Giáo dục

Huyện thừa hơn 500 giáo viên, trường xếp 5 học sinh/ lớp

Hai đời chủ tịch huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) gần đây khi lên nắm quyền đều ký tuyển dụng ngoài chỉ tiêu được giao hàng trăm giáo viên, khiến địa phương đang thừa hơn 500 giáo viên.

Điều này làm cho các trường phải chia nhỏ lớp để giáo viên có chỗ giảng dạy, tự cân đối các khoản chi để trả lương.

Lớp chỉ có 5 học sinh

Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk vừa lập đoàn kiểm tra công tác quản lý, sử dụng viên chức và hợp đồng lao động tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục của huyện Krông Pắk và phát hiện hàng loạt sai phạm.

Nhiều trường học tại huyện Krông Pắk phải chia nhỏ học sinh/ lớp để bố trí giáo viên giảng dạy

Chiều ngày 15/2, làm việc với VietNamNet, ông Miên K’lơng, Giám đốc Sở Nội vụ, xác nhận UBND huyện Krông Pắk đang thừa hàng trăm giáo viên hợp đồng ngoài chỉ tiêu được giao. Ngoài ra, huyện này cũng bổ nhiệm thừa hàng chục phó hiệu trưởng, đến nay chưa sắp xếp, bố trí được.

Tính đến thời điểm kiểm tra, UBND huyện này đã ký quyết định hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu được giao tới 526 giáo viên, trong đó bậc mầm non 85 người, tiểu học 285 người, THCS 242 người. Ngoài ra, huyện còn bổ nhiệm thừa tới 32 phó hiệu trưởng, trong đó tiểu học thừa 18 phó hiệu trưởng, bậc THCS thừa 11 phó hiệu trưởng.

Cách mà các trường áp dụng để “nhồi nhét” được số giáo viên ngoài chỉ tiêu được giao là giảm số học sinh/ lớp để tăng số lượng lớp.

Cụ thể, tại Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (xã Ea Phê), cơ sở vật chất đảm bảo cho 45 học sinh/ lớp theo quy định nhưng trường chỉ bố trí 28 học sinh/ lớp. Trường này đang thừa 16 giáo viên và 1 nhân viên.

Đặc biệt, có trường chỉ bố trí... 5 học sinh/ lớp ở phân hiệu chính và điểm trường như Trường Tiểu học Tô Hiệu, Trường Tiểu học Đặng Thùy Trâm (xã Ea K’Nuêc), Trường Tiểu học Cư Pui...

Tại hàng loạt trường khác như Trường Tiểu học Nguyễn Văn Bé, Trường THCS thị trấn Phước An… cũng chung cảnh thừa giáo viên, lớp lưa thưa học sinh.

Ông Miên Klơng cho biết, sau khi kiểm tra, Sở Nội vụ đã kiến nghị UBND huyện này có giải pháp khắc phục. UBND huyện Krông Pắk đã lập kế hoạch và cam kết sẽ tinh giản biên chế, bố trí sắp xếp số cán bộ quản lý trường học và giáo viên bị dư thừa.

Theo kế hoạch, huyện sẽ luân chuyển số cán bộ quản lý từ trường thừa sang trường thiếu, không bổ nhiệm các chức danh cấp phó mới, đôn cấp phó lên khi lãnh đạo các trường đến tuổi nghỉ hưu, thôi việc… Đối với số giáo viên hợp đồng ngoài chỉ tiêu, khi xét tuyển viên chức nếu không trúng tuyển sẽ chấm dứt hợp đồng.

“Huyện đã có lộ trình, tuy nhiên việc sắp giáo viên bị thừa cần thực hiện từ từ, từng giai đoạn, nếu làm đồng loạt rất dễ xảy ra khiếu kiện, khiếu nại gây phức tạp” – ông Miên Klơng cho biết.

“Theo lộ trình phải đến năm 2018 huyện Krông Pắk mới sắp xếp được hết số hiệu phó bổ nhiệm thừa, còn hàng trăm giáo viên hợp đồng ngoài chỉ tiêu thì đến năm 2019 mới giải quyết xong”.

Vợ tham mưu, chồng ký!

Theo ông Miên Klơng, việc bổ nhiệm, tuyển dụng dư thừa hàng trăm giáo viên trách nhiệm là thuộc về lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk qua các thời kỳ.

giao vien 1
Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk ký quyết định tuyển dụng giáo viên khi đang thừa hàng trăm người

Cụ thể ở đây là các ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk nhiệm kỳ 2011 – 2016, đã được điều chuyển giữ chức Phó trưởng Ban Nội chính tỉnh Đắk Lắk) và ông Y Suôn Byă (Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2016 – 2021).

Trong thời kỳ ông Kỷ làm chủ tịch đã tuyển dụng thừa trên 400 giáo viên và để xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý. Ủy Ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk đã kiểm tra, làm rõ sai phạm và có quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Kỷ. Tuy nhiên, ông này đã có đơn khiếu nại vì cho rằng quyết định kỷ luật quá nặng.

Đến nhiệm kỳ của mình, ông Y Suôn tiếp tục ký các tuyển dụng hơn 100 giáo viên, nhân viên dù biết trước đó đã dư thừa.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng vừa lập đoàn kiểm tra, xác minh các sai phạm trong quản lý, điều hành đối với tập thể lãnh đạo huyện Krông Pắk nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Phóng viên VietNamNet nhiều lần liên hệ với ông Y Suôn nhằm làm rõ vấn đề trên, tuy nhiên ông này từ chối làm việc với nhiều lý do “Lãnh đạo tỉnh ủy đã chỉ đạo không cung cấp thông tin”, và “phải xin phép ý kiến lãnh đạo tỉnh” vì “vấn đề nhạy cảm không thể trả lời”…

Trao đổi qua điện thoại, ông Y Suôn cho rằng số lượng giáo viên dư thừa một phần là do lịch sử để lại và phần do sự tham mưu sai của Phòng Nội vụ và Phòng GD-ĐT huyện.

Tuy nhiên, đáng lưu ý là người đứng đầu Phòng GD-ĐT huyện hiện nay là bà H’Yer Knul (Phó trưởng phòng), vợ ông Y Suôn. Bà H’Yer được giao phụ trách Phòng GDĐT huyện Krông Pắk từ tháng 10/2015 đến nay.

Tác giả bài viết: Trùng Dương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP