Đề xuất gộp các tổ chức chính trị - xã hội (hay đoàn thể) ở cấp cơ sở vừa qua nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Phía chưa đồng tình cho rằng như vậy là đánh đồng nhiệm vụ của các đoàn thể, làm suy yếu chức năng của các tổ chức này, gây đứt gãy sợi dây liên lạc giữa nhà nước và người dân. Tôi cho rằng những lo ngại trên thực tế đã xảy ra rồi, và là do các đoàn thể không chịu thay đổi, chứ không phải vì họ thay đổi. Nếu không sớm cải cách, các đoàn thể thậm chí sẽ còn thụt lùi và lạc lõng hơn nữa giữa những biến chuyển mới của đời sống kinh tế xã hội.
Con người chưa hẳn là vấn đề. Ba năm trước, tôi có tham gia một nghiên cứu đánh giá chi phí kinh tế của đoàn thể ở một số địa phương, và có cơ hội gặp gỡ rất nhiều cán bộ đoàn thể tâm huyết, nhiệt tình, và chấp nhận nhiều thiệt thòi cho công tác của tổ chức. Thế nhưng, họ bị ràng buộc vào một cơ chế quản lý đã lỗi thời, ngân sách hạn hẹp, và một bộ máy quan liêu, thiếu hiệu quả không kém gì những cơ quan nhà nước kiểu cũ. Đoàn thể dường như vẫn giữ nguyên nguyên tắc hoạt động trong giai đoạn tiền Đổi mới 1986. Các tổ chức này thích nghi rất kém với bối cảnh mới như di cư nội địa tăng mạnh, nền tảng hội nhập mạnh mẽ của đất nước, và sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu.
Cốt lõi cho khả năng thâm nhập sâu rộng vào quần chúng của đoàn thể phụ thuộc vào hệ thống dân cư cố định, nằm dưới sự kiểm soát của chính sách hộ khẩu. Nhờ vào hệ thống này, đoàn thể có thể nắm chắc các đối tượng dân vận, bởi không có nhiều biến động trong cộng đồng. Thế nhưng khi kinh tế ngày càng phát triển, dịch chuyển trong nước của người dân trở nên tự do và nhiều hơn, thì đoàn thể dường như hụt hơi so với thời đại.
Lực lượng nòng cốt cho các đoàn thể ở nông thôn là thanh niên, nhưng hiện giờ rất nhiều người trong độ tuổi lao động đã lên thành phố hay khu công nghiệp để kiếm sống. Nếu bạn đến thăm một làng quê bất kỳ ở đồng bằng Bắc Bộ hay Tây Nam Bộ, khả năng cao đó là những ngôi làng "khuyết thế hệ": chỉ còn người già và trẻ nhỏ sinh sống. Không có thanh niên, hoạt động của Đoàn Thanh niên tất yếu sẽ đi xuống.
Ở đô thị, khả năng xâm nhập vào các khu công nghiệp - và hoạt động hiệu quả - của Công đoàn là yếu, khi hầu hết những cuộc đình công của công nhân trên cả nước đều không có bóng dáng của tổ chức này. Vốn có truyền thống tập trung vào các công nhân "có biên chế", Công đoàn gặp nhiều khó khăn khi kinh tế nhà nước giảm dần, nhường đường cho kinh tế tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài làm chủ đạo. Đó cũng là câu chuyện tương tự với Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, và Hội Nông dân ở một số địa phương, khi họ không nắm bắt được những thay đổi trong chính lực lượng của mình.
Thêm vào đó, sự xuất hiện của internet và các công nghệ truyền thông mới khiến nhiệm vụ "tuyên truyền" không còn dễ dàng như trước. Người dân tiếp cận với nhiều kênh thông tin mới và nhanh hơn, tính phản biện cao hơn, chứ không giới hạn vào những thông tin được biết qua các nguồn chính thống. Điều này buộc các đoàn thể phải tích cực và chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận các đối tượng vận động.
Yêu cầu trên không thể thực hiện được với cơ cấu tổ chức như hiện tại: đoàn thể hoạt động theo mô hình tổ chức đơn vị hành chính, bất kể nhu cầu riêng biệt của địa bàn. Có những nơi chỉ có năm ba cựu chiến binh nhưng vẫn thành lập Hội Cựu chiến binh, với đầy đủ suất biên chế, định biên như quy định. Hoặc những chi Đoàn rất ít Đoàn viên. Trong khi ở những địa bàn rộng hoặc phức tạp, cán bộ đoàn thể lại rất thiếu người hoạt động, nhưng bị giới hạn bởi số biên chế.
Cách tổ chức xơ cứng như vậy khiến cho chi phí thường xuyên của đoàn thể tại một số nơi khảo sát đã chiếm gần 85 - 90% ngân sách, không còn dư địa cho các hoạt động khác. Có những tổ chức hoạt động đến tháng 3 là hết tiền, chỉ đi vận động hoặc ngồi chơi xơi nước đến hết năm. Tính ra từng tổ chức, chi phí hoạt động như vậy có thể không quá lớn, chỉ khoảng vài chục đến hơn 100 triệu/tổ chức mỗi năm. Nhưng khi chúng ta tính đến cả hệ thống hành chính với 11 nghìn xã, hơn 700 đơn vị câp huyện trên 63 tỉnh thành, chi phí này là rất lớn.
Bước cải tổ đầu tiên, vì thế, là tính toán lại hoạt động của các đoàn thể, và ở cấp cơ sở, cần xem xét khả năng hợp nhất đoàn thể về một mối quản lý là Mặt trận Tổ quốc. Điều này không những giúp tiết kiệm chi phí hoạt động cho bộ máy, mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động thực chất ở cấp cơ sở. Quá trình này có thể áp dụng một cách tiệm tiến, vừa làm vừa sửa, học hỏi kinh nghiệm. Tương tự như thí điểm nhất thể hóa chức danh có vai trò tương đương đang được thực hiện, đề xuất này có thể áp dụng ở một vài địa phương trước khi mở rộng quy mô.
Nhưng dù chậm, cải tổ hệ thống đoàn thể là việc không thể không làm. Cải tổ không phải là nhằm giảm đi vai trò của các tổ chức này, mà giúp đoàn thể hoạt động hiệu quả hơn, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ trung gian giữa nhà nước và người dân trong bối cảnh mới. Trước những biến chuyển không ngừng của xã hội thế kỷ 21, việc tìm tòi, dám thử nghiệm những mô hình mới nhiều khi lại tạo ra bước tiến dài.
Tác giả: Nguyễn Khắc Giang
Nguồn tin: Báo VietNamNet