Giáo dục

Hàng loạt đại học công bố phương án xét tuyển

Nhiều trường đại học vừa công bố phương án tuyển sinh năm 2017. Trong đó, chỉ tiêu, khối xét tuyển, ngành học có nhiều điều chỉnh.

Đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM, ngày 8/2, đã công bố thông tin tuyển sinh dự kiến cho năm 2017. Theo đó, trường tuyển sinh trong cả nước với dự kiến tổng chỉ tiêu trình độ ĐH là 13.455, CĐ 450.

Chưa thực hiện thi năng lực

Chỉ tiêu dự kiến của các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM như sau: ĐH Khoa học Tự nhiên tuyển 3.040 chỉ tiêu ở bậc ĐH và 300 chỉ tiêu bậc CĐ; ĐH Bách khoa 3.800 bậc ĐH và 150 bậc CĐ; ĐH Kinh tế - Luật 1.400; ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn 2.850; ĐH Quốc tế 1.180; ĐH Công nghệ Thông tin 1.000; Khoa Y 175.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH Công nghiệp TP.HCM năm 2016. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.

Điều kiện chung nhận hồ sơ xét tuyển: Tốt nghiệp THPT. Ở bậc ĐH, thí sinh có trung bình cộng các điểm trung bình 3 năm học (lớp 10, 11, 12) từ 6,5 trở lên. Bậc CĐ: Thí sinh có trung bình cộng các điểm trung bình 3 năm học (lớp 10, 11, 12) từ 6 trở lên.

Các phương thức xét tuyển của ĐH Quốc gia TP.HCM gồm: Thứ nhất, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2017 của Bộ GD&ĐT.

Thứ hai, ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM, gồm: Học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu các trường ĐH, tỉnh - thành trên toàn quốc; học sinh các trường THPT thuộc nhóm trường có điểm trung bình thi THPT quốc gia cao nhất năm 2015, 2016.

Thứ ba, xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2017: Xét tuyển thí sinh tại khu vực Tây Nam Bộ và Tây Nguyên. Năm nay, việc thí điểm xét tuyển dựa trên kết quả kiểm tra năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn chưa được thực hiện.

Cùng ngày, ĐH Công nghiệp Thực phẩm cũng công bố phương án tuyển sinh dự kiến. Ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Phòng đào tạo, cho biết trường tuyển sinh 17 ngành thuộc 2 tổ hợp môn A00, A01, D01, B00 và A00, A01, D01, TN; lấy 90% chỉ tiêu xét từ điểm thi THPT quốc gia, 10% xét từ kết quả học bạ THPT. Điều kiện là điểm tổng kết của từng năm lớp 10, 11, 12 đạt từ 6 trở lên.

Về phương án xét tuyển CĐ, trường tuyển sinh 8 ngành, mỗi ngành 30-40 chỉ tiêu. Trong đó, 50% chỉ tiêu xét từ điểm thi THPT quốc gia, 50% xét từ kết quả học bạ THPT. Điều kiện là điểm tổng kết của các năm lớp 10, 11, 12 đạt từ 5 trở lên.

“Năm nay, ĐH Công nghiệp TP.HCM dự kiến dành 7.780 chỉ tiêu cho 25 ngành bậc ĐH, bao gồm chính quy và chất lượng cao), PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó hiệu trưởng ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho hay.

Trong đó, các ngành có chỉ tiêu cao gồm: Nhóm ngành môi trường (740); công nghệ thông tin (610); nhóm ngành công nghệ điện (500); nhóm ngành kế toán - kiểm toán (620); ngành tài chính - ngân hàng (580); nhóm ngành công nghệ điện tử (460); công nghệ kỹ thuật hóa học (430)…

Nhiều ngành mới

Ngày 8/2, ĐH Ngoại thương đã chốt phương án tuyển sinh ĐH năm 2017. Theo đó, năm 2017, trường sẽ xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Ngoài điều kiện điểm 3 môn thi (theo tổ hợp môn xét tuyển) đạt mức điểm thông báo nhận hồ sơ xét tuyển của nhà trường, trường sẽ vẫn duy trì điều kiện sơ tuyển của thí sinh là điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên; hạnh kiểm của từng năm lớp 10, 11, 12 từ khá trở lên.

Theo phương án tuyển sinh của trường, các môn xét tuyển nhân hệ số một. Riêng các ngành ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Pháp, ngôn ngữ Trung, ngôn ngữ Nhật, môn thi chính là ngoại ngữ sẽ nhân hệ số 2.

Năm 2017, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 3.750, tăng 50 chỉ tiêu so với năm 2016. Trong đó, cơ sở Hà Nội có 2.700 chỉ tiêu, cơ sở TP.HCM 900 chỉ tiêu và cơ sở Quảng Ninh 150 chỉ tiêu đào tạo ĐH chính quy.

Năm nay, trường bổ sung ngành mới là kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến của Nhật Bản với 50 chỉ tiêu. Đặc biệt, trường đã quyết định bổ sung tổ hợp xét tuyển mới bên cạnh các tổ hợp xét tuyển truyền thống trong tuyển sinh các năm trước.

Tổ hợp xét tuyển mới là D07, gồm 3 môn Toán - Hóa học - Tiếng Anh được áp dụng trong xét tuyển ở hầu khắp các ngành, chuyên ngành (trừ nhóm ngành ngôn ngữ).

Ông Mai Đức Ngọc, Trưởng ban Đào tạo Học viện Báo chí Tuyên truyền, cho biết năm 2017, trường sẽ tuyển sinh thêm 3 chuyên ngành chất lượng cao gồm: Quan hệ quốc tế và truyền thông toàn cầu, kinh tế và quản lý, quản trị truyền thông. Mỗi chuyên ngành dự kiến là 50 chỉ tiêu.

Theo đề án tuyển sinh của trường, ngành báo chí (gồm một số chuyên ngành báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo điện tử, báo chí đa phương tiện...), thí sinh vẫn thi thêm môn năng khiếu báo chí, thời gian thi sẽ được trường công bố cụ thể.

Trong khi đó, ĐH Mở TP.HCM dự kiến tuyển 3.900 chỉ tiêu. PGS.TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, ĐH Mở TP.HCM, cho biết trường dự kiến tuyển sinh 21 ngành, trong đó có 4 ngành mới gồm: Kinh doanh quốc tế; kiểm toán; quản trị nhân lực; công nghệ thông tin.

Trong đó, các ngành có chương trình chất lượng cao gồm quản trị kinh doanh; tài chính - ngân hàng; kế toán; luật kinh tế; ngôn ngữ Anh.

Tác giả bài viết: LÊ THOA - YẾN ANH

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP