(Ảnh minh hoạ). |
Tại hội thảo "Sử dụng nhiên liệu sinh học - Giải pháp phát triển bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, việc thay thế nhiên liệu truyền thống bằng nhiên liệu sinh học là tất yếu.
Sẽ thay thế hoàn toàn từ năm 2018
Theo Thứ trưởng, khi triển khai trên diện rộng, phạm vi toàn quốc, cần tính kỹ đến việc đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng cũng như phân tích đầy đủ các lợi ích đem lại cho xã hội, cộng đồng.
"Bộ Công Thương - với chức năng quản lý Nhà nước về năng lượng nói chung cũng như xăng dầu nói riêng, luôn lắng nghe mọi ý kiến của các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, người tiêu dùng để chỉ đạo điều hành cho phù hợp với tình hình diễn biến thực tế với phương châm kết hợp hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, luôn coi người tiêu dùng là trung tâm của sự phát triển bền vững", Thứ trưởng cho biết.
Trên thực tế, sau gần 10 năm triển khai Quyết định 177/2007/QĐ-TTg, tháng 6/2017 vừa qua, sau khi họp về thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã kết luận và chỉ đạo, kể từ ngày 1/1/2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95.
Theo lãnh đạo Petrolimex, gần đây lượng bán xăng E5 của Petrolimex đã tăng lên 28.000 m3/tháng, tăng đáng kể so với khoảng 4.000 m3 trước đây. Dự kiến, kể từ ngày 1/1/2018, khi Petrolimex thay thế hoàn toàn xăng RON 92 bằng xăng E5 thì lượng tiêu thụ xăng sinh học sẽ rất lớn.
Để đáp ứng nhu cầu, cùng với hệ thống 5 trạm phối trộn đã triển khai, Petrolimex sẽ bổ sung thêm hệ thống phối trộn tại Kho Xăng dầu Phú Hòa - Bình Định và Kho xăng dầu Nghi Hương/Bến Thủy - Nghệ An.
"Đến 1/1/2018, chúng tôi hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ xăng E5 trong hệ thống. Trong trường hợp nguồn cung trong nước không đảm bảo thì sẽ nhập khẩu, hiện đang tham khảo từ Philippines và Hàn Quốc, những nước có nguồn cung dồi dào”, lãnh đạo Petrolimex cho biết.
Chênh lệch giá ít, xăng sinh học kém hấp dẫn
Theo báo cáo của Sở Công Thương TPHCM, tính đến 31/8/2017, TPHCM có 533 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, tổng sản lượng tiêu thụ ước đạt 130.000 m3/tháng. Hiện nay, trên địa bàn có 33 doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý phân phối xăng dầu, trong đó có 3 đơn vị chủ lực phối chế và cung ứng xăng sinh học E5.
Nói về những khó khăn, Sở Công Thương TPHCM cho biết, hiện các cửa hàng xăng sinh học E5 có doanh thu thấp so với xăng khoáng, sản lượng tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều ngày, tỷ lệ hao hụt rất cao, ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp.
"Đến nay, đã có một số doanh nghiệp có văn bản đề nghị Sở Công Thương về việc tạm ngừng kinh doanh xăng E5 do sản lượng bán ra rất thấp và mức chiết khấu không cao, không bù đắp được chi phí hoạt động của cửa hàng", Sở Công Thương cho biết.
Bên cạnh đó, hiện nay, tỷ lệ chiết khấu xăng sinh học E5 tương đương 1.000 - 1.600 đồng/lít hoặc thấp hơn xăng khoáng 280 đồng/lít, không thật sự hấp dẫn để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự giác chuyển đổi. Chênh lệch giữa giá bán xăng sinh học E5 và xăng khoáng không nhiều, thấp hơn RON 92 là 230 đồng/lít, chưa thật sự khuyến khích sử dụng cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn chưa nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng xăng khoáng.
Kiến nghị giảm thuế, tăng chiết khấu, giảm giá
Trường hợp thay thế 100% xăng khoáng A92 bằng xăng sinh học E5, Sở Công Thương TPHCM đánh giá, người tiêu dùng sẽ có xu hướng quay sang sử dụng xăng A95, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng xăng A95 tăng cao, ảnh hưởng đến nguồn cung. Do đó, trường hợp triển khai đồng loạt, cần có kế hoạch, lộ trình phân kỳ cụ thể phương án đầu tư bồn bể, nhập khẩu, dự trữ nguồn xăng khoáng A95 hợp lý, tránh trường hợp thiếu hụt nguồn cung, ảnh hưởng đến thị trường.
Đại diện Sở Công Thương TPHCM kiến nghị nghiên cứu chính sách, cơ chế hỗ trợ, chính sách giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt, chiết khấu hoa hồng, phí môi trường… để giảm giá thành ethanol, giảm giá bán xăng sinh học E5 thấp hơn giá bán xăng khoáng RON 92 khoảng 1.000 - 2.000 đồng/lít, tạo được yếu tố hấp dẫn, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến người tiêu dùng, vận động doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tổng đại lý chủ động đưa ra chính sách khuyến khích cho các đại lý, cửa hàng xăng dầu phân phối xăng E5 tăng tỷ lệ chiết khấu hoa hồng từ 1.500 - 2.000 đồng/lít.
Tại kế hoạch thực hiện, một trong những giải pháp được Sở Công Thương TPHCM đưa ra là quán triệt các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ, công chức phải gương mẫu sử dụng xăng sinh học E5 theo đúng chủ trương của Chính phủ và vận động mọi người hưởng ứng tham gia.
Đồng quan điểm, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng 2 nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước và Dung Quất sẽ được PVN tái khởi động vào cuối năm nay cũng là một tín hiệu đáng mừng cho thấy các cơ quan quản lý đang chạy nước rút để đảm bảo cho sự thành công của Đề án.
Theo ông Ruệ, về phương án giá ethanol, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng vừa đưa ra chỉ thị yêu cầu Vụ Thị trường trong nước tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, khẩn trương rà soát các văn bản, nghiên cứu xây dựng cơ chế về thuế đối với ethanol nhập khẩu, đảm bảo chênh lệch giá của E100 nhập khẩu cao hơn 5-7% so với sản xuất trong nước.
Về phía các doanh nghiệp kinh doanh xăng E5, ông Ruệ cho rằng, bên cạnh những đầu mối lớn đủ tiềm lực hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, bồn bể, trạm phối trộn sẵn sàng cho việc chuyển đổi từ xăng khoáng sang xăng E5, Nhà nước cần có sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí đối với những doanh nghiệp nhỏ.
"Việc hỗ trợ để doanh nghiệp không bị thụt lùi lại phía sau trong lộ trình đúng đắn mà Chính phủ đã đề ra bởi chi phí cho những thay đổi trên là một con số không hề nhỏ. Hơn nữa, đối với các cửa hàng tư nhân, đại lý đang nhập xăng từ các doanh nghiệp đầu mối, việc thuyết phục họ chuyển qua bán xăng", ông nói.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí