Tin địa phương

Hệ thống thư viện công cộng Đà Nẵng “thiếu chất”

Thực hiện đề án “Phát triển hệ thống thư viện công cộng Thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2017-2020”, Đà Nẵng đã tăng số lượng thư viện quận, huyện và phòng đọc xã, phường. Tuy nhiên, cán bộ thư viện còn kiêm nhiệm, đầu tư hạn chế, đặc biệt các địa điểm đặt phòng đọc, cách thức vận hành chưa thật sự thu hút, hấp dẫn bạn đọc khiến những nơi này vẫn đìu hiu.

Hệ thống thư viện Đà Nẵng được mở rộng nhưng lại chưa thu hút được nhiều bạn đọc. Ảnh: Thuỳ Trang

Nỗ lực mở rộng hệ thống thư viện công cộng thành phố

Sở Văn hoá Thể thao (VHTT) Đà Nẵng cho biết, với đề án “Phát triển hệ thống thư viện công cộng Thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2017-2020”, đến nay, Đà Nẵng đã có mạng lưới thư viện công cộng phủ khắp thành phố. Cụ thể, năm 2017, từ 1 thư viện thành phố, 3 thư viện quận, huyện, 5 phòng đọc sách xã, phường, đến nay, Đà Nẵng đã có thêm 3 thư viện quận, huyện và 12 phòng đọc sách xã, phường đi vào hoạt động (riêng quận Hải Châu không thành lập thư viện do trên địa bàn quận đã có Thư viện Khoa học tổng hợp (KHTH) thành phố). Hệ thống này được đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, nối mạng cho các thư viện quận, huyện để truy cập sử dụng chung thư viện điện tử từ Thư viện KHTH Đà Nẵng.

Một kết quả đáng kể nữa là toàn hệ thống có gần 355.000 bản sách giấy/1.134.310 người dân toàn thành phố. Trung bình mỗi người dân Đà Nẵng có được khoảng 0,76 bản sách (mục tiêu năm 2020 là 0,8 bản/người dân), 45% dân số toàn thành phố sử dụng các dịch vụ của thư viện công cộng (khoảng 550.000 người sử dụng).

Đây được xem là thành quả lớn của đề án trong nỗ lực phát triển hệ thống thư viện thành phố. Bên cạnh đó, các đề án “Khuyến khích văn hóa đọc hướng đến đối tượng chính là học sinh, sinh viên trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng” với mục tiêu phát triển văn hóa đọc, lan tỏa đến mọi đối tượng, trong đó tập trung đối tượng học sinh, sinh viên trên địa bàn, trong 4 năm qua, Sở VHTT đã tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ban ngành, đơn vị và các quận, huyện phối hợp tổ chức thành công nhiều hoạt động như phiên chợ sách năm 2018, 2019 và Ngày hội Văn hóa đọc năm 2019, 2020 thu hút đông đảo của nhân dân và các em học sinh trên địa bàn thành phố; cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc dành cho học sinh các cấp nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách và khuyến khích chia sẻ tỏa văn hóa đọc đến học sinh; Tổ chức mô hình “Đổi sách lấy quà tặng các bạn nghèo của Hội đồng Đội thành phố nhằm quyên góp, vận động cũ từ trong các liên đội trên toàn thành phố tặng trẻ em nghèo…

Ngày 20.9, Thư viện KHTH đã nhận được xe ôtô thư viện lưu động đa phương tiện, tổ chức 22 lượt phục vụ lưu động với tổng số tài liệu phục vụ 14.440 lượt bạn đọc.

Thư viện kém hấp dẫn, đầu tư hạn chế

Mặc dù có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hội An - Phó Giám đốc Sở VHTT - nhìn nhận, hệ thống thư viện công cộng thành phố vẫn còn nhiều hạn chế. Thư viện KHTH thành phố đang ngày càng quá tải, nhất là vào các thời gian cao điểm đón từ 500-600 bạn đọc cho đến hệ thống thư viện quận, huyện, phòng đọc sách xã phường phát triển chậm so với sự phát triển chung của thành phố do chưa được quan tâm đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, con người. Kinh phí hoạt động của thư viện quận, huyện, phường, xã còn nhiều eo hẹp. Năm 2020, do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên sự quan tâm, đầu tư càng khó khăn, việc bổ sung nguồn tài liệu chưa đáp ứng được nhu cầu bạn đọc, chất lượng nội dung, đa số sách tại các thư viện trong tình trạng cũ, lỗi thời.

Cơ sở vật chất, các thiết bị đầu cuối cũng như hạ tầng công nghệ ở các thư viện quận, huyện chưa được quan tâm đầu tư, trang bị, còn thiếu so với yêu cầu đề ra. Các thư viện quận, huyện chưa có đường truyền internet riêng cho công tác liên thông. Hiện, chỉ có duy nhất thư viện quận Thanh Khê, UBND quận bố trí trụ sở riêng với diện tích 400m2 cùng các trang thiết bị 2 máy tính, 1 máy in, 1 máy photo, 1 máy quét mã vạch, 1 mạng internet riêng và 2.500 bản sách tiếp nhận tài trợ từ thư viện thành phố.

Số lượng cán bộ tại hệ thống thư viện quận, huyện, cơ sở còn thiếu trầm trọng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa cao và thường xuyên biến động do kiêm nhiệm và chưa có chế độ chính sách riêng nên không thể yên tâm công tác lâu dài. Hiện chỉ có thư viện quận Cẩm Lệ có 2 cán bộ thư viện, còn lại mỗi thư viện quận, huyện có duy nhất 1 cán bộ và thường xuyên bị điều động luân chuyển. Trong số đó, chỉ 1/7 cán bộ thư viện quận huyện có trình độ chuyên môn về nghiệp vụ thư viện.

Trước thực tế trên, góp ý về đề án trong thời gian tới, bà Nguyễn Thu Phương - Phó Giám đốc đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng - cho rằng, việc người dân tiếp cận thư viện không nhiều là do thư viện không hấp dẫn. “Chúng ta phải có cơ sở vật chất hiện đại thì mới thu hút được bạn đọc. Thư viện không chỉ là không gian đọc sách mà còn là nơi để họ đến cà phê giao lưu, các nhóm tập trung trao đổi. Nguồn sách thư viện phải đa dạng, thư viện phải được số hoá để đáp ứng nhu cầu bạn đọc hiện đại. Tất cả điều đó hiện nay chỉ mới tập trung ở thư viện thành phố, còn các quận huyện chỉ mới mở ra chứ chưa có chất lượng. Tôi cho rằng, thời gian tới, chúng ta nên chọn đầu tư ở đâu. Thư viện ở trung tâm thành phố đã có thì nên đầu tư ở vùng xa như Hoà Vang. Đầu tư phải có trọng tâm trọng điểm chứ không nên dàn trải vì nguồn lực có hạn. Bên cạnh đó, cần xã hội hóa kêu gọi nguồn lực từ doanh nghiệp để giúp các thư viện phát triển” – bà Phương kiến nghị.

Được biết, Đà Nẵng từng có kế hoạch xây dựng đường sách, một trong những mô hình phát triển văn hoá đọc đã được Hà Nội và TPHCM thực hiện và đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, Sở VHTT Đà Nẵng cho biết, cho đến nay, đề án trên vẫn bị bỏ ngỏ.

“Thời gian tới, quận Hải Châu sẽ chủ động thực hiện đường sách riêng trên địa bàn. Đây sẽ là tiền đề đầu tiên, một con đường sách đầu tiên mở ra không gian giao lưu, giải trí và phát triển văn hoá đọc của người dân Đà Nẵng. Riêng với thành phố, sở cũng đã có kiến nghị chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp, hỗ trợ sở trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện đề án giai đoạn 2021-2025. Trong đó, UBND thành phố cần chỉ đạo UBND các quận huyện hàng năm chủ động bố trí, đầu tư kinh phí, bổ sung nguồn nhân lực, mua sắm trang thiết bị công nghệ, đảm bảo phát triển đồng bộ hệ thống thư viện công cộng Thành phố Đà Nẵng.

Sở cũng mong thành phố tiếp tục quan tâm, đầu tư kinh phí hoạt động để phát triển Thư viện KHTH thành phố trở thành thư viện vùng trọng điểm của miền Trung - Tây Nguyên. Trong đó, ưu tiên mở rộng thêm diện tích dành cho kho bãi lưu trữ và phục vụ bạn đọc, hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ công tác số hóa tài liệu và thư viện điện tử; đầu tư các phòng đọc đa phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc và bố trí thêm phương tiện lưu động đa phương tiện để tăng tần suất luân chuyển sách về cơ sở, đưa văn hóa đọc về với vùng sâu vùng xa” - Phó Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng cho hay.

Tác giả: THUỲ TRANG

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP