Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vừa tổ chức tập huấn cho đội ngũ giảng viên của trường sẽ tham gia coi thi THPT quốc gia tại Thanh Hóa. Một giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, ngoài phổ biến thông tin đến các cán bộ tham gia coi thi, trường có bản mềm lưu ý cho mỗi người.
Theo giảng viên này, lưu ý có nhấn mạnh cán bộ coi thi không được mang điện thoại di động trong khi làm nhiệm vụ. Nếu lỡ mang theo phải tắt máy và gửi ngay cho Ban chỉ đạo điểm thi để cho vào hòm niêm phong lại và có sự giám sát của công an. Thứ hai, tuyệt đối không để thí sinh mang vào phòng thi mọi tài liệu và vật dụng đã cấm theo quy định.
Đối với buổi thi tự luận, cán bộ coi thi cũng phải lưu ý, chỉ được cho thí sinh ra khỏi phòng thi sớm nhất là sau 2/3 thời gian làm bài, sau khi thí sinh đã nộp bài làm và đề thi. Đối với buổi thi trắc nghiệm, không được cho thí sinh ra ngoài trong suốt thời gian làm bài.
Trong thời gian nghỉ chờ làm thủ tục thi giữa hai môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, thí sinh đã thi môn thành phần trước đó nếu có nhu cầu đặc biệt và hợp lý thì được cán bộ coi thi xem xét cho ra ngoài phòng thi; thí sinh nộp phiếu trả lời trắc nghiệm cho cán bộ coi thi....
Đặc biệt, các cán bộ coi thi nếu làm mất bài thi của thí sinh hoặc đưa đề thi ra ngoài, hoặc bài giải từ ngoài vào phòng thi sẽ bị xử theo quy chế thi. Cũng theo giảng viên của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trong quá trình coi thi bài thi tổ hợp, cán bộ coi thi phải giám sát chặt chẽ, không để thí sinh ghi chép các nội dung hoặc để lại các dấu hiệu liên quan đến bài thi, đề thi ra các giấy tờ, tài liệu, vật dụng... nào khác ngoài bài thi, giấy nháp; phải kịp thời thu giữ các giấy tờ, tài liệu, vật dụng này nếu phát hiện sai phạm. Thời gian chuẩn bị giữa 2 môn thi thành phần của bài thi tổ hợp là 10 phút.
Trong khi đó, một giảng viên khác của trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng cho hay, khi tham gia tập huấn mới biết hiện có nhiều thiết bị công nghệ cao có thể gian lận thi cử đến thế.
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Thủy lợi cũng cho biết, trường đã tập huấn cho hơn 400 cán bộ, giảng viên đi làm công tác coi thi tại tỉnh Thanh Hóa. Ngày 23/6 tới, đoàn sẽ rời Hà Nội vào Thanh Hóa làm nhiệm vụ. Theo ông Tuấn Anh, trong đợt tập huấn cho cán bộ, giảng viên của trường vừa qua, có nhấn mạnh đến nội dung khi bàn giao túi bài thi cho trưởng điểm thi, cán bộ coi thi phải cùng thư ký kiểm đếm bài thi, niêm phong túi bài thi.
Trên nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của 2 cán bộ coi thi và thư ký điểm thi; họ tên, chữ ký của phó trưởng điểm thi là cán bộ của trường ĐH, CĐ phối hợp rồi đóng dấu niêm phong túi bài thi theo quy định. Như vậy, năm nay, túi bài thi hợp lệ phải được niêm phong và có 4 chữ ký theo quy định.
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có 925.792 thí sinh đăng ký dự thi và tiếp tục giao cho các sở GD&ĐT chủ trì. Nhưng có sự phối hợp tham gia của hơn 45.000 cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ. Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải bố trí cán bộ, giáo viên có kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm và đặc biệt phải được tập huấn kỹ về quy chế thi. Đồng thời, các trường cử cán bộ, giảng viên tham gia phải xây dựng phương án cụ thể về việc di chuyển, nơi ăn ở, đảm bảo công tác an ninh trong thời gian diễn ra kỳ thi.
Bà Nguyễn Thị Hương Thủy, Phó trưởng ban Khảo thí và Quản lý chất lượng, Học viện Hành chính cho biết, năm nay Bộ giao cho Học viện phối hợp với Sở GD&ĐT Điện Biên tổ chức thi THPT Quốc gia. Trường đã điều động gần 200 người, đêm 22/6 sẽ lên đường. Theo bà Hương Thủy, Điện Biên là tỉnh miền núi, đi lại khá khó khăn, nên việc đảm bảo an toàn cho đội ngũ giảng viên khi di chuyển lên Điện Biên được Học viện đặt lên hàng đầu.
Tác giả: NGHIÊM HUÊ
Nguồn tin: Báo Tiền phong