VietNamNet dẫn lời thầy giáo Nguyễn Xuân Tùng (giáo viên dạy Vật lý, trường THPT Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết hai học sinh Lê Anh Tuấn Bằng (lớp 11A3) và Nguyễn Văn Tình (lớp 11A8, trường THPT Kỳ Anh) vừa giành giải Nhì quốc gia với sản phẩm máy lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tự động. Được biết, thầy Tùng chính là người trực tiếp hướng dẫn Bằng và Tình.
“Hai em giành giải Nhì tại Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật. Việc sáng chế máy lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tự động là thành tích tự hào”, thầy Tùng cho hay.
Vốn là bạn thân từ nhỏ, cùng đam mê sáng chế các thiết bị khoa học – kỹ thuật, Bằng và Tình thường xuyên cùng nhau trò chuyện, trao đổi và đề xuất ý tưởng nghiên cứu. Vào tháng 5/2021, khi thấy việc lấy mẫu xét nghiệm để tiến hành cách ly, điều trị những người mắc COVID-19 khiến đội ngũ nhân viên y tế kiệt sức, tốn kinh phí, nguy cơ lây nhiễm cao, hai nam sinh này đã nảy ra ý tưởng làm máy lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tự động.
Nghĩ là làm, đôi bạn đã trao đổi ý tưởng với nhà trường và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ thầy cô giáo. Với sự hướng dẫn tận tình của thầy Tùng, các em đã tự lên mạng tìm hiểu và vạch ra kế hoạch tỉ mỉ, đến các địa bàn lớn như Hà Nội, TP.HCM để tìm các loại linh kiện phù hợp. Khi trở về, Bằng và Tình phải thực hiện cách ly nên việc thực hiện sản phẩm bị gián đoạn, phải mất gần 7 tháng mới hoàn thành.
Hai nam sinh Lê Anh Tuấn Bằng và Nguyễn Văn Tình (THPT Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bên chiếc máy lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tự động. Ảnh: Báo Hà Tĩnh |
Máy lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tự động có cấu tạo gồm 3 phần: Phần khung, vỏ; phần cơ học (trục của tay gắp, trục của bộ phận lấy mẫu, khay chứa que lấy mẫu, khay đựng ống nghiệm, bộ phận cố định khuôn mặt, cố định kéo cắt que lấy mẫu, béc phun) và phần linh kiện điện tử (các mạch hỗ trợ, vi xử lý Arduino, servo, động cơ bước, các cảm biến, camera nội soi, máy bơm phun khử khuẩn, đèn, loa).
“Đối với dự án này, khó khăn nhất của bọn em đó là phần mua linh kiện. Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc vận chuyển hàng hóa khó khăn buộc chúng em phải tự đến các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM thì mới có thể tìm được các loại linh kiện phù hợp. Thời gian cách ly, chữa trị COVID-19 dài ngày sau đó cũng gây gián đoạn, buộc chúng em phải thực hiện dự án online để sớm hoàn thiện máy”, Tình chia sẻ với báo Hà Tĩnh.
Chia sẻ về chức năng hoạt động của máy, Bằng cho biết máy có thể tự động lấy mẫu dịch ngoáy họng, tự động nhắc nhở người lấy mẫu ngồi đúng tư thế, đồng thời phun khử khuẩn sau mỗi lần lấy, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo.
Để sử dụng máy, người dùng cần thực hiên 4 bước như sau: Ngồi vào vị trí, mở nắp bỏ ống nghiệm vào nơi đặt; cố định khuôn mặt chờ đèn và loa phát tín hiệu; mở rộng miệng, dùng cằm nhấn công tắc cho đến khi máy lấy xong mẫu; lấy ống nghiệm đóng nắp, bỏ ống nghiệm vào khay đựng.
Bằng tiết lộ: “Sau khi hoàn thành, máy đã thử nghiệm thành công trên con người, lấy được đúng, đủ mẫu bệnh phẩm, an toàn cho người lấy mẫu cũng như nhân viên y tế. Với thiết kế nhỏ gọn, ổn định, máy có thể dễ dàng vận chuyển lưu động tới nhiều nơi và nhiều địa điểm lấy mẫu. Ngoài ra, với chi phí hơn 3,5 triệu đồng, máy cũng rất dễ thay thế sửa chữa, bảo dưỡng”.
Nói thêm về máy lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tự động của Bằng và Tình, thầy Tùng cho biết sau khi thử nghiệm, thiết bị nhận được phản hồi rất tốt từ đội ngũ nhân viên y tế huyện Kỳ Anh.
Tuy nhiên do thời gian, điều kiện nghiên cứu còn hạn chế nên hệ thống khử khuẩn chưa được tối ưu, máy chưa đóng được nắp ống nghiệm. Trong thời gian tới, Bằng và Tình sẽ tiếp tục hoàn thiện máy bằng cách nâng cấp hệ thống khử khuẩn, ứng dụng công nghệ xử lý ảnh trong việc xác định vị trí lấy mẫu, tích hợp test sau khi máy lấy mẫu xong.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên Bằng và Tình cùng nhau giành giải. Trước đó, đôi bạn thân đã giành nhiều danh hiệu tại các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp huyện, cấp tỉnh từ năm lớp 9.
“Thành tích giải nhì Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia của hai em Tuấn Bằng, Văn Tình là một niềm vinh dự, tự hào của Trường THPT Kỳ Anh. Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện tối đa nhằm giúp các em phát triển tư duy, năng lực sáng tạo, ươm mầm cho những “nhà khoa học” trong tương lai. Đồng thời, cũng mong muốn các dự án của em sẽ được đầu tư, nâng cấp để sớm trở thành những sản phẩm giúp ích cho cộng đồng”, thầy Trần Hữu Linh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Anh nói.
Tác giả: Đinh Kim (T/h)
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn