Giáo dục

Học sinh THPT ở Sài Gòn 'chấm điểm' thầy cô

Việc đảm bảo giờ lên lớp, tác phong trong giờ dạy, thái độ ứng xử... suốt năm học của 87 giáo viên trường THPT Nguyễn Du được học sinh "chấm điểm".

Ngày 30/5, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM) cho biết trường vừa hoàn thành tổng hợp phiếu lấy ý kiến của học sinh với 87 giáo viên trong trường.

Phiếu khảo sát gồm 12 tiêu chí (chia mức độ đánh giá 1-10 điểm) xoay quanh các nội dung: kiến thức của giáo viên; phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp; trách nhiệm; phương pháp giảng dạy; phương pháp kiểm tra đánh giá. Kết quả, phần lớn giáo viên đạt được trên 100 điểm, một số thầy cô chỉ đạt 70-80 điểm.

Một phiếu tham khảo ý kiến học sinh với giáo viên tổ Hóa. Ảnh: Mạnh Tùng.

Ông Phú cho biết đây là năm đầu tiên trường thực hiện việc tham khảo ý kiến học sinh cuối năm nhằm nâng cao chất lượng dạy học của giáo viên. Các tiêu chí của phiếu được chính giáo viên xây dựng và thông qua tại hội nghị toàn trường đầu năm học.

Gần kết thúc năm học, mỗi giáo viên được chọn một lớp thực hiện phiếu khảo sát với yêu cầu đó không phải là lớp do mình chủ nhiệm. Ban cán sự lớp sẽ chọn ngẫu nhiên nhóm 6-8 người, cùng thảo luận và cho điểm từng tiêu chí.

"Kết quả khảo sát này không liên quan đến việc xếp loại, thi đua của thầy cô, chỉ là kênh tham khảo để mỗi người soi rọi lại mình, xem mình đã làm tốt được điều gì, chưa làm học trò hài lòng chỗ nào để điều chỉnh", ông Phú nói và cho biết bảng điểm của 87 giáo viên được niêm yết công khai ở bảng công tác của trường.

Theo hiệu trưởng này, số điểm của học trò "chấm" cho giáo viên phản ánh khá chính xác năng lực, phẩm chất của từng người. Chẳng hạn có cô giáo dạy rất hay nhưng lại khá nghiêm khắc, ít lắng nghe học trò thì đạt điểm khá thấp ở tiêu chí "thái độ ứng xử với học sinh". Kinh nghiệm giảng dạy, kiến thức chuyên môn, việc chuẩn bị cho bài dạy... của nhiều giáo viên trẻ cũng được thể hiện khá sát khi nhận điểm 7-8 từ học sinh.

Trường THPT Nguyễn Du còn khảo sát ý kiến của học sinh về hiệu trưởng và tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của giáo viên, nhân viên với ban giám hiệu. "Lăng kính của học trò giúp chúng tôi thu được kết quả khảo sát đáng quý. Tôi cho rằng muốn được học trò tin yêu thì người thầy phải nỗ lực đáp ứng tốt nhất mong đợi từ các em", ông Phú chia sẻ.

Cô Đặng Thị Hồng Thủy trong giờ ôn tập cho học sinh lớp 12. Ảnh: Mạnh Tùng.

Đạt 114 điểm khảo sát, cô Đặng Thị Hồng Thủy (giáo viên tổ Hóa) cho rằng khảo sát cuối năm thực sự là động lực với người đứng trên bục giảng bởi suốt năm học, cô và nhiều đồng nghiệp cố gắng chỉn chu mỗi giờ lên lớp.

"Mỗi tiêu chí không đạt được điểm trọn vẹn chứng tỏ học trò kỳ vọng ở thầy cô nhiều hơn thế", cô Thủy nói và muốn năm sau, trường mở rộng cho tất cả học sinh được "chấm điểm" giáo viên.

Dương Minh Thành (học sinh lớp 12A9) cho rằng đây là cách làm hay của trường, thể hiện tính dân chủ trong môi trường giáo dục. Danh sách học sinh làm khảo sát được giữ kín nên họ thẳng thắn đưa ra mức điểm, đồng thời viết thêm những ý kiến đóng góp cho thầy cô.

"Năm sau trường nên để tất cả học sinh được chấm điểm giáo viên bộ môn, phiếu khảo sát cũng nhiều tiêu chí hơn nữa để kết quả thu được sát thực tế hơn nữa", nam sinh nói.

Tác giả: Mạnh Tùng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP