Giáo dục

Hội phụ huynh… nhà giàu

Hoạt động của Ban đại điện cha mẹ học sinh được ví von là “cánh tay nối dài” của nhà trường trong các khoản “tự nguyện”. Chính vì thế những phụ huynh tham gia vào Hội cũng thường được chọn lọc chịu chơi và… chịu chi.

Chọn mặt “tìm” Ban đại diện

Bà Nguyễn Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các Bà Mẹ kể, đầu năm học, có thể thấy trong hồ sơ của chị có chữ “Hội trưởng” nên giáo viên chủ nhiệm lớp con chị (tại một trường THPT ở Bình Thạnh, TPHCM) đề xuất chị tham gia Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐD CMHS). Bà Thúy không khước từ nhưng thật tình nói với thầy, gia đình mình điều kiện không khá giả.

Bà có thể tổ chức, vận động phụ huynh tham gia vào các hoạt động ở trường liên quan đến học sinh, đến giáo dục đạo đức, kỹ năng… nhưng vận động về tiền, đóng góp thì bà không làm được. Gia đình không mạnh về tài chính để đóng góp “làm gương”, các năm học trước bà đã từ từ chối đóng một số khoản do BĐD CMHS đề xuất vì cho rằng không phù hợp.

“Nghe tôi nói vậy sau thầy cũng… im luôn, không đề cập thêm nữa. BĐD CMHS hoạt động liên quan khá nhiều đến tiền bạc, các khoản đóng góp nên hình như mọi người đều có tâm lý “chọn” người làm trong hội phải giàu”, bà Thúy bộc bạch.

Dù không nói ra những dường như ai cũng hiểu, những thành viên tham gia vào BĐD CMHS trường hay lớp đều xông xáo, nhiệt tình và đặc biệt là phải chịu chơi, chịu chi. Điều này cũng xuất phát từ thực tế, vai trò lớn nhất của BĐD CMHS tại nhiều trường lâu nay chính là đứng ra phát động, vận động phụ huynh quyên góp, xây dựng cơ sở vật chất trong nhà trường.

Đã có ví von Hội phụ huynh là “cánh tay nối dài” của nhà trường. Thay vì gắn kết với thầy cô, nhà trường trên nhiều mặt để cùng phối hợp trong việc giáo dục con trẻ thì Hội phụ huynh hầu như chỉ tập trung xông xáo với những khoản thu chi. Những người “mở đường” phát động, kêu gọi các cuộc đóng góp vì thế thường được “chọn mặt gửi vàng”.

Hội phụ huynh nhà giàu tao ra lớp học “con nhà giàu”

Con cái quen với điều kiện sống khá giả của gia đình, nên khi con đến trường họ mong muốn con được hưởng thụ những gì tốt nhất. Nên họ cũng không ngại ngần khi đề xuất, đưa ra đề án, hạng mục đầu tư cơ sở vật chất “khủng” trong trường học. Điều này không chỉ gây áp lực cho những phụ huynh khác mà còn có thể gây mâu thuẫn, phản cảm trong môi trường học đường.

Nhiều BĐD đầu tư, đề xuất những việc như lắp máy lạnh, rèm cửa, ti vi, lót sàn gỗ, thay bàn ghế mới, thay chăn chiếu loại cao cấp… trong trường học cho con. Nhiều gia đình không “đua” nổi nhưng vẫn phải bấm bung tham gia.

Đại diện Hội phụ huynh Trường mầm non Họa Mi, Nhà Bè, TPHCM trả lời chất vấn của đoàn giám sát Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM.

Chính những Hội phụ huynh nhà giàu với "cánh tay dang rộng" của nhà trường… tạo ra những lớp học “con nhà giàu” gây ra nhiều phản cảm, phân biệt trong trường công lập lâu nay.

Khi gặp phản ứng thì họ cho rằng đó là vận động “tự nguyện”, phụ huynh nào không đóng góp cũng không sao. Thực tế không thể phủ nhận, nhiều công trình trong lớp học, trường học do một nhóm phụ huynh tự đứng ra đóng góp làm, họ góp một phần không nhỏ công sức đầu tư cho nhà trường.

Trong đợt giám sát về các khoản thu một số trường học của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, đoàn đã yêu cầu mời cả BĐD CMHS các trường tham gia. Vì hoạt động của BĐD CMHS chủ yếu liên quan đến tiền thật sự đang nhiều bức xúc trong nhiều sư luận. Trong buổi làm việc, những người đại diện của Hội phụ huynh đều nhấn mạnh các khoản đóng góp là tự nguyện, không ai ép buộc ai hết. Thậm chí, các khoản thu không bù đủ chi, những thành viên trong BĐD bỏ tiền túi ra.

Vậy nhưng, một vấn đề đặt ra, không ít phụ huynh gửi con đến trường, nhất là trường công lập, họ mong muốn con học trong điều kiện cơ bản, chứ không phải được “khác biệt” bởi các lớp học được gọi là lớp con nhà giàu. Tuy nhiên, không may "rơi" vào những lớp có BĐD CMHS "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" thì họ không chỉ áp lực về tài chính mà còn có thể ảnh hưởng đến mục tiêu giáo dục con trẻ.

Ông Trần Văn Công, Ban Văn hóa Xã hội, UBMTTQ Việt Nam TPHCM chia sẻ, hầu hết các thành viên BĐD CMHS chọn những người có khả năng tài chính. Có thể vô tình, họ đã "lợi dụng" việc đóng góp vì học sinh vì quyền lợi của con em họ. Họ đề xuất xây dựng những công trình với những gia đình khá giả là bình thường nhưng với mặt bằng chung điều kiện phụ huynh chưa chắc đã bình thường.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP