|
1. Chừng 1 tháng trước, thời điểm CLB Viettel tham dự AFC Cup, rộ lên thông tin HLV Trương Việt Hoàng chia tay Viettel. Đội bóng lên tiếng phủ nhận đồng thời giải thích tại sao nhà cầm quân sinh năm 1975 này không giữ vai trò HLV trưởng tại giải đấu cho LĐBĐ châu Á tổ chức. Lý do là ông Trương Việt Hoàng chưa có bằng huấn luyện Pro, bằng cấp bắt buộc nếu muốn dẫn dắt bất kỳ đội bóng nào tại giải đấu cấp châu lục. Rất hợp lý!
Đối với bất cứ cầu thủ hay HLV đội một nào, việc bị điều chuyển xuống đội trẻ đều là sự “hạ nhục” ghê gớm về phẩm giá và năng lực. Trừ khi cầu thủ hay HLV ấy phạm phải lỗi lầm nào đó cực kỳ nặng nề. HLV Trường Việt Hoàng chưa phạm phải bất cứ lỗi lầm nào. Ngược lại, ông còn là “khai quốc công thần” của CLB Viettel. Chính ông đưa Viettel thăng hạng. Chính ông dẫn dắt Viettel vô địch V.League. Không những thế, chính ông là gạch nối chuyển tải sắc áo lính thiêng liêng từ Thể Công sang Viettel, cho dù trên lý thuyết hai đội bóng này không có bất cứ sự liên hệ nào.
2. Được biết, rạn nứt bắt đầu xảy ra khi Viettel không có được màn trình thuyết phục tại Cúp giao hữu Tứ hùng Hải Phòng 2022. Tại giải đấu này, "Cơn lốc đỏ" chỉ giành được 1 điểm sau 3 trận đấu. Sau đó, HLV Trương Việt Hoàng xin nghỉ phép, không cùng đội dự AFC Cup 2022. Hiện đôi bên không đạt được thỏa thuận thanh lý hợp đồng, do đó nhà cầm quân sinh năm 1975 này bị điều chuyển xuống Trung tâm đào tạo trẻ Viettel cho đến khi hết hạn hợp đồng, vào tháng 10/2022.
Tất nhiên, đấy mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Theo thông tin đăng tải trong bài viết Lộ lý do khiến HLV Trương Việt Hoàng quyết định chia tay Viettel trên báo Thể thao & Văn Hóa, vị chiến lược gia họ Trương phải chịu quá nhiều áp lực và tác động từ thượng cấp. Mặc dù nhẫn nhịn và cố gắng dung hòa tuy nhiên vấn đề ngày càng trầm trọng, tiếng nói của HLV Trương Việt Hoàng tại Viettel dần bị lấn át.
Đây chính là căn bệnh trầm kha của bóng đá Việt Nam, khi nhiều CLB vẫn để Giám đốc kỹ thuật, Giám đốc điều hành, thậm chí Chủ tịch CLB can thiệp vào chuyên môn của đội bóng, đặc biệt các buổi họp chiến thuật trước trận. Hệ lụy là đôi khi HLV trưởng chỉ mang ý nghĩa “bình phong”. Một vị chiến lược gia có năng lực và giàu tự trọng như ông Trương Việt Hoàng dĩ nhiên không chấp nhận một thân phận như vậy.
3. Bóng đá là một nghề bấp bênh. Bóng đá tại Việt Nam lại càng là một nghề bấp bênh. Thế nên để xây dựng một nền bóng đá vững mạnh, bên cạnh việc đầu tư và xây dựng chiến lược đúng đắn, phát triển văn hóa bóng đá, bao gồm văn hóa ứng xử cũng là vấn đề cần thiết. Chẳng ai có thể an tâm “làm nghề” khi vai trò bị chèn ép, năng lực bị xem nhẹ, công lao không được thừa nhận và tương lai chênh vênh trong cái chớp mắt.
Trường hợp của HLV Trương Việt Hoàng sẽ là thí dụ buồn nữa cho cách làm “còn nhiều lỗ thủng” của bóng đá Việt Nam.