Thể thao

HLV nội khủng hoảng việc làm vì cung vượt cầu

Trung tâm đào tạo trẻ PVF chắc chắn sẽ chuyển đại bản doanh ra đất Bắc, mà cụ thể là Hà Nội, sau hơn nửa thập niên đóng quân ở Thành Long, TP.HCM. Điều đó cũng có nghĩa, hàng chục các HLV đã và đang làm việc ở đây, có nguy cơ thất nghiệp, nếu không thuộc diện “quy hoạch” và chấp nhận lập nghiệp xa nhà hàng nghìn km…


Rất nhiều HLV của PVF sẽ thất nghiệp khi lò đào tạo này chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội. Ảnh: TSB

Theo thông tin của Thể thao & Văn hoá, sau khi đạt được các thoả thuận với một bộ phận các phụ huynh có con em đang theo học bóng đá ở PVF, Trung tâm này sẽ chuyển trụ sở ra Hà Nội.

Hiện có khoảng 200 cầu thủ trẻ thuộc PVF, nhưng dự tính chỉ phân nửa trong số này theo chân các thầy ra Bắc, số còn lại tương lai khá bất định và để ngỏ khả năng, các phụ huynh sẽ hướng con em mình theo một ngã rẽ khác.

Nhiều năm qua, Quỹ đầu tư & phát triển bóng đá trẻ Việt Nam (PVF) được xem là cứu cánh cho rất nhiều các thế hệ HLV, đều từng là cựu tuyển thủ QG. Mức lương khởi điểm trên dưới 20 triệu đồng/tháng được cho là mơ ước với các HLV mới vào nghề, nhưng quỹ thời gian và áp lực công việc cũng rất lớn. Đó là một phần lý do mà số lượng HLV rơi rụng rất nhiều, chưa kể các bất đồng quan điểm với lãnh đạo.

Ngược ra Bắc, PVF đã tính đến việc thuê GĐKT người nước ngoài, với công thức đào tạo cũng của nước ngoài và đương nhiên, nhân sự người Việt trong cabin BHL sẽ phải tinh giảm đi nhiều.

Và ngay từ lúc này, nhiều HLV đã rục rịch lo hậu vận, khi thấy hoạn lộ không thật hanh thông. Cựu thủ môn ĐTQG Nguyễn Văn Phụng là cái tên mới nhất nộp đơn xin nghỉ, với lý do, quá thiếu thời gian cho việc gia đình.

Mấy chục năm lăn lộn với trái bóng theo đúng nghĩa đen của từ này, Văn Phụng (đã gần ngũ tuần) vẫn chưa thể lập gia đình. Giờ nhìn lại, Phụng phần nào hối tiếc cho thời trai trẻ. Cũng tựa như Văn Phụng, một bộ phận đáng kể các HLV người miền Nam khác, nếu không tự rút lui, sẽ từ từ bị đào thải, khi PVF thay đổi các chiến lược. Mấy chục HLV sau khi thôi việc ở PVF, đương nhiên sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng thừa.

Bóng đá Việt Nam ở nhiều cấp độ, đã và đang mang những mâu thuẫn rất khó giải quyết, thừa thầy nhưng lại thiếu học viên đầu vào. Trong khi đó, môi trường bóng đá chuyên nghiệp (hạng Nhất và V-League) cũng không thể tiếp quản đội ngũ các HLV trẻ, bởi cabin BHL các CLB đều đã có chủ. Việc hàng loạt các CLB hạng Nhất đánh tiếng rút lui khỏi mùa giải 2017 mới đây, khiến cuộc khủng hoảng trong cabin càng nan giải.

Cách đây hơn 10 năm, khi VFF thuyết phục được AFC đưa các chương trình Tầm nhìn châu Á về với Việt Nam, những tưởng sẽ mở ra một tương lai tươi sáng cho bóng đá trẻ, với việc đầu tiên là mở các lớp bồi dưỡng – đào tạo HLV theo các văn bằng C, B, A. Tuy nhiên, việc nền bóng đá phải chịu cuộc khủng hoảng tài chính diện rộng kéo dài, dẫn đến lúng túng trong việc tìm hướng ra, và hậu quả là chúng ta vẫn chỉ luẩn quẩn ao làng.

Hôm qua, khi phóng viên liên hệ với Trần Trường Giang, thành viên đội tuyển Việt Nam giành HCĐ Tiger Cup 2002, một trong những cầu thủ Việt Nam đầu tiên có giá chuyển nhượng tiền tỷ (từ Tiền Giang về B.Bình Dương năm 2004 và có 2 chức vô địch V-League), anh nói công việc hiện tại là phụ giúp vợ, đưa đón con đi học. Trường Giang và Hữu Thắng (một cựu tuyển thủ QG và B.Bình Dương khác) quả là những tấm gương rất hiếm trong giới cầu thủ có thể đoạn tuyệt với bóng đá sau khi treo giày nghỉ thi đấu.

Tác giả bài viết: Tùy Phong

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP