Xã hội

Khám nghiệm hiện trường vụ "Tàn sát rừng phòng hộ"

Đoàn liên ngành của tỉnh Đắk Lắk tổ chức khám nghiệm hiện trường trong vòng khoảng 15 ngày để đánh giá hậu quả vụ lợi dụng chủ trương tận thu gỗ gãy đổ để tàn phá rừng phòng hộ.

Sáng 29-9, một lãnh đạo Công an huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng đang tiếp tục khám nghiệm hiện trường vụ tàn phá rừng phòng hộ quy mô lớn xảy ra trên lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar để củng cố hồ sơ, xem xét khởi tố vụ án. Quá trình khám nghiệm hiện trưởng sẽ kéo dài trong vòng khoảng 15 ngày.

Lợi dụng chủ trương tận thu gỗ gãy đổ tàn phá rừng phòng hộ

Trước đó, Báo Người Lao Động có 2 bài phản ánh về việc, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Đắk Lắk và hướng dẫn của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk về việc tận thu gỗ gãy đổ do bão, Công ty Lâm nghiệp Ea Kar đã ký hợp đồng với 1 cá nhân thu gom, khai thác gỗ rừng trồng phòng hộ bị gãy đổ. Trong đó, có 23,69 ha tại Tiểu khu 692 (xã Cư Yang) và 5,91 ha tại Tiểu khu 70 (xã Cư Bông)..

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng

Tổng khối lượng khai thác đã nghiệm thu là 291,9 m3 và đã tiêu thụ hết khối lượng gỗ. Lợi dụng chủ trương này, cùng với sự buông lỏng quản lý của chủ rừng, các đối tượng đã đưa máy móc vào sản ủi đường, tàn phá diện tích lớn rừng phòng hộ gần trạm bảo vệ rừng. Ngoài ra, Công ty này cũng được giao khai thác trắng 3,27 ha để phục vụ dự án thủy lợi nhưng đã để xảy ra tình trạng khai thác trước khi có quyết định của Sở NN- PTNT tỉnh Đắk Lắk và khai thác không đúng địa điểm cho phép.

Những cây gỗ gãy đổ không tận thu mà đốn hạ gỗ còn sống tốt

Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk kiểm tra báo cáo về việc báo nêu. Theo báo cáo của chi cục quá trình tận thu gỗ gãy đổ đã xảy ra tình trạng cắt hạ cả những cây đang sống rất tốt và khai thác ngoài vị trí cấp phép. Bên cạnh đó, người được thuê tận thu gỗ còn san ủi đường trái phép để vào hạ cây rừng. Để xảy ra tình trạng trên là do Công ty Lâm nghiệp Ea Kar chưa thực hiện đúng hướng dẫn; buông lỏng quản lý, chưa phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân phụ trách giám sát khai thác.

Gỗ khai thác trong rừng phòng hộ được Công an huyện Ea Kar thu giữ

Điều khó hiểu, theo tài liệu mà phóng viên thu thập được đối với việc khai thác trắng 3,27 ha để làm dự án thủy lợi đã xảy ra sai phạm khi khai thác trước khi có quyết định, khai thác sai vị trí cần khai thác nhưng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk lại kết luận: "Việc khai thác trắng gỗ rừng trồng để giải phóng mặt bằng thi công dự án hồ chứa nước Krông Pắk Thượng được Công ty Lâm nghiệp Ea Kar thực hiện đúng quy định, chưa thấy sai phạm" (!?).

Tác giả: C. Nguyên

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: rừng phòng hộ , phá rừng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP