Sáng 7/12, hàng trăm tài xế GrabBike đã tập trung "quây" văn phòng của doanh nghiệp này trên phố Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), phản đối mức khấu trừ vừa được nâng lên sau khi Grab tăng giá cước với khách hàng và tăng tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe với tài xế, bắt đầu từ 5/12. Hầu hết đều tắt ứng dụng, đình công, không nhận khách trong sáng nay.
Trước ngày 5/12, họ chỉ phải nộp 20% phí sử dụng ứng dụng và nhận về 80% doanh thu mỗi chuyến xe. Còn tài xế có doanh thu cả năm trên 100 triệu đồng phải nộp thêm 1,5% thuế thu nhập cá nhân và 3% thuế VAT.
Còn hiện tại, Grab đã nâng tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe lên 27,272%, bao gồm phí sử dụng ứng dụng 20% (không đổi) và cộng với thuế VAT. Động thái này được Grab đưa ra sau khi Nghị định 126 có hiệu lực - thay đổi cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) với dịch vụ gọi xe công nghệ.
Grab phải kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán cho mỗi chuyến xe, thay vì tài xế đóng 3% thuế VAT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% thuế VAT trên phần chiết khấu thu về như trước.
Để bù phí VAT, Grab đã tăng giá cước một số dịch vụ nhưng các tài xế đánh giá mức tăng này vẫn chưa đủ bù cho khoản thu nhập thực bị giảm của họ.
Khảo sát của PV VTC News cho thấy, nhiều GrabBike tỏ ra rất bức xúc trước những chính sách mới của Grab, đồng thời cho biết sẽ sớm chuyển sang công việc khác vì cảm thấy “khó có thể trụ được với nghề này”.
Các tài xế hoang mang trước những tác động của việc tăng thuế đối với xe công nghệ. |
Anh Hồ Dương Quân (tài xế GrabBike ở Nguyễn Trãi – Hà Nội) cho biết, tỷ lệ khấu trừ đã tăng từ 20% lên hơn 27,2% gồm 20% phí sử dụng ứng dụng (không đổi) + thuế VAT. Điều này có nghĩa mức thu về của anh sau mỗi chuyến chạy xe là ít hơn rất nhiều. Trong khi, giá cả mọi chi tiêu vẫn ở mức cao.
Một tài xế khác là anh Mạnh Hùng cũng chia sẻ, dù ủng hộ chính sách nộp thuế nhưng anh không khỏi cảm thấy lo lắng. "Tôi mong muốn Grab có sự chia sẻ cùng anh em lái xe đã rất vất vả hoặc giảm phí sử dụng ứng dụng", anh Hùng nói.
“Ngay khi Grab áp dụng chính sách mới, doanh thu trong ngày của chúng tôi ngay lập tức bị ảnh hưởng, thu nhập kém hơn rõ rệt”, anh Hùng chia sẻ thêm.
Không chỉ lo lắng việc thu nhập giảm, các tài xế còn hoang mang trước nguy cơ mất khách. "Giá cước tăng sẽ khiến Grab khó cạnh tranh với các thương hiệu khác khi thị trường đang dần bão hòa vì có nhiều ứng dụng khai thác thị phần. Khách hàng có thể chuyển sang lựa chọn hãng khác, thậm chí là cách di chuyển khác thay vì sẵn sàng đặt xe công nghệ như trước đây", tài xế Hoàng lâm (Minh Khai – Hà Nội) cho biết.
Grab nói riêng và các hãng xe công nghệ khác có ưu thế trong cuộc đua hút khách, chiếm thị trường nhờ giá cước hợp lý. Nếu hiện giờ mất đi lợi thế đó, khách hàng sẽ có lý do để đắn đo.
Liên quan đến việc Grab tăng giá cước, nhiều người tiêu dùng cũng bày tỏ sự lo lắng rằng các hãng xe công nghệ khác cũng sẽ điều chỉnh giống Grab để bù thuế VAT.
“Thuế tăng đánh vào doanh nghiệp thì doanh nghiệp tăng giá. Cuối cùng người tiêu dùng vẫn phải gánh”, một khách hàng ở Hoàng Mai (Hà Nội) nêu ý kiến.
Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12 quy định mức thuế VAT với xe công nghệ là 10% trên doanh thu. Theo đó, cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, Go-Jek... sẽ thay đổi. Giá một cuốc xe đặt qua ứng dụng gọi xe sẽ phải tính VAT 10% tương tự taxi truyền thống. Thay vì tách riêng tài xế đóng 3% thuế VAT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% thuế VAT trên phần chiết khấu như trước, doanh nghiệp (Grab, Go-Jek...) sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán. Đây là phần thuế mà người dùng phải trả và doanh nghiệp chỉ là bên nộp hộ. Chính sách này khiến từ 11h ngày 5/12, dịch vụ xe 4 bánh GrabCar và GrabPlus bắt đầu tăng. Giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội sẽ tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi km tiếp theo). Giá cước GrabBike tính trên mỗi km (sau 2 km đầu tiên) cũng tăng từ 3.400 đồng/km lên 4.000 đồng/km; giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 đồng/phút lên 350 đồng/phút. Tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu tiên và tăng thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo. Vào đầu tháng 12, Grab Việt Nam cũng đã liên tục điều chỉnh tăng giá với các dịch vụ GrabBike, GrabBikePremium, GrabExpress và GrabFood. Đáng chú ý, dù không tăng phụ phí của các cuốc xe nhưng thời gian tính phụ phí cũng nới rộng ra, từ 23h đến 6h hôm sau, với mức thu 10.000 đồng cho các cuốc xe phát sinh. Lý giải việc tăng giá, Grab này cho biết, “mong muốn đảm bảo thu nhập cho đối tác GrabCar sau khi NĐ 126 đi vào hiệu lực”. Công ty cũng tin rằng mức cước này "vẫn đủ cạnh tranh" còn tài xế có thể giảm thu nhập khoảng 7% một năm nếu hãng không điều chỉnh tăng cước phí cơ bản. Tuy nhiên, với mức cước phí mới (đã tăng 5-6%), Grab tính toán, tài xế chỉ giảm thu nhập khoảng 1% một năm.
|
Tác giả: LINH PHI
Nguồn tin: Báo VTC News