Kinh tế

Hàng loạt doanh nghiệp gas đòi Bộ Công Thương bồi thường

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas đề nghị Bộ Công Thương xem xét, bồi thường những khoản vay ngân hàng mà họ đã đầu tư nếu hạ thấp các điều kiện.

Một số doanh nghiệp đại diện cho hơn 700 doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh gas ở các tỉnh miền Bắc vừa gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và các bộ, ngành liên quan về việc cân nhắc, xem xét không sửa quy định hạ chuẩn điều kiện kinh doanh gas.

Ông Lê Xuân Tuyến, Giám đốc công ty cổ phần Việt Xô Gas (đại diện cho 300 doanh nghiệp gas ở Thái Bình), cho rằng theo quy định tại Nghị định 107 về điều kiện kinh doanh gas, thương nhân phân phối gas cấp 1 phải có bồn chưa 800 m3 và 300.000 vỏ bình. Để đáp ứng quy định này, doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng với một lượng tiền lớn để đầu tư và hoạt động kinh doanh.

Nghị định 19 ra đời thay thế Nghị định 107 đã tháo gỡ một số khó khăn cho doanh nghiệp như quy định về sức chưa của bồn thấp hơn, sở hữu lượng vốn ít hơn nhiều, bỏ bớt yêu cầu về đào tạo chứng chỉ, nghiệp vụ… Tuy nhiên, việc hạ thấp các quy định về bồn chưa và số lượng vỏ chai LPG theo kiến nghị của doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tồn tại nhiều bấp cập.

Cụ thể, theo ông Tuyến, hiện đã có quá nhiều thương nhân không đáp ứng được điều kiện về bồn chứa, vỏ chai LPG, nay nghiễm nhiên tham gia vào thị trường đồng nghĩa thừa nhận việc thương nhân trước đây kinh doanh trái phép, không đủ năng lực. Điều này dẫn đến cung ứng tràn lan, Nhà nước không kiểm soát được cũng như an toàn cháy nổ.

Bên cạnh đó, ông Tuyến cho rằng thị trường gas hiện còn tình trạng chiếm dụng vỏ chai, cưa tai, mài chữ ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu và mất an toàn. Nhiều trạm nạp không đủ điều kiện lưu thông, vi phạm đăng ký nhãn hiệu hàng hoá dẫn đến cháy nổ không có căn cứ để xử lý và truy cứu trách nhiệm.

Vì vậy, ông Tuyến đề nghị giữ nguyên quy định về sở hữu bồn chứa 300 m3 và 100.000 vỏ chai gas theo Nghị định 19; đồng thời, giữ nguyên điều kiện nạp gas vào chai phải thuộc sở hữu của thương nhân kinh doanh đầu mối. Điều này nhằm gắn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh đầu mối với các hoạt động của trạm nạp vào chai thuộc thương nhân quản lý.

Gas không rõ nguồn gốc dẫn đến cháy nổ không có căn cứ xử lý. Ảnh: Dương Nguyên.


Ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc công ty TNHH Dầu khí Thanh Hoá, đại diện cho 450 doanh nghiệp kinh doanh gas tỉnh Thanh Hoá, cũng vừa gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng.

Ngoài kiến nghị giữ nguyên quy định sở hữu bồn chứa theo Nghị định 19, ông Châu cho rằng, nếu hạ thấp nữa các điều kiện quy định tại Nghị định 19 thì Bộ Công Thương cần xem xét, bồi thường những khoản vay ngân hàng mà doanh nghiệp đã đầu tư để đáp ứng tốt, nghiêm chỉnh các quy định của Nghị định 19.

Vào tháng 9, Bộ Công Thương đã tổ chức hai buổi đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh gas về Nghị định 19 thay thế Nghị định 107. Quy định về điều kiện kinh doanh gas tại Nghị định 107 yêu cầu thương nhân phân phối phải có tối thiểu 300.000 bình, kho chứa 800 m3. Nghị định 19 đã giảm tiêu chí xuống lần lượt còn 100.000 vỏ và 300 m3. Tuy nhiên, cuộc hội thảo gây ra nhiều tranh cãi.

Trong khi các doanh nghiệp nhỏ lo ngại quy định điều kiện thương nhân phân phối phải có bồn chứa 300 m3 và 100.000-150.000 bình là quá chặt chẽ, bất hợp lý dẫn đến nguy cơ phá sản, thì các doanh nghiệp lớn lại ủng hộ để tránh rối loạn cho thị trường.

Trước những ý kiến trái chiều, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay cách đây một tháng, Bộ trưởng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nhanh chóng tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh gas và các đơn vị này đang tiến hành sửa đổi.

“Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp chưa đáp ứng được các yêu cầu theo Nghị định 19 vẫn nằm ở một chuỗi kinh doanh LPG chứ không phải có ý định gạt bỏ doanh nghiệp vừa và nhỏ ra khỏi ngành", Thứ trưởng Khánh khẳng định.

Tác giả bài viết: Kiều Linh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP