Các điểm trường lẻ ở Cà Mau sẽ bị "khai tử". Ảnh: Phúc Hưng. |
Chiều 1/8, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau tổ chức họp báo thông tin về việc rà soát, sắp xếp trường, lớp học và giáo viên trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết, có 148 điểm trường lẻ đã được xóa tính đến cuối tháng 7. Tổng số lớp sau khi sắp xếp lại so với cuối năm 2017-2018 đã giảm 691 lớp.
Theo nghành giáo dục, địa phương có hơn 1.400 giáo viên do các trường tự ý hợp đồng trong thời gian qua, nhưng chưa được UBND tỉnh cho chủ trương. Số giáo viên này sẽ bị xem xét chấm dứt hợp đồng trong thời gian tới theo chỉ đạo của tỉnh.
"Tuy nhiên ở các trường biên chế không đảm bảo thì số giáo viên bị cắt hợp đồng sẽ được tuyển dụng lại để đảm bảo việc giảng dạy cho năm học tới", ông Luân nói và cho biết, số giáo viên này đã được thông báo về chủ trương sắp xếp của ngành giáo dục.
Riêng 264 giáo viên khối THPT đã được thông báo chấm dứt hợp đồng trước ngày 1/9, cũng sẽ được ngành chức năng xem xét, tuyển chọn để bố trí vào các trường còn thiếu nguồn.
Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Đức Thánh khẳng định, các giáo viên được ký hợp đồng lại thì quyền lợi vẫn được đảm bảo. "Lao động có thâm niên lâu năm, đủ điều kiện... sẽ được các trường còn thiếu giáo viên ký hợp đồng tiếp sau khi rà soát", ông Thánh nói và cho biết các chế độ của người lao động sẽ được tính tiếp, hoàn toàn không bị gián đoạn.
Trước thông tin bị cắt hợp đồng khi năm học mới sắp đến, các giáo viên nằm trong danh sách đang lo lắng. "Biết tin đã hơn một tuần mà tôi chưa thể tin đó là sự thật, bao nhiêu tâm huyết xưa nay, giờ đã thật sự sụp đổ", cô Nguyễn Ngọc Trinh, trường Mầm non thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) nói, giọng buồn bã.
Về dạy hợp đồng tại trường 5 năm qua, cô Trinh nói bản thân mình luôn nỗ lực vì công việc, do đam mê nghề giáo từ lúc còn đi học. Cô cũng được các đồng nghiệp nhận xét rất tận tâm công việc, mến trẻ. Năm 2017, cô đạt thành tích dạy giỏi cấp tỉnh, là một trong hai người được vinh danh Nhà giáo tiêu biểu.
Tương tự, hai vợ chồng cô Nguyễn Hồng Lạc cho biết về dạy tại trường THSC Khánh Hải I (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) được 8 năm, với mức thu nhập của hai người được hơn 7 triệu mỗi tháng. "Tuy lương ít nhưng cũng còn trang trải được cuộc sống, nếu mất việc không biết lấy gì để sống", cô Lạc nói.
Trường hợp của cô Nguyễn Kiều Oanh - giáo viên trường tiểu học Trí Phải Tây (huyện Thới Bình) có phần éo le hơn. Để có công việc, hàng ngày cô phải chạy xe máy hơn 30 km từ nhà đến trường. "Tôi không ngại khó khăn miễn sao có việc làm, nhưng giờ rất buồn vì mình cũng nằm trong diện phải cắt hợp đồng", nữ giáo viên tâm sự.
Hơn 8 năm theo nghề, cuộc sống gia đình cô vẫn không mấy dư dả, trong khi hai đứa con đang tuổi ăn học. "Mấy tháng trước tôi phải lấy bảng lương giáo viên của mình thế chấp vay tiền ngân hàng, giờ bị mất việc không biết lấy tiền đâu trả nợ", cô Oanh chia sẻ.
Tác giả: Phúc Hưng
Nguồn tin: Báo VnExpress