Chiều ngày 2/3, phiên xét xử các cựu lãnh đạo Navibank tiếp tục với phần xét hỏi của các luật sư về khoảng tiền 500 tỷ đồng mà Navibank cho nhân viên vay mang đi gửi tại Vietinbank Chi nhánh Hồ Chí Minh.
Bị cáo Lê Quang Trí (cựu Tổng giám đốc Navibank) khai, khi hay tin Huỳnh Thị Huyền Như bị khởi tố, bắt giam, các nhân viên của Navibank đã đến Vietinbank yêu cầu sao kê tài khoản nhưng không được đáp ứng. Navibank cũng đã có công văn yêu cầu tất toán số tiền này nhưng cũng không được đáp ứng.
Các bị cáo tại tòa |
Tại tòa, đại diện Ngân hàng Vietinbank khẳng định, sau khi Huyền Như bị khởi tố, Vietinbank đã chủ động gặp các nhân viên của Navibank, mời về làm việc, đối chiếu số dư...Vietinbank cũng đã cung cấp toàn bộ tài liệu cho cơ quan điều tra.
Đại diện Vietinbank cho rằng, ngân hàng này không có chủ trương huy động tiền gửi từ các tổ chức tín dụng. Về khoản tiền 200 tỷ mà Huyền Như lừa đảo của Navibank, tại phiên tòa trước, HĐXX đã tuyên Huyền Như phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền này.
Các luật sư cũng đặt câu hỏi với Huyền Như về dòng tiền đi-về tại các tài khoản liên quan tới số tiền 200 tỷ đồng, bị án này đều trả lời không nhớ.
Tham gia xét hỏi, luật sư Nguyễn Hà Luân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Giang Nam, Cao Kim Sơn Cương) cho rằng, phiên tòa sơ thẩm ngày 27/1/2014, TAND TP.HCM đã tuyên án tù chung thân đối với Huỳnh Thị Huyền Như về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Đến ngày 7/1/2015, bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên phạt tù chung thân Huỳnh Thị Huyền Như. Bản án phúc thẩm tuyên liên quan tới Navibank là Huyền Như chiếm đoạt của Navibank 200 tỷ đồng và xác định Navibank bị thiệt hại. Nay tại phiên tòa này, cáo trạng mang nội dung bản án Huyền Như chỉ với phần Navibank thiệt hại 200 tỷ đồng áp dụng quy tội 10 bị cáo, điều này khiến các bị cáo bất ngờ.
Cũng theo luật sư Luân, trong phiên tòa xử vụ Huyền Như trước đây, có tới 9 bị cáo không tham gia phiên tòa với bất cứ tư cách nào (ngoại trừ bị cáo Đoàn Đăng Luật có tham gia với vai trò người liên quan). Vì vậy, các bị cáo không được bảo vệ và chứng minh hành vi của mình không gây thiệt hại, nay tại phiên tòa này, HĐXX cho rằng phần 200 tỷ đồng thiệt hại là lấy từ bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật rồi thì không bàn tới nữa.
“Điều này khiến bị cáo bất ngờ và hạn chế quyền tự bảo vệ của các bị cáo” - luật sư Luân khẳng định.
“Tòa xử tội các bị cáo gây thiệt hại, nhưng tại tòa không cho các bị cáo chứng minh mình không gây thiệt hại là tình huống pháp lý hy hữu, sai phạm tố tụng nghiêm trọng”, luật sư Luân nói.
Tác giả: Đoàn Nga
Nguồn tin: Báo VietNamNet