Ngành mía đường trở lên rất khó khăn do hội nhập. Ảnh: Công Thương |
Thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho hay cả nước hiện có 41 nhà máy đường, tổng công suất thiết kế khoảng 150.000 tấn mía/ngày nằm tại 25 tỉnh thành. Tuy nhiên, trong số 41 nhà máy, có tới 22 nhà máy chỉ có công suất dưới 3.000 tấn. Một nhà máy đã dừng hoạt động từ cuối năm 2017. 21 nhà máy còn lại thì đều thuộc những công ty có nhà máy lạc hậu, cũ kỹ và thực sự là nỗi lo với ngành đường trong nước khi mở cửa hội nhập.
Theo VSSA, Hiệp định thương mại hàng hóa tự do ASEAN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 được dự báo sẽ tác động trực tiếp đến 41 nhà máy đường, 33 vạn hộ nông dân, 1,5 triệu lao động và 35 vạn công nhân công nghiệp chế biến. Trong đó, khoảng 22 nhà máy có công suất dưới 3.000 tấn sẽ bị tác động nặng nề nhất và khả năng cao sẽ phải đóng cửa do thua lỗ.
Điều này nhìn trước được là sẽ ảnh hưởng đến đời sống, việc làm và thu nhập của 11 vạn hộ nông dân trồng mía, 38 vạn người lao động và 10 vạn công nhân chế biến. Ước tổng số tiền thiệt hại do tác động dẫn đến thua lỗ, phá sản cỡ khoảng 10.000 tỷ đồng.
Cũng theo VSSA, sau khi các nhà máy dừng hoạt động, vùng trồng mía cũng rất khó có thể tìm được cây trồng có hiệu quả hơn để thay thế. Điều này không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, thu nhập, đời sống người dân mà còn tác động không nhỏ đến vấn đề xã hội, an ninh trạt tự ở nông thôn trong vùng.
Đổi mới hay là chết?
Trước sức ép hội nhập, Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đang tích cực tái cơ cấu một cách có chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, từng bước hướng tới thị trường xuất khẩu trong điều kiện hội nhập.
Cũng theo VSSA, mục tiêu đến năm 2020, tổng diện tích trồng mía nguyên liệu vào khoảng 300.000 ha, năng suất bình quân 68-70 tấn/ha, sản lượng mía 21 triệu tấn, trong đó 1,3 triệu tấn đường luyện, còn lại là đường trắng và đường khác. Đến năm 2030, mục tiêu của ngành mía đường là đấp ứng đủ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu khoảng 2,5 triệu tấn. Tổng diện tích trồng mía giữ ổn định 300.000 ha, với năng suất bình quân 70-75 tấn/ha, sản lượng mía đạt 24 triệu tấn, năng suất khoảng 7,5 tấn/ha, phấn đấu đạt doanh thu 90.000 tỷ đồng, gấp 3 lần doanh thu hiện nay.
Trong tương lai, cụ thể là tầm nhìn đến năm 2050, ngành mía đường đặt tham vọng sẽ hình thành những tập đoàn sản xuất đường mía lớn đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực về giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Giai đoạn này, ngành mía đường đặt mục tiêu sản lượng mía 40 triệu tấn, sản lượng đường 4 triệu tấn/năm, trong đó xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn.
Hiện nay, trong khu vực ASEAN có 3 nước sản xuất đường lớn là Thái Lan, Philippines và Việt Nam, trong đó Thái Lan là nước có sản lượng đường lớn nhất khối, đồng thời đứng thứ 2 thế giới với 11 triệu tấn đường/năm.
Ngành mía đường Thái Lan lớn mạnh như ngày hôm nay do thời gian dài được Nhà vua, Chính phủ nước này có các chính sách hỗ trợ, bảo hộ mạnh mẽ song song với ngành lúa gạo. Ngành mía đường Thái Lan thực sự đã vươn lên trở thành thế lực lớn trên trường quốc tế, chỉ sau Braxin. Trong tương lai, Thái Lan có khả năng SX tới 15 triệu tấn đường/năm, tức là bằng lượng đường của cả khối ASEAN.
Đối với Philippines, nhờ phía Mỹ ký hiệp định cam kết mỗi năm nhập khẩu cho Philippines 200.000 tấn đường theo giá Mỹ nên nước này cũng không gặp áp lực quá lớn khi ATIGA có hiệu lực. Mà áp lực lớn nhất hiện nay chủ yếu dồn lên ngành mía đường nhỏ bé, lạc hậu của Việt Nam. Đối thủ gây áp lực không ai khác chính là cường quốc mía đường đứng thứ 2 thế giới, Thái Lan.
Tác giả: H.Anh
Nguồn tin: Báo Dân trí