Xã hội

Hà Nội sẽ đóng cửa bến xe Giáp Bát, Gia Lâm

Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô, TP Hà Nội sẽ quy hoạch lại hệ thống các bến xe khách, trong đó dừng hoạt động 2 bến xe Giáp Bát, Gia Lâm vào năm 2020.

Sở Quy hoạch kiến trúc (QHKT) Hà Nội vừa lấy ý kiến các sở ban ngành, Hiệp hội nghề nghiệp để hoàn thiện dự thảo “Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Nội dung dự thảo nêu rõ, trên địa bàn Hà Nội đang có 9 bến xe khách liên tỉnh với tổng diện tích 17,9 ha, trong đó, có các bến xe tại nằm trong khu vực nội thành như Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Nước Ngầm. Trên địa bàn thành phố cũng có 3 bến xe nội tỉnh với diện tích 0,65 ha.

Hà Nội dự kiến chuyển mô hình hoạt động của bến xe Giáp Bát vào năm 2020

Theo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, các bến xe trên cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, vào dịp lễ, tết các bến xe này chưa đáp ứng được nhu cầu. Một số bến còn nằm sâu trong nội thành gây cản trở giao thông.

Do vậy, quy hoạch trên tập trung theo nguyên tắc, các bến xe khách liên tỉnh từ nay đến năm 2030 sẽ được tổ chức, quy hoạch trên các trục đường hướng tâm, cửa ngõ và vành đai và tại các vị trí kết nối thuận tiện với giao thông công cộng.

Với bến xe liên tỉnh Gia Lâm có quy mô 1,45 ha, Sở GTVT Hà Nội cho biết, do bến xe này nằm sâu trong Vành đai 3, nên dự kiến đến năm 2020 sẽ được chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô.

Sở GTVT Hà Nội dự kiến các tuyến của bến xe Gia Lâm sẽ được chuyển về bến xe Cổ Bi, Đông Anh, Nội Bài và bến xe phía Nam (Ngọc Hồi).

Hà Nội cũng dự kiếm chuyển mô hình hoạt động của bến xe Giáp Bát. Cụ thể, bến xe Giáp Bát có quy mô diện tích 3,65 ha, do nằm sâu trong Vành đai 3 (khu vực đông dân cư), do vậy sẽ được chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách trong nội đô.

Ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra quanh bến xe Giáp Bát

Các tuyến của bến xe Giáp Bát sẽ được điều chuyển về bến xe Cổ Bi, bến xe Đông Anh (một số tuyến của tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên đi theo QL3), bến Yên Nghĩa và bến xe phía Nam (Ngọc Hồi).

Hà Nội cũng đưa ra lộ trình đến năm 2030, thành phố sẽ xây dựng 7 bến xe mới, với tổng diện tích 73 ha. Cụ thể, bến xe Nội Bài, 10 ha ở xã Phú Cường, Sóc Sơn; bến xe Đông Anh, 5,3 ha ở xã Uy Nỗ, Đông Anh; bến xe Cổ Bi, 10 ha, ở xã Cổ Bi, Gia Lâm; bến xe Phùng, 15 ha ở thị trấn Phùng, Đan Phượng; Phía Tây, 5 ha ở Hoài Đức; bến xe Phía Nam, 11 ha ở xã Ngọc Hồi, Thanh Trì…

Tác giả: Quang Phong

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP