thiên Hoàng (1868-1912). Trong năm qua, rất nhiều sự kiện về giai đoạn này được chính phủ Nhật Bản chọn nhắc nhớ với mong muốn hướng đến một nước Nhật hùng mạnh hơn. Kagoshima cũng là vùng đất được chọn lựa cho hành trình di sản của Nhật Bản trong năm 2018. |
Tác giả: QUỲNH TRANG
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM