Kinh tế

Hàng không “vỡ trận” dịp tết?

Vào dịp Tết Đinh Dậu 2017, các hãng hàng không có kế hoạch tăng 1.285 chuyến bay nhưng Cục Hàng không tuyên bố có thể không cấp phép. Người dân vẫn đứng trước viễn cảnh đi lại dịp tết vất vả.

Sân bay Tân Sơn Nhất dịp tết hay quá tải là không tránh khỏi. Nhiều hãng hàng không có nguy cơ không được cấp phép tăng chuyến dù đã bán vé. Trong ảnh: hành khách làm thủ tục lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Quang Định

Tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất sáng 9-12, trong dòng người xếp hàng, gia đình chị Trần Thu Hà (ngụ Q.3) cho biết đã quá ngán ngẩm với các chuyến bay giá rẻ thường hoãn, hủy.

Dù đi hãng hàng không nào, chị Hà cũng lo cảnh quá tải sân bay khi cho biết trước đây chị bay TP.HCM - Hà Nội thường mất 1giờ 40 phút nhưng gần đây thời gian máy bay chạy trên đường lăn để được cất cánh rất lâu.

Khi hạ cánh cũng phải chờ nên kể từ lúc lên máy bay, có khi phải mất hơn 2 tiếng mới xuống được mặt đất.

Quá tải là... 
không tránh khỏi

Trong khi đó, đại diện Vietjet Air vẫn khẳng định dịp Tết Nguyên đán 2017, hãng đã lên kế hoạch tăng tới 1.500 chuyến bay và mở bán hơn 1,5 triệu vé từ ngày 15-1 đến 15-2-2017.

Ghi nhận từ hệ thống của hãng cho thấy nhu cầu vé rất cao đối với các đường bay từ TP.HCM đến Hà Nội, các điểm đến phía Bắc và miền Trung. Lượng vé tết hiện đang vơi dần.

Jetstar Pacific cũng cho biết giai đoạn Tết Nguyên đán, hãng sẽ cung ứng trên 1 triệu ghế, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một đại diện Vietnam Airlines thì nêu từ ngày 15-1 đến 13-2, hãng bổ sung thêm gần 900 chuyến bay, tương ứng hơn 185.000 ghế, nâng tổng số ghế cung ứng trên toàn mạng đường bay nội địa trong dịp cao điểm tết lên hơn 1,6 triệu ghế.

Đại diện hãng này cho biết sẽ ưu tiên sắp xếp các máy bay thân rộng, có khả năng chuyên chở nhiều hơn để phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của người dân.

Về đáp ứng hạ tầng cho kế hoạch tăng chuyến bay dịp tết của các hãng hàng không, ông Đặng Tuấn Tú - giám đốc cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - cho biết khả năng tăng chuyến 29% mới chỉ là đề xuất của các hãng, khi nào Cục Hàng không phê duyệt thì sân bay Tân Sơn Nhất mới căn cứ vào đó triển khai kế hoạch.

Theo ông Tú, năm ngoái Tân Sơn Nhất đã quá tải nên việc quá tải trong dịp tết này là... không tránh khỏi.

Trước đó, trong buổi làm việc với đoàn công tác của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, ông Tú cho biết dự kiến cuối năm nay lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đạt 32 triệu lượt/năm, vượt qua công suất khai thác theo phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cho giai đoạn 2020-2030 của sân bay là 25 triệu lượt/năm.

Lo “vỡ trận”

Bộ trưởng Bộ GTVT tại cuộc họp gần đây đã bày tỏ lo lắng về tình trạng quá tải và yêu cầu phải rà soát việc tăng chuyến chứ không phải các hãng cứ đề nghị là gật đầu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lại Xuân Thanh, cục trưởng Cục Hàng không, cho biết số lượng tăng cả ngàn chuyến bay mà các hãng hàng không thông báo là dựa theo kế hoạch của họ và căn cứ trên slot (số lượt cất - hạ cánh) chứ chưa phải là con số chốt chính thức.

“Theo dự tính, 67% số chuyến tăng thêm được khai thác từ 23g đến 7g sáng hằng ngày”. Tuy nhiên, ông Thanh khẳng định đang rà soát lại.

Để đảm bảo tăng chuyến, ông Thanh cho rằng hãng hàng không phải chuẩn bị đủ nguồn lực, kỹ thuật máy bay.

Trong khi theo quy định, một số đối tượng nhân viên hàng không, do tính chất quan trọng của công việc, không được phép làm quá giờ.

Năm 2016, lịch bay thường lệ ở Tân Sơn Nhất đã tăng hơn 28%. Nếu tiếp tục tăng thêm 29% so với lịch bay thường lệ, ông Thanh lo có thể gây tắc nghẽn cả nhà ga.

Ông Thanh khẳng định trong dịp tết, Tân Sơn Nhất vẫn phải giữ nguyên tần suất 40 lượt cất - hạ cánh/giờ.

Đồng thời, Cục Hàng không sẽ rà hết năng lực khai thác máy bay của hãng hàng không, năng lực phục vụ... nếu không đảm bảo được thì không cấp phép tăng chuyến.

“Tăng chuyến mà không đáp ứng được thì ngày thường hành khách bức xúc một ngày tết họ sẽ bức xúc 10 lần” - ông Thanh nói.

Hành khách 
thành “con tin”?

Chị Trang, 24 tuổi, quê Hà Tĩnh, hiện đang công tác tại TP.HCM, cho biết năm nay chị mua vé máy bay sớm hơn từ TP.HCM về Hà Tĩnh.

“Nếu Cục Hàng không không phê duyệt kế hoạch tăng chuyến bay, trong khi các hãng đã bán vé thì khách hàng sẽ là người chịu thiệt thòi?” - chị Trang nói và lo chuyến bay có thể bị hủy thì lỡ hết kế hoạch.

“Tại sao chưa duyệt tăng chuyến mà đã bán vé? Vấn đề ở đây không phải là trả lại tiền mà chúng tôi sợ không về quê được”, chị Trang nói.

Còn chị Nguyễn Thị Mai (Thanh Hóa) cũng mua vé máy bay cách đây hơn một tháng và nêu mọi trục trặc hay thay đổi từ hãng, hành khách không quan tâm, chỉ biết hãng phải có trách nhiệm đưa khách như vé đã mua.

Chị Thu Nguyệt, chủ một đại lý bán vé máy bay, cũng băn khoăn khi giá vé máy bay trên các chặng bán ra trong dịp tết đã tăng 20-30% so với ngày thường.

Một số chặng không dễ mua được vé. Nếu không được cấp phép tăng chuyến, chị Nguyệt lo các hãng hàng không sẽ giảm hay hủy chuyến, chắc chắn sẽ làm giá vé tăng lên.

Các hãng chịu trách nhiệm

Trước thực tế các hãng hàng không đã quảng cáo tăng chuyến rầm rộ và bán vé tết từ lâu, trả lời Tuổi Trẻ về nguy cơ cho hành khách nếu Cục Hàng không “cắt” khả năng tăng chuyến bay, ông Lại Xuân Thanh công nhận: theo quy định cũ khi được cấp phép tăng chuyến các hãng mới được bán vé. Nhưng sau đó, các hãng kiến nghị cho bán vé trước, họ sẽ chịu trách nhiệm với khách.

Bởi việc cấp phép chỉ tiến hành trước 1 đến 2 tháng trong khi chờ tới thời điểm sát giờ bay mới bán vé, các hãng có thể thiệt hại (nếu chuyến bay thừa chỗ).

Vì vậy, nên ông Thanh nêu Nhà nước đã đồng thuận với kiến nghị cho bán vé trước khi cấp phép.

Tuy nhiên, các hãng phải tự chịu trách nhiệm với hành khách và không thể lấy lý do đã bán vé để buộc cơ quan nhà nước phải cấp phép tăng chuyến.


“Các hãng phải tìm hiểu kỹ điều kiện cấp phép và tự chịu trách nhiệm với hành khách... Không thể lấy lý do đã bán vé để buộc cơ quan nhà nước phải cấp phép
Ông Lại Xuân Thanh (cục trưởng Cục Hàng không)

Tác giả bài viết: TUẤN PHÙNG - MINH PHƯỢNG

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP