Trong năm qua, ngành Giáo dục đạt được những thành tựu rất đáng được công nhận như bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính rườm rà, bồi dưỡng hơn 11 nghìn cán bộ quản lý giáo dục, tăng thu sự nghiệp lên hơn 30 tỉ đồng, đổi mới thi theo đánh giá năng lực, đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt việc tốt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, nút thắt, điểm trừ mà ngành Giáo dục phải tiếp tục xử lý, chấn chỉnh trong năm 2018 này.
Thứ nhất, xin Bộ GD&ĐT quan tâm nhiều hơn đến việc giải quyết vấn nạn bạo lực học đường. Năm 2017 chứng kiến nhiều vụ bạo lực giữa thầy và trò, trò với trò. “Thuốc” chữa trị bạo lực học đường đã kê đơn khá nhiều nhưng vẫn không hiệu quả. Hãy quyết liệt hơn nữa trong quản lý, giám sát môi trường học đường cũng như nhanh tay hành động chấn chỉnh các hoạt dộng trường lớp, làm phong phú đời sống tinh thần, chú trọng nhiều hơn việc nuôi dưỡng tâm hồn của học sinh.
Thứ hai, mong Bộ GD&ĐT chấn chỉnh tình trạng lạm thu học đường. Không thể nào chấp nhận tình trạng học sinh đến trường phải “cõng” quá nhiều phụ phí dưới danh nghĩa “tự nguyện”, “hỗ trợ”, “vận động”. Công văn, chỉ thị chống lạm thu đã ban bố khá nhiều nhưng vẫn đang bị “lách luật” dưới nhiều chiêu bài. Hãy xử nghiêm các thủ trưởng đơn vị làm trái quy định của ngành và gây bức xúc cho dư luận!
Thứ ba, đời sống giáo viên cần được Bộ GD&ĐT đề xuất phương án cải thiện nhiều hơn nữa. Mức lương trung bình từ 3 đến 10 triệu đồng phụ thuộc vào thâm niên rồi lương hưu giáo viên mầm non chỉ 1,3 triệu đồng đã làm nóng nhiều diễn đàn. Hãy cho đội ngũ “trồng người” một cuộc sống ổn định với mức lương đủ sống, một chế độ đãi ngộ kha khá để thu hút người giỏi học Sư phạm. Và quan trọng hơn là “cởi trói” cho người thầy bớt áp lực trong công việc. Có như thế mới khơi lên được nhiệt tâm cống hiến của mỗi người khi đứng trên bục giảng với phấn trắng bảng đen.
Thứ tư, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã đi được một chặng đường dài. Mặc dù chậm một, hai năm so với lộ trình triển khai trước đây nhưng người dân đang rất kỳ vọng về sự thành công của lần “thay sách” này. Để đạt được điều đó, Bộ GD&ĐT nói chung và ban soạn thảo nói riêng cần hoàn thiện chương trình môn học cụ thể, biên soạn sách giáo khoa, tập huấn đội ngũ giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất cần thiết.
Thứ năm, một kỳ thi THPT quốc gia nữa lại rục rịch khởi động với nhiều thông tin điều chỉnh quan trọng. Mong rằng Bộ GD&ĐT có những đổi thay phù hợp để khắc phục tình trạng “30 điểm vẫn trượt đại học” như trong kỳ thi 2017 vừa qua. Một kỳ thi 2 trong 1 cần được chuẩn hóa để xứng đáng với đánh giá thành công của Bộ!
Thứ năm, khắc khoải nhất vẫn là chuyện đầu vào các ngành Sư phạm thấp đến mức kỉ lục. 3 điểm/môn có thể làm thầy là câu chuyện có thật như đùa, cười ra nước mắt trong năm 2017. Kéo người tài về với Sư phạm là một trong những nhiệm vụ then chốt để chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Dư luận rất hoan nghênh nhưng nỗ lực của Bộ trong việc chỉ đạo thống kê toàn bộ biên chế và dự báo nhu cầu giáo viên cũng như quy định đào tạo sư phạm theo đặt hàng của địa phương. Tuy nhiên, “chìa khóa” cho bài toán nâng cao chất lượng giáo sinh cho các trường Sư phạm còn nằm ở 3 khâu mang tính quyết định: giải quyết việc làm, tăng đãi ngộ nhà giáo và nâng cao vị thế người thầy.
Năm 2018 đã sang, xin gửi gắm hy vọng về những đổi thay tích cực của nền giáo dục nước nhà đến Bộ GD&ĐT.
Tác giả: Thùy Mai
Nguồn tin: Báo Dân trí