Bị cáo Tiến và Chung tại tòa |
Ẩu đả sau tiếng chửi đổng
TAND TP Hà Nội vừa đưa anh em bị cáo Đỗ Tiến (SN 1973) và Đỗ Thị Chung (SN 1977) cùng ở xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ ra xử phúc thẩm tội Cố ý gây thương tích. Bị hại trong vụ án là cha con ông Nguyễn Phú Hoàng (SN 1941) và anh Nguyễn Phú Dũng (SN 1981) – hàng xóm của anh em Tiến. Sở dĩ có phiên tòa phúc thẩm này là vì bị hại kháng cáo đòi tăng nặng hình phạt và tăng mức bồi thường thiệt hại đối với các bị cáo.
Theo nội dung bản án sơ thẩm của TAND huyện Phúc Thọ, ông Đỗ Nhĩ (SN 1931) là bố ruột của Đỗ Tiến và Đỗ Thị Chung. Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Hoàng là bố của anh Nguyễn Phú Dũng. Do hai bên gia đình sống gần nhà nhau nên nảy sinh mâu thuẫn về ranh giới đất. Dù mâu thuẫn đã được chính quyền địa phương giải quyết nhưng tới nay họ vẫn tiếp tục hậm hực với nhau. Để rồi từ đó, họ liên tục nói cạnh khóe nên dẫn tới đánh chửi nhau.
Tài liệu điều tra thể hiện, khoảng 17 giờ ngày 4/8/2016, ông Hoàng bế cháu từ nhà ra ngõ xóm chơi. Tại đây ông Hoàng gặp ông Nhĩ đang trên đường về nhà. Vừa nhìn thấy nhau, ông Nhĩ buông tiếng chửi đổng: “Con chó đầu đen”. Thấy người hàng xóm nói câu nói trên, anh Nguyễn Phú Dũng (con trai ông Hoàng) đang ngồi ở cổng bảo: “Thôi bố về đi kẻo chó dại cắn”. Cùng lúc đó, Đỗ Thị Chung, con gái ông Nhĩ (nhà cạnh nhà ông Hoàng) thấy to tiếng nên đi ra. Tại đây, Chung đã to tiếng, sau đó chửi nhau với Dũng.
Thấy em gái chửi nhau với cha con người có mâu thuẫn với bố mình, Đỗ Khởi (SN 1970, con trai ông Nhĩ) gần đó cũng vội vã đi ra giúp sức. Lời qua tiếng lại, anh Khởi và Dũng xảy ra xô xát, vật lộn đánh nhau. Chứng kiến cảnh ấy, Đỗ Thị Chung liền lấy một đoạn gậy gỗ ở cổng nhà mình đi tới vụt nhiều nhát vào người anh Dũng. Thấy ẩu đả, ông Hoàng đi tới can ngăn, đẩy con trai vào nhà. Những tưởng sau khi một bên rời đi, cuộc xích mích giữa hai bên sẽ kết thúc. Tuy nhiên, khi thấy mình bị chảy máu đầu, anh Khởi đã gọi Đỗ Tiến (nhà gần đó) ra “ứng cứu” với lý do bị cha con anh Dũng lấy gạch ném rách đầu.
Nghe tiếng anh gọi, Đỗ Tiến đang ở trong nhà vội vã chạy ra. Chẳng kịp nghe các em kể lại đầu đuôi sự việc, Tiến nhặt luôn đoạn gậy gỗ dưới lòng đường đi tới chỗ ông Hoàng đang đứng vụt một cái trúng vào vành tai trái người đàn ông 66 tuổi khiến bị hại bị thương, rách tai, chảy máu. Do được mọi người can ngăn nên sự việc chấm dứt.
Trả giá
Sau ẩu đả, cha con ông Hoàng được đưa đi viện điều trị vết thương. Bởi anh Dũng bị thương rách tai trái, chấn thương cẳng tay phải, ông Hoàng bị thương tích sưng nề vùng thái dương, vết thương rách phức tạp ở tai trái, phải đi cấp cứu từ ngày 4/8/2016 – 23/8/2016 thì ra viện… Do đó, những bị hại trong vụ án đã làm đơn đề nghị cơ quan điều tra Công an huyện Phúc Thọ điều tra, giải quyết.
Theo kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của anh Dũng là 1%, ông Hoàng bị tổn hại 2%, anh Đỗ Khởi 1% sức khỏe. Cơ quan chức năng xác định Chung và Tiến là người gây ra thương tích cho các bị hại nên khởi tố anh em họ tội Cố ý gây thương tích. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 24/8, các bị cáo khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Khi được nói lời sau cùng, Chung và Tiến xin Hội đồng xét xử sơ thẩm xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho mình.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định lời khai của các bị cáo phù hợp với lời khai của bị hại, người làm chứng cũng như tài liệu, chứng cứ khác. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội bởi lẽ hành vi đó không những xâm phạm đến sức khỏe của người khác mà còn gây mất trật tự trị an xã hội. Tuy nhiên, do các bị cáo đều có trình độ văn hóa thấp nên nhận thức pháp luật còn hạn chế…
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên bị cáo Tiến 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, bị cáo Chung 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Theo Hội đồng xét xử, mức án này cũng đủ giáo dục các bị cáo và thể hiện sự khoan hồng của pháp luật. Về phần dân sự, Hội đồng xét xử tuyên buộc bị cáo Tiến phải bồi thường cho ông Hoàng hơn 23 triệu đồng, bị cáo Chung phải bồi thường cho anh Dũng hơn 10 triệu đồng.
Cho rằng mức án trên còn quá nhẹ, số tiền bồi thường còn thấp nên những người bị hại đã kháng cáo, đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tăng hình phạt và tăng mức bồi thường thiệt hại đối với các bị cáo. Tuy nhiên, kháng cáo của bị hại đã bị Hội đồng xét xử phúc thẩm bác vì cho rằng quyết định tại bản án của Tòa sơ thẩm là đúng pháp luật. Có thể nói, vụ án là bài học sâu sắc cho nhiều người trong quan hệ ứng xử với hàng xóm.
Tác giả: Hồng Mây
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam