Kinh tế

Hàng trăm tài xế vây trụ sở Grab tại Đà Nẵng phản đối mức chiết khấu mới

Hàng trăm tài xế tập trung tại trụ sở Grab ở Đà Nẵng phản đối mức chiết khấu mới với dịch vụ GrabBike, GrabFood, GrabExpress, GrabCar... mà đơn vị này vừa áp dụng.

Đến trưa 8/12, hàng trăm tài xế Grab vẫn tập trung đến trụ sở Grab trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Đà Nẵng phản đối mức chiết khấu mới mà đơn vị này áp dụng.

Anh Nguyễn Văn Đông, tài xế chạy GraBike cho biết, việc tăng VAT lên 10% mà Grab vừa áp dụng là không hợp lý, nhất là trong hoàn cảnh người lao động đang chật vật mưu sinh sau dịch COVID-19 như hiện tại.

Tài xế tập trung tại trụ sở Grab ở Đà Nẵng để phải đối mức chiết khấu mới.

Theo anh Đông, nếu tài xế GrabBike chạy cuốc xe 100.000 đồng sẽ mất 20.000 tiền phí cho công ty. Trong 80.000 đồng còn lại, bị trừ tiếp 10% VAT nữa là không hợp lý.

“Tài xế chúng tôi phải chạy liên tục, không nghỉ mới có đủ 300 - 400 nghìn đồng/ngày đêm. Vừa dịch xong, khó khăn chồng chất mà chúng tôi còn bị trừ thêm 10% VAT nữa thì không thể chấp nhận. Hôm nay chúng tập trung ở đây để phản đối việc tăng % chiết khấu của Grab”, anh Đông bức xúc.

Tài xế GrabCar Lê Văn Thuận cho rằng, chạy Grab ở Việt Nam nhiều rủi ro mà không được đóng bảo hiểm y tế đã là thiệt thòi cho tài xế. Bây giờ mức chiết khấu tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của tài xế.

“Chúng tôi là đối tác chứ không ký hợp đồng lao động với Grab nên không phải chịu mức thuế như vậy. Chúng tôi sẽ đấu tranh tới cùng, đến khi có câu trả lời rõ ràng mới thôi”, anh Thuận nói.

Tài xế Nguyễn Công Thành cho biết, anh đầu tư ô tô 4 chỗ chạy Grab kiếm sống nhưng thời gian vừa rồi dịch COVID-19, thành phố không cho hoạt động nên rất khó khăn. Vừa chạy trở lại được thời gian ngắn thì Grab tại tăng mức chiết khấu là không hợp lý chút nào.

“Chúng tôi cần lời giải thích rõ ràng từ Grab về mức điều chỉnh tăng này. Grab phải có trách nhiệm chứ không thể đẩy gánh nặng lên vai tài xế chúng tôi được. Mức tăng cao như vậy thì cánh tài xế lấy gì để sống?”, anh Thành bức xúc.

Trả lời thắc mắc của các tài xế, đại diện Grab tại Đà Nẵng cho biết, đơn vị sẽ ghi nhận tất cả ý kiến và sẽ có câu trả lời thỏa đáng trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, thời gian cụ thể là khi nào thì vị đại diện này không chắc chắn.

Như vậy, sau Hà Nội, TP.HCM, đến lượt tài xế Grab ở Đà Nẵng tập trung phản đối chính sách mới để đòi quyền lợi của mình.

Trước đó, Grab cho biết, từ 5/12, ứng dụng này sẽ tăng 5-6% dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên cả nước sau khi Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12 quy định mức thuế giá trị gia tăng (VAT) với xe công nghệ là 10% trên doanh thu.

Các tài xế yêu cầu Grab giải thích rõ ràng về việc tăng mức chiết khấu.

Theo đó, cách tính VAT đối với dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, Go-Jek... sẽ thay đổi. Giá một cuốc xe đặt qua ứng dụng gọi xe sẽ phải tính VAT 10% tương tự taxi truyền thống.

Thay vì tách riêng tài xế đóng 3% thuế VAT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% thuế VAT trên phần chiết khấu như trước, doanh nghiệp (Grab, Go-Jek...) sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán. Đây là phần thuế mà người dùng phải trả và doanh nghiệp chỉ là bên nộp hộ.

Việc tăng giá cước đã được thực hiện từ vài ngày nay đối với dịch vụ GrabBike, GrabFood, GrabExpress. Còn dịch vụ xe 4 bánh GrabCar và GrabPlus cũng bắt đầu tăng từ 11h ngày 5/12.

Theo thông báo của Grab, từ ngày 5/12, giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội sẽ tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi km tiếp theo).

Giá cước GrabBike tính trên mỗi km (sau 2 km đầu tiên) cũng tăng từ 3.400 đồng/km lên 4.000 đồng/km; giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 đồng/phút lên 350 đồng/phút.

Tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu tiên và tăng thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo.

Như vậy, dù phí sử dụng ứng dụng không thay đổi, nhưng mức khấu trừ trên mỗi chuyến xe của tài xế sẽ tăng lên lần lượt là 28,364% và 32,841%, với tùy từng đối tác.

Lý giải việc tăng giá, Grab này cho biết, “mong muốn đảm bảo thu nhập cho đối tác GrabCar sau khi NĐ 126 đi vào hiệu lực”.

Tài xế yêu cầu Grab giảm % chiết khấu.

Vào đầu tháng 12,Grab Việt Nam cũng đã liên tục điều chỉnh tăng giá với các dịch vụ GrabBike, GrabBikePremium, GrabExpress và GrabFood.

Cụ thể, từ ngày 2/12, mức giá cho 2km đầu vẫn giữ nguyên 12.000 đồng, nhưng giá tính trên mỗi km tiếp theo tăng từ 3.500 đồng lên 4.000 đồng ở các địa phương như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc,Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hà Nội. Mức tăng tại một số địa phương như TP.HCM, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Cần Thơ… từ 3.400 đồng lên cùng mức 4.000 đồng và từ 300đ/phút (sau 2km đầu) lên 350 đồng/phút sau 2km đầu.

Đáng chú ý, dù không tăng phụ phí của các cuốc xe nhưng thời gian tính phụ phí cũng nới rộng ra, từ 13h hôm trước đến 6h hôm sau, với mức thu 10.000 đồng cho các cuốc xe phát sinh.

Tác giả: XUÂN TIẾN

Nguồn tin: Báo VTC News

  Từ khóa: Grab tăng cước , Grab

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP