Kinh tế

Học được gì sau vụ nhiều doanh nghiệp gỗ “vật lộn” với Globle Home?

Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải lúng túng khi giải quyết tranh chấp với các đối tác nước ngoài. Kinh nghiệm rút ra được từ những lần “vật lộn” đó là nên thỏa thuận bồi thường để giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần “hiểu” rõ về đối tác trước khi quyết định hợp tác để phòng tránh rủi ro.

Nên thỏa thuận bồi thường

Thời gian gần đây, không ít doanh nghiệp Việt Nam gặp rủi ro khi bán hàng hoặc mua hàng của đối tác nước ngoài. Do đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức về giải pháp giải quyết tranh chấp thương mại và những điều cần lưu ý khi ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu, vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội thảo "Phòng tránh rủi ro và giải quyết tranh chấp trong mua - bán quốc tế".


Luật sư trực tiếp tư vấn cho doanh nghiệp các vấn đề cần cân nhắc khi hợp tác xuất nhập khẩu

Báo cáo tại hội thảo, bà Nguyễn Minh Hằng, Trọng tài viên tại VIAC kiêm trưởng Khoa luật Đại học ngoại thương nhấn mạnh, với mong muốn có đơn hàng, nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ đã vội vàng trong việc xúc tiến làm ăn với đối tác nước ngoài, dẫn đến nhiều sơ hở các điều khoản trong hợp đồng và chịu thiệt thòi khá lớn. Điển hình là Công ty Gia Hân và Công ty Cửu Long đã phải “ngậm đắng nuốt cay” khi hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài là Công ty Globle Home.

Lấy minh chứng từ việc hàng loạt doanh nghiệp gỗ ở Việt Nam tố Công ty Globle Home “lừa đảo”, “quỵt nợ”, bà Hằng cho rằng, những doanh nghiệp trong nước cần cẩn trọng hơn khi hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài. Theo đó, các doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu kỹ về những đối tác ngoại quốc, đảm bảo được sự “an toàn” nhất định cho bản thân trước khi ký kết hợp đồng. Đồng thời nếu có tranh chấp xảy ra thì việc thỏa thuận bồi thường thiệt hại giữa các bên là điều cần thiết.

“Thỏa thuận bồi thường thiệt hại là điều cần thiết, nên làm. Thế nhưng, vấn đề là thỏa thuận như thế nào? Ví dụ thỏa thuận chia sẻ 50/50… Chỉ có khó là, hai bên thỏa thuận, cam kết xong nhưng đến lúc bồi thường lại không thực hiện. Lúc đó, việc giải quyết tranh chấp lại phải nhờ đến trọng tài”, bà Hằng nói.

Ngoài ra, theo bà Hằng, để hạn chế thấp nhất việc xảy ra các rủi ro và giải quyết tốt các tranh chấp, quan trọng nhất là chính các doanh nghiệp phải có thiện chí trong hợp tác. Việc có thiện chí hợp tác sẽ giúp các đối tác giảm thiểu được những rủi ro, giải quyết các tranh chấp một cách dễ dàng hơn.


Phải thật sự “hiểu” đối tác

Đồng tình với ý kiến của Trưởng Khoa luật Đại học ngoại thương, Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư kí VIAC cho rằng, phải có thiện chí trong hợp tác thì việc làm ăn giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài mới được suôn sẻ. Theo ông Bắc, việc các đối tác có thiện chí hợp tác hay không được thể hiện rõ nét nhất trong các cuộc đàm phán trực tiếp. Chính vì thế, các doanh nghiệp cần nắm bắt “nhã ý” của đối tác ngay từ những lần gặp đầu tiên nhằm đề ra hướng đi phù hợp cho mình.

Cùng với đó, để hạn chế rủi ro trong quá trình làm ăn, doanh nghiệp Việt cũng cần đánh giá đúng năng lực về đối tác mua bán quốc tế. Các doanh nghiệp cũng phải xác định hợp đồng mua bán quốc tế đủ giá trị pháp luật để có thể giải quyết khi xảy ra tranh chấp. Hơn nữa, để thể hiện sự thiện chí thì các bên liên quan phải công khai thông tin. Cho nên, trong quá trình đàm phán trực tiếp với đối tác nước ngoài thì các doanh nghiệp trong nước phải yêu cầu họ cung cấp đầy đủ thông tin.


Doanh nghiệp Việt phải "biết người biết ta thì trăm trận trăm thắng"

“Tại vì Việt Nam có câu “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Như vậy, nếu chỉ biết mình mà không biết người thì tỉ lệ thắng chỉ 50%. Do đó khi đàm phán, việc đầu tiên là phải yêu cầu đối tác công khai thông tin của họ. Những thông tin cần phải công khai: đăng kí doanh nghiệp, các giám đốc của công ty vì hiện nay công ty có nhiều đại diện pháp luật, nhiều giám đốc công ty chứ không phải là một đại diện pháp luật như cũ nữa”, luật sư Bắc nói.

Từ những chia sẻ thiết thực đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể phần nào giải quyết được những vướng mắc nhằm tránh được những lúng túng trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, trước khi hợp tác với các công ty nước ngoài, mỗi doanh nghiệp Việt cũng cần xác định được “nội lực” của mình và nắm rõ tình hình “sức khỏe” của đối tác để việc hợp tác thật sự bền vững, ít gặp rủi ro.

Tác giả bài viết: Công Quang

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP