Đền thờ làng Hiếu nơi có gần 100 mộ cá Ông được chôn cất.
Cá cứu người…người cứu cá
Sáng ngày 25/5, người dân đi biển xã Diễn Thịnh (Diễn Châu, Nghệ An) phát hiện một con cá voi đang sống mắc cạn trên bãi cát, vụ việc nhanh chóng được báo cáo chính quyền địa phương.
Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, hàng ngàn người dân tập trung kín bên bờ biển, người dùng tay, người dùng vật dụng để múc hố cát rộng cho nước vào chỗ cá voi nằm. Hẳn là cá mập hay các loài cá khác thì…sẽ chẳng ai làm vậy, tất cả đều có cội nguồn tâm thức của nó.
Cá voi dài khoảng dài 15 mét, cao gần 2 mét, mình dầy khoảng 1 mét, theo kinh nghiệm của người dân thì chú cá voi nặng tầm hơn 10 tấn.
Để cứu sống, đưa cá ra biển, ngay từ 7h sáng, UBND huyện Diễn Châu đã huy động lực lượng hơn 100 người gồm dân quân, quân sự xã Diễn Thịnh và chiến sỹ Đồn Biên phòng Diễn Thành, đồng thời đưa 2 máy múc, mở đường thông ra biển, đào một chiếc hồ lớn để cá có đủ nước và không khí. Khi con cá tiếp xúc được với vùng biển sâu thì hàng trăm ngàn người dân đã hô hét và vỗ tay rất vui mừng.
Cá voi mắc cạn tại Diễn Thịnh được người dân nỗ lực giải cứu.
Sau hai ngày giải cứu được con cá voi nặng hơn 10 tấn ra biển thì khoảng 5h sáng ngày 27/5, ngư dân xã Diễn Thịnh đi lặn biển phát hiện một con cá voi chết nằm cách bờ biển khoảng 4 hải lý.
Sau khi kiểm tra, con cá voi đã chết trước đó nhiều ngày, đang trong quá trình phân hủy, lực lượng cứu hộ đã buộc phao để con cá nổi rồi cho tàu thuyền kéo vào bờ. Trước thông tin phát hiện xác cá voi, tại bờ biển Diễn Thịnh hàng trăm người dân đổ xô về để chứng kiến.
Cùng ngày, xác cá voi cũng được lực lượng cứu hộ, Bộ đội biên phòng và người dân kéo vào bờ, chờ thủy triều lớn để đưa cá lên cạn tiến hành làm lễ mai táng.
Con cá voi khủng được người dân kéo vào bờ chuẩn bị làm lễ mai táng.
Vị trí cá voi này trôi dạt vào gần bờ đúng vị trí mà ngày 25/5, một con cá voi nặng hơn 10 tấn trôi dạt vào bờ và được người dân giải cứu.
Truyền thuyết và tín ngưỡng thờ cá Ông
Tín ngưỡng thờ cá Ông của ngư dân vùng ven biển huyện Diễn Châu nói riêng và những phần lớn các ngư dân làm nghề biển tại Nghệ An cũng như khắp các vùng miền trong cả nước có từ lâu đời. Điều này cũng chiếm vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân.
Theo truyền thuyết, vào một ngày giông tố đầu thế kỷ XVIII tại cửa biển Lạch Vạn (Diễn Châu), khi các ngư dân trên con tàu gặp nạn đang chống chọi với sóng to gió lớn bỗng nhiên xuất hiện một Ngài cá Ông to lớn dùng thân mình đẩy vào mạn thuyền, rồi đưa con thuyền gặp nạn vào bờ biển làng Lý Nhân (nay là xã Diễn Ngọc).
Sau khi đưa được thuyền gặp nạn và ngư dân vào đến bờ thì cá Ông kiệt sức và tử vong ngay sau đó trên bờ cát. Câu chuyện cảm động trên được lan truyền, người dân làng Lý Nhân đã làm nghi lễ chôn cất để tang như người thân quyến, xây đền thờ cúng.
Một ngôi mộ cá ông được người dân xây khang trang tại nghĩa địa.
Với những thăng trầm của thời tiết và biến cố lịch sử, ngôi đền đã bị phá dỡ, hiện nay còn Miếu ngư Ông ở làng Ngọc Minh hiện là ngôi miếu duy nhất ở vùng ven biển Diễn Châu thờ cá Ông. Đây cũng trở thành nơi tâm linh để ngư dân Diễn Châu nương náu trong mỗi chuyến ra khơi, với trọn một niềm tin có Ngài bảo vệ trên biển đã giúp họ mạnh dạn vươn khơi bám biển...
Tại mảnh đất Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cũng có một ngôi đền cá Ông được người dân lập nên, mỗi chuyến ra khơi ngư dân thường đến thắp hương cầu khấn. Theo những người dân địa phương không ai nhớ ngày ngôi đền được xây dựng, những người con trong làng sinh ra đã thấy được dựng lên ở đó.
Theo truyền thuyết để lại, vào thế kỷ XIX, khi ngài dạt vào bờ, nhiều người dân cố gắng đưa lên đất liền để mai táng, nhưng do ngài quá lớn nên không thể. Để có thể chôn cất người dân chỉ còn cách rạch thịt lấy xương chôn cất. Theo truyền miệng, ngài cá Ông này dài 120m, thân từ bụng đến lưng cao gần 5m. Từ khi ngôi đền được hình thành thì việc đi biển ngư dân gặp thuận lợi hơn…
Tại vùng biển Cửa Hội, ngư dân nơi đây còn có những câu chuyện về cá ông cứu giúp. Theo truyền thuyết truyền miệng ngày xưa, một người làm nghề lái buôn, hay làm việc thiện thường đi thuyền từ Nam ra Bắc buôn bán lấy tiền cứu giúp người nghèo.
Một hôm, trên đường về thuyền bị cướp, ông bị rơi xuống biển, trong lúc đang chới với thì có một con cá lớn bơi ngang qua, ông liền bám vào rồi chở vào bờ. Đến gần bờ, con cá nghiêng mình thả người lái buôn vào đất liền.
Sống sót trở về, cảm phục trước việc làm của cá ông, người thương lái đã xây nhà, dựng cơ nghiệp nơi vùng đất này và thường vớt xác cá Ông trôi dạt vào bờ để chôn cất, thờ cúng cẩn thận. Trong tâm thức của ngư dân Cửa Hội, cá Ông chính là vị thần hộ mệnh mỗi khi bám biển, trên bờ biển Cửa Hội không biết bao nhiêu con cá ông được ngư dân vớt đưa đi chôn cất.
Một con cá ông chết được người dân Cửa Hội làm lễ chôn cất rất cẩn thận.
Những quan niệm về cá Ông trôi vào bờ
Người dân Cửa Hội thường rỉ tai nhau rằng, trước đây ở vùng đất thiêng này được sự che chở của một cá Ông to bằng chiếc tàu, hễ thuyền bè gặp nạn, gặp sóng to gió lớn lại xuất hiện sự cứu giúp. Khi cá Ông mất, trôi dạt vào bờ phải dùng tới 30 đôi chiếu mà vẫn không đắp được hết.
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có gần 10 đền, miếu thờ cá Ông trải dài từ thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Cửa Hội. Trong đó huyện Quỳnh Lưu chiếm số lượng nhiều nhất với 5 đền, miếu tập trung chủ yếu ở các xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Long, Tiến Thủy.
Tại Cửa Hội có một khu vực bà con ngư dân “quy hoạch” thành khu nghĩa trang, cũng những nấm đất với bia mộ và hương khói mỗi năm... Nhưng đó không phải là nghĩa trang dành cho người, mà là khu nghĩa trang dành cho cá voi ở làng Hiếu.
Người dân thắp hương trong nghĩa địa cá voi
Đặc biệt đây còn lưu giữ xương cốt, thờ phụng gần 100 con cá ông với quan niệm là vị thần của ngư dân miền biển. Theo người dân địa phương, mỗi lần có 1 ông cá voi chết cũng có nghĩa là nó đã hy sinh thân mình để cứu 1 tàu thuyền nào đó được bình yên.
Nên khi phát hiện thấy cá voi trôi dạt, ngư dân ở đây sẽ đưa về bờ làm lễ mai táng, hương khói chu toàn. Những chủ tàu thuyền nào trực tiếp vớt “ngài” sẽ phải để tang 2 năm.
Cũng có những nơi cho rằng, khi một con cá voi dạt vào bờ chết thì chắc chắn sẽ có thêm một con cá khác vào bờ sau đó không lâu. Bởi theo họ, cá voi là loài có có tình cảm, khi con cá voi đực chết trên bãi biển thì con cá voi đực cũng lao vào bờ chết cạnh con cá voi cái.
Hoặc cá voi con chết trên bờ biển thì cá voi mẹ cũng chết dạt vào bờ đúng vị trí cá con đã chết. Xung quanh đó còn có rất nhiều câu chuyện kỳ bí về cá voi, nhưng dù ở vị trí nào thì trong tâm thức của ngư dân thì cá voi luôn là người bạn tốt. Luôn là chỗ dựa để họ vững tin để xa khơi, bám biển, bảo vệ biển và mưu sinh.
Tác giả bài viết: Ngô Toàn