Tập thể dục giữa giờ của học sinh điểm bản Piêng Coọc. |
Thế nhưng vượt qua nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu thốn ở vùng núi và nỗi nhớ người thân nơi quê nhà, các thầy giáo cô giáo vùng cao nơi đây vẫn cần mẫn từng ngày để dạy con chữ cho những trẻ em nơi miền biên viễn xa xôi - bản Piêng Coọc, xã biên giới Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An.
Gian nan gieo chữ nơi miền biên giới
Tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Huế, năm 2010, cô giáo trẻ Lương Thị Kim Oanh, lập gia đình rồi lên công tác tại trường Tiểu học Mai Sơn. Được phân công cắm bản điểm lẻ Piêng Coọc đã 7 năm nay, không có khó khăn vất vả nào mà chị chưa trải qua.
Dù con còn nhỏ, nhưng vì nhà quá xa, cách trường tới 160km, nên chị đành phải gửi con lại cho ông bà, có khi tới 2 tuần mới được về thăm chồng con. Lúc chia tay không dám nhìn con vì sợ không đi nổi. Mỗi ngày xa con chị chỉ biết khóc, nhìn các con ở lớp lại nhớ đến con mình.
Điểm trường bản Piêng Coọc cách điểm trường chính hơn hai giờ đồng hồ đi bộ lúc trời mưa. |
Con đường vào bản để gieo chữ với chị cũng rất đỗi gian nan, vất vả. Đường sá ở đây đi lại cực kỳ khó khăn, nắng thì bụi mịt mù, khi trời mưa, đường trơn trợt lại dốc đứng, đi bộ cũng đã khó chứ chưa nói đến chuyện đi xe máy. Những lúc đó, chị và các đồng nghiệp đành phải bỏ xe tại điểm trường chính rồi đi bộ mất hơn hai tiếng đồng hồ mới vượt được dốc Piêng Coọc để vào bản.
Chị tâm sự với chúng tôi rằng, làm chồng, vợ của giáo viên vùng cao đòi hỏi sự chia sẻ, cảm thông nhiều lắm. Với đàn ông thì phải biết vừa làm chồng vừa làm vợ và ngược lại với phụ nữ lại phải đủ vững vàng để vừa làm vợ vừa thay chồng gánh vác công việc nặng nhọc hằng ngày.
23 năm gắn bó với đồng bào, thầy giáo Nguyễn Duy Thắng vẫn miệt mài gieo chữ nơi vùng cao. |
Ở thì tạm bợ như vậy. Nói về điều kiện sinh hoạt của nữ nhà giáo vùng cao cũng không khỏi cảm thương. Thực phẩm trên này khan hiếm, nên ngày cuối tuần khi lên trường, ai cũng tranh thủ mang thêm trứng, lạc, may mắn được ít cá khô... để làm thức ăn khô cho cả tháng.
May mắn, hôm nào bà con dân bản săn bắn được con dúi, con chuột.. các thầy các cô còn có cái để mua thêm cải thiện bữa ăn. Điều kiện vất vả thiếu thốn như thế nhưng vì yêu nghề, yêu trẻ nên cô Oanh cùng với 5 thầy cô khác vẫn ngày ngày miệt mài "cắm bản" gieo chữ nơi vùng đất heo hút xa xôi này.
Cũng như vậy, với nhiệt huyết của tuổi trẻ và niềm đam mê nghề, suốt 23 năm nay, thầy giáo Nguyễn Duy Thắng, quê ở Diễn Châu, luôn ăn, ở, sống, làm việc và dạy chữ cho con em đồng bào. Hai mươi hai năm gắn bó với bà con dân tộc Mông ở bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền. Và 1 năm nay, thầy Thắng luân chuyển lên điểm bản lẻ Piêng Coọc tiếp tục “gieo chữ”.
Dù gặp nhiều vất vả, thiếu thốn nhưng cô giáo trẻ Lương Thị Kim Oanh vẫn tận tâm với học trò. |
Các phòng học được xây dựng bán kiên cố theo chương trình 135, mái lợp tôn, vách gỗ, nhưng vì thời gian quá lâu nên hầu hết đã xuống cấp. Điều kiện giảng dạy và công tác khó khăn là vậy nhưng chưa thấm vào đâu với khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Hiện nay, thầy giáo Thắng cùng các giáo viên khác phải sống trong căn phòng lợp mái tôn tạm bợ.
Chưa kể, do chưa có điện lưới, máy thủy điện nhỏ thì hoạt động phập phù, mùa mưa thì không sử dụng được, mọi sinh hoạt cá nhân đến việc soạn bài lên lớp đều gặp nhiều khó khăn do phòng ốc chật hẹp, phập phù dưới ánh đèn dầu. Giáo viên cắm bản đã khó khăn, nhưng nhìn các em học sinh quần áo rách rưới, nhem nhuốc lại thấy thương hơn.
Điều kiện trường lớp tạm bợ nhưng không ngăn được nhiệt huyết của các thầy cô. |
Chuyện học hành vì thế cũng phó mặc cả cho các thầy cô. Thầy giáo Thắng chia sẻ, thương nhất là nhiều học sinh, do bố mẹ đi rẫy cả ngày, bữa trưa hầu như phải nhịn đói, nên buổi chiều các em lại bỏ học ở nhà luôn. Vì thế, thầy cô lại phải vào bản tìm học trò, cho các em ăn rồi vận động các em đến lớp.
Chưa kể, việc tắm rửa vệ sinh cho con cái, phụ huynh cũng lơ là, nhiều em mặc mỗi bộ quần áo đến hai, ba ngày chưa thay, chưa tắm rửa, quần áo đầu tóc lấm lem, nhếch nhác...Vậy là, sau giờ dạy, thầy cô lại cần mẫn tắm rửa, vệ sinh thân thể cho học sinh. Chứng kiến những cảnh tượng đó, thầy Thắng lại yêu học trò hơn và thầm bảo mình phải cố gắng để dạy chữ mới mong cuộc sống các em đổi thay được.
Mong sao các em nên người
Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Đào Xuân Hải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Sơn cho biết, trường có 22 lớp với 4 điểm bản lẻ và 1 điểm trường chính. Cơ sở vật chất trường lớp hầu hết được xây dựng bán kiên cố, lợp tôn vách gỗ, hầu hết tại các điểm lẻ đã xuống cấp trầm trọng.
Bữa ăn của thầy cô được cải thiện thêm bằng rau xanh, thực phẩm mua từ đồng bào. |
Toàn trường hiện có 285 học sinh đang theo học, học sinh chủ yếu là con em dân tộc thiểu số, đời sống gia đình rất khó khăn. Địa bàn miền núi vùng cao, hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn, do đó mọi sinh hoạt cũng như dạy học của các thầy cô ở điểm lẻ cũng cực kỳ khó khăn, thiếu thốn.
“Để động viên giáo viên yên tâm công tác tại những điểm khó khăn này, ngay từ đầu năm nhà trường cũng đã tham mưu cho từng địa phương, đến gặp ban quản lý ở từng nơi giáo viên cắm bản để động viên. Chúng tôi cũng đã đầu tư một phần kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất tại các điểm bản lẻ này, chẳng hạn như bóng điện, nguồn ánh sáng, thủy điện nhỏ (điện cù), một số tư trang phục vụ sinh hoạt... Bên cạnh đó, hàng tuần, hàng tháng nhà trường tổ chức giao lưu tại các điểm bản lẻ để nhiều giáo viên ở điểm trường chính đến cùng tham gia động viên các thầy cô ở đây”- Thầy giáo Đào Xuân Hải chia sẻ thêm.
Điều kiện sinh hoạt của nữ nhà giáo vùng cao cũng tạm bợ, thiếu thốn. |
Nhiều năm gắn bó tâm huyết với mảnh đất gian khó và những lớp học thân thương, khó lòng có thể kể hết được những vất vả, nhọc nhằn mà các thầy, các cô đã phải trải qua.
Nhưng với cô Oanh, thầy Thắng, cũng như nhiều cô giáo sẵn sàng ở nơi vùng cao, vùng sâu, vùng xa này, đều nỗ lực vì một mơ ước, mong sao các em học sinh đều được tới trường, được học tập, để có một tương lai sáng ngời, một cuộc sống ấm no hơn, hạnh phúc. Và hơn hết đó chính là lòng yêu nghề, mến trẻ, sự hy sinh thầm lặng mới có thể giúp họ trụ vững và “chèo đò” miệt mài cùng năm tháng.
Piêng Coọc là bản vùng sâu vùng xa thuộc xã biên giới Mai Sơn của huyện Tương Dương, có 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, với 53 hộ, 352 khẩu, trong đó hộ nghèo chiếm tới 100%. Cuộc sống mưu sinh nghèo đói, bà con dân bản vào rừng làm rẫy từ sáng sớm đến tối mịt, khi con gà lên chuồng mới về nhà. Chính vì thế, họ không có điều kiện chăm sóc cho con cái, hầu hết trẻ em ở đây cứ sống lăn lóc như cây cỏ hoang dại mọc ở bìa rừng. Điểm lẻ Piêng Coọc hiện có 5 lớp với 66 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Trong đó, lớp đông nhất là 15 học sinh và ít nhất là 7 em. |
Tác giả: Hiến Chương - Nguyễn Duy
Nguồn tin: Báo Dân trí