Giáo dục

Học sinh nơm nớp vượt sông

68 hộ dân ở thôn Thanh Cao, xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) phải đi bè, đi đò qua sông suốt hàng chục năm qua. Việc này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đặc biệt vào mùa mưa lũ. Một cây cầu kiên cố bắc qua sông Chu là niềm mơ ước của người dân nơi đây.

Người dân và các cháu học sinh thôn Thanh Cao phải đi đò, bè mảng để qua sông suốt nhiều năm qua.


Gian nan đường đi học

Nằm cách trung tâm xã Thọ Thanh khoảng 5 km, thôn Thanh Cao như một ốc đảo ngăn cách với thế giới bên ngoài bởi dòng sông Chu. Suốt nhiều năm qua, từ người già cho đến trẻ em ở Thanh Cao đều thông qua phương tiện duy nhất là đò, mảng để kết nối với bên ngoài. Trong nhiều năm, dù đã được đầu tư thông qua nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương trình 135, Nghị quyết 30a nhưng mọi mặt đời sống của người dân nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn.

Những ngày cuối tháng 10, trong tiết trời giá rét căm căm, hàng chục đứa trẻ đang chờ chực sẵn bên dòng sông Chu đợi hai ông bà lái đò thức giấc đưa qua sông để đến trường. Nghe tiếng gọi í ới của lũ trẻ, bà Nguyễn Thị Xuân (62 tuổi) bước ra khỏi con thuyền độc mộc cũ kỹ để bước đến bè mảng đang được cột sẵn ở bờ sông.

Thấy bà cụ, mấy đứa trẻ nhao nhao, cố tranh giành việc tháo dây thừng để hỗ trợ bà Xuân chèo bè. Sau khi 10 cháu học sinh cùng mấy chiếc xe đạp ổn định chỗ đứng, bè mảng dài khoảng 10 m, rộng 2 m bắt đầu dịch chuyển. Với một sợi dây thừng dài gần trăm mét được cố định từ hai bên bờ, bà Xuân cứ dùng 2 tay bám vào sợi dây rồi luân phiên đổi tay cho chiếc bè lướt ngang dòng sông.

Giữa dòng nước xiết, nhiều lần chúng tôi hú hồn khi bè lắc lư, xiêu vẹo. Hoặc không thì là cảm giác run rẩy, lo lắng khi mấy đứa trẻ cấp 1 cứ đứng ở góc bè, mải nghịch nước. Bè rồi cũng qua sông, và lũ trẻ cũng đến bên bờ an toàn trong sự thở phào của người quan sát. Chẳng kịp nghỉ ngơi, bà Xuân vội quay bè trở lại khi nhìn thấy phía bờ bên kia là tốp học sinh tiếp theo đang chờ đợi để qua sông. Cứ tuần tự, lần lượt, trong khoảng chưa đầy 30 phút, bà đã đi được 5 chuyến bè, đưa hơn 40 cháu học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 qua sông an toàn.

Khoảng 7h sáng, vẫn có nhiều học sinh hớt hải chạy ra bè mảng với tâm thế biết chắc đã muộn học. Cháu Nguyễn Văn Tài (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Thọ Thanh) cho biết: “Khi cháu mới vào lớp 1, được bố mẹ cùng đi qua đò. Khi lên khoảng lớp 3 và đi được xe đạp thì cháu đi cùng với các bạn trong thôn. Ngày trước, thấy nước chảy xiết cháu cũng hơi sợ, nhưng đi nhiều thành quen”.

Trong khi đó, bà Xuân chở đò chia sẻ: “Hơn 10 năm ở bến sông này, tôi chở hàng chục nghìn chuyến đò, chuyến bè để đưa người dân Thanh Cao qua sông làm ăn, học tập. Nhưng tôi nhớ nhất là chuyến bè năm 2019, khi đó, nước sông Chu lên cao, chảy xiết, song người dân vẫn muốn qua đò để đi làm. Vì vậy, tôi tặc lưỡi chấp nhận, và rồi tai nạn ập đến, khiến 7 chiếc xe máy bị rơi xuống đáy sông. May mà, tính mạng của những người ngồi trên đò được an toàn”.

Giấc mơ cây cầu sắp trở thành hiện thực

Trong trí nhớ của vị trưởng thôn Thanh Cao, Lục Văn Biên chỉ gói gém những lời tổ truyền rằng từ 3-4 đời trước, từ khi có làng là phải qua sông bằng bè, đò rồi. “Chắc cũng hơn một thế kỷ người dân ở đây sống trong tình cảnh như thế này. Quanh năm, bà con làm lúa, trồng cây lấy gỗ và nuôi gà, ngan, lợn… duy trì cuộc sống. Muốn giao thương với bên ngoài, rất khó khăn. Ở đây, dân làng sợ nhất là lúc ốm đau, sinh đẻ phải đi cấp cứu, nếu gặp phải hôm nước dâng cao thì khó khăn vô cùng”.

Theo ông Biên, thôn Thanh Cao có 68 hộ dân với 263 nhân khẩu, trong đó có 47 học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 phải qua sông mỗi ngày 2 lần. Vào mùa mưa bão hoặc khi thủy điện Cửa Đạt và Xuân Minh xả lũ, mực nước sông Chu dâng cao, chảy xiết khiến các cháu phải nghỉ học ở nhà để đảm bảo an toàn.

Theo vị trưởng thôn, khi các hộ dân muốn sửa nhà, họ phải đợi trời nắng ráo thì các xe công nông mới chở vật liệu tới được. Đi đường xa, đồng nghĩa với việc cước vận chuyển tăng, tất cả đều đè hết lên vai những người dân khốn khổ. Không chỉ vậy, mỗi năm, các hộ dân trong làng còn phải đóng góp khoảng 36 triệu đồng để trả công cho 2 ông bà lái đò.

Theo bà Vũ Thị Thu Phương, Chủ tịch UBND xã Thọ Thanh, vẫn biết để người dân đi bè, đi đò qua sông rất nguy hiểm nhưng địa phương cũng lực bất tòng tâm vì không có vốn. Trong nhiều năm qua, để đảm bảo an toàn, xã cũng đã trang bị thêm áo phao cho các thuyền bè, cùng với đó là lắp thêm camera để giám sát việc chở người qua sông. Mới đây, vào tháng 9/2020, tỉnh Thanh Hoá đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Tổ Rồng với số vốn 92 tỷ đồng, khi hoàn thành.

“Khả năng, cuối năm nay dự án sẽ được khởi công xây dựng; dự kiến, đến năm 2023 sẽ hoàn thành. Khi đó, người dân thôn Thanh Cao sẽ có thể đi qua cầu sang thẳng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chỉ mất khoảng 10-20 phút”- bà Phương nói.

Tác giả: Đình Đình

Nguồn tin: daidoanket.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP