Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: AFP. |
Được mời tới Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, hồi tuần trước, đặc phái viên Hàn Quốc Chung Eui-yong mặt đối mặt với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc gặp mà ông cho là có tính chất kiến tạo bước ngoặt lịch sử.
Ông Chung đến Nhà Trắng mang theo một lời mời. Nhưng ông mở đầu cuộc trò chuyện bằng những lời tán tụng mà theo các nhà ngoại giao, đây là cách hữu hiệu nhất để tiếp cận người đứng đầu nước Mỹ.
"Chúng ta đi xa được như thế này có công lớn nhờ Tổng thống Trump", ông Chung nói. "Chúng tôi đánh giá cao thực tế ấy".
Rồi ông đi thẳng vào vấn đề: Mỹ, Hàn Quốc và các đồng minh không nên lặp lại "sai lầm quá khứ", song Hàn Quốc tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "thẳng thắn và chân thành" khi nói muốn thảo luận với Mỹ về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ông Chung không quên thêm rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nói với Hàn Quốc nếu Tổng thống Trump cùng ông tham gia vào một cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ, hai người có thể cùng tạo nên một bước đột phá lịch sử.
Tổng thống Trump chấp nhận lời mời ngay lập tức, khiến ông Chung, các quan chức cấp cao Hàn Quốc và cả các quan chức Mỹ hiện diện tại Phòng Bầu dục lúc bấy giờ bất ngờ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster đều tỏ ra cảnh giác. Họ cảnh báo Tổng thống Trump về những rủi ro và nguy cơ. Tuy nhiên, ông bỏ ngoài tai. Quyết định được đưa ra trong đúng 45 phút của cuộc gặp.
Theo Vox, dù không xuất hiện, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mới chính là người có vai trò chủ chốt thúc đẩy cuộc gặp được đánh giá là sẽ giúp kéo Mỹ và Triều Tiên khỏi bờ vực chiến tranh. Việc dàn xếp thành công cuộc gặp còn là một thành tựu đặc biệt ấn tượng đối với Tổng thống Moon trong bối cảnh ông mới nhậm chức được 10 tháng và mối quan hệ giữa ông với người đồng cấp Mỹ từng có lúc bế tắc vì những bất đồng liên quan đến cuộc khủng hoảng Triều Tiên.
Hồi tháng 9 năm ngoái, ông Trump đe dọa "phá hủy hoàn toàn" Triều Tiên trong một bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc. Nhưng nay, giọng điệu của ông chủ Nhà Trắng đã thay đổi. Ông cởi mở, sẵn sàng đón nhận các cơ hội đàm phán với Triều Tiên.
Giới chuyên gia nhận định sự thay đổi này là bằng chứng phản ánh thành công của Tổng thống Moon vì kiên trì với chính sách ngoại giao đàm phán "ở bất kỳ đâu, vào bất cứ lúc nào" với Bình Nhưỡng. Nỗ lực trên nhận được động lực mạnh mẽ tại Olympic Pyeongchang 2018 khi ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể tham gia những cuộc thảo luận nhằm đưa Triều Tiên tới Thế vận hội. Từ đây, các tiền đề cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên dần hình thành.
"Hàn Quốc xứng đáng nhận được công trạng lớn", ông Mintaro Oba, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ về chính sách Triều Tiên, nhận xét. "Cuộc gặp sẽ không thể diễn ra nếu không có sáng kiến cũng như sự khéo léo của Tổng thống Moon trong việc đàm phán với Triều Tiên và hợp tác chặt chẽ với Mỹ".
Những cơ hội
Tổng thống Moon, cựu luật sư nhân quyền 65 tuổi, đã dành nhiều năm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho "cuộc chiến tranh lạnh" kéo dài hàng thập kỷ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Ông có cơ hội đầu tiên nêu lên tầm nhìn của mình hơn 10 năm trước, thời điểm còn giữ vị trí chánh văn phòng cho tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun. Ông giúp xây dựng "Chính sách Ánh dương" với mục tiêu tiếp cận Triều Tiên thông qua đối thoại và viện trợ kinh tế.
Dù cho thấy các kết quả tích cực như căng thẳng giữa hai miền giảm nhiệt và sự bùng nổ du lịch từ Hàn Quốc tới Triều Tiên, "Chính sách Ánh dương" lại không được những người kế nhiệm tổng thống Roh trọng dụng. Thay vào đó, họ duy trì một đường lối tiếp cận cứng rắn. Ông Moon, trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái, đã ngụ ý sẽ quay trở về với đường hướng cơ bản của "Chính sách Ánh dương" nhằm xoa dịu căng thẳng trên bán đảo.
Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Moon nhanh chóng đề xuất các cuộc thảo luận với Triều Tiên. Chính quyền của ông còn liên tục thể hiện rằng với điều kiện thích hợp, Tổng thống Moon sẽ gặp Triều Tiên "ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào".
"Nói về lợi ích của đàm phán là quá đủ với ông ấy. Rồi cứ thế để quả bóng lăn", James Person, giám đốc nghiên cứu tại Viện Mỹ - Hàn, bình luận.
Tổng thống Moon cũng phản đối lời đe dọa thực hiện những hành động quân sự đơn phương nhằm vào Triều Tiên của Tổng thống Trump. Hồi tháng 8/2017, ông tuyên bố: "Không một ai nên đề cập tới hành động quân sự trên bán đảo Triều Tiên mà thiếu vắng sự đồng thuận từ Hàn Quốc. Chúng tôi sẽ ngăn chặn chiến tranh bằng bất cứ giá nào".
Khi mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn rạn nứt vì bất đồng trong cách tiếp cận Triều Tiên, giới phân tích đánh giá ông Moon vẫn cố gắng tìm mọi cách để hóa giải căng thẳng, thông qua những lời tán dương và bỏ qua mọi phát ngôn khiêu khích từ người đứng đầu nước Mỹ.
"Ông ấy đã tiếp thu được bài học từ thời Roh Moo-hyun rằng chọc giận Mỹ chẳng mang lại lợi ích gì cho đất nước", Lee Byong-chul, chuyên gia tại Viện Hòa bình và Hợp tác ở Seoul, nhận xét. "Nếu ông Roh thẳng thừng và bộc trực thì ông Moon cẩn trọng và tinh tế hơn. Hãy nhìn cách ông ấy luôn ca ngợi Tổng thống Trump vì góp phần cải thiện mối quan hệ liên Triều".
Tổng thống Moon nhận được cơ hội lớn đầu tiên thay đổi bàn cờ chính trị vào ngày 1/1/2018 khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong thông điệp năm mới ngỏ ý muốn thảo luận về việc cử vận động viên tới Hàn Quốc dự Olympic Mùa đông.
Ông Moon đã không bỏ qua thời cơ. Chỉ một tuần sau, Hàn Quốc và Triều Tiên tiến hành các cuộc đàm phán cấp cao tại Khu Phi quân sự (DMZ) liên Triều lần đầu tiên trong vòng hai năm. Hai nước đồng ý cùng diễu hành dưới một lá cờ chung tại lễ khai mạc Olympic và thành lập một đội khúc côn cầu trên băng nữ chung. Tiếp đó, ông Kim còn gửi một đoàn đại biểu cấp cao tới dự Olympic mà gương mặt nổi bật nhất là Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên. Cô đã thay mặt anh trai chuyển lời mời Tổng thống Moon đến thăm Triều Tiên.
Tổng thống Moon tiếp tục "nuôi dưỡng" cơ hội bằng cách khẳng định rằng Triều Tiên chắc chắn cũng sẽ mở lời với Mỹ nếu các cuộc đàm phán giữa Seoul và Bình Nhưỡng diễn ra thuận lợi và mang lại những kết quả có ý nghĩa. Khi một phái đoàn Hàn Quốc tới gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên ở Bình Nhưỡng hôm 5/3, ông Kim đã nhờ chuyển lời mời gặp mặt trực tiếp tới Tổng thống Mỹ. Đến ngày 8/3, các quan chức Hàn Quốc chuyển lời nhắn tới Nhà Trắng và ông Trump đồng ý.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp mặt đặc phái viên Hàn Quốc Chung Eui-yong tại Nhà Trắng hồi tuần trước. Ảnh: South Korean Presidential Office. |
Nguy cơ
Theo cây bút Zeeshan Aleem từ Vox, quyết định của Tổng thống Trump gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên thực sự là một bước phát triển đột biến và một cuộc gặp như vậy được dự báo sẽ tạo nên bước ngoặt lịch sử. Tuy nhiên, đây cũng là một canh bạc.
Nguy cơ đặt ra đối với tất cả các bên là tại cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim, thay vì hóa giải xung đột, hai nhà lãnh đạo lại khiến căng thẳng tiếp tục leo thang. Một khi cuộc gặp đã được xúc tiến, Tổng thống Moon có rất ít cơ hội để kiểm soát nó.
Giới phân tích hiện lo ngại rằng Tổng thống Trump đang ôm các kỳ vọng phi thực tế về những việc ông có thể thuyết phục Triều Tiên làm theo trong cuộc thảo luận. Nếu ông Kim kiên quyết không nhượng bộ về chương trình hạt nhân, ông Trump rõ ràng sẽ bị rơi vào thế khó: Để Triều Tiên tiếp tục tham vọng hạt nhân và vận dụng mọi phương án để ngăn chặn là lựa chọn duy nhất của Tổng thống Mỹ. Cũng có khả năng Tổng thống Trump vì quá thất vọng trước việc không thể giành được một thỏa thuận có lợi trước Triều Tiên mà trở nên tức giận, dẫn tới quyết định hủy bỏ mọi nỗ lực ngoại giao từ trước tới nay.
"Tôi sợ rằng nó sẽ là nguồn cơn làm sống lại những cuộc thảo luận về phương án quân sự", ông Person nhấn mạnh. Nếu kết quả cuối cùng diễn ra như vậy, Tổng thống Moon sẽ hối tiếc vì những nỗ lực mình theo đuổi.
Ông Chung bắt tay với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp tại Bình Nhưỡng ngày 5/3. Ảnh: KCNA. |
Tác giả: Vũ Hoàng
Nguồn tin: Báo VnExpress