Giáo dục

GS Đào Trọng Thi: Học trường quốc tế thường thi trượt đại học ở Việt Nam

“Trường quốc tế có nhiều loại, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ, tránh bị ngộ nhận. Thực chất đó là trường ở Việt Nam nhưng chỉ tên gọi có gắn chữ quốc tế mà thôi”, GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội trò chuyện với PV Tiền Phong.

Móc tiền từ tâm lý sính ngoại

Từ sự việc một học sinh tử vong do bị bỏ quên trên xe buýt, nhiều người bày tỏ băn khoăn, lo ngại về hệ thống các trường dân lập gắn mác quốc tế, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Sự cố đau lòng xảy ra vừa qua là một tai nạn, một sự tắc trách không thể chối cãi được. Tôi không biết ngôi trường này cụ thể ra sao, nhưng cũng không nên chỉ dựa vào tai nạn ấy mà quy kết đủ thứ cho họ. Muốn biết trường quốc tế Gateway ra sao, phải hỏi Sở GD&ĐT Hà Nội. Sở mới biết chắc chắn ngôi trường đó được thành lập như thế nào, hoạt động theo mô hình gì, được cấp phép thế nào?

Nói chung, chữ “quốc tế” gắn vào trường học thường có hai vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, quốc tế có thể là mô hình của một ngôi trường quốc tế. Mô hình này thường phải có yếu tố quốc tế, ví dụ như đầu tư quốc tế hoặc chương trình quốc tế, do một trường quốc tế hoặc hệ thống giáo dục quốc tế nào đó cho phép sử dụng hệ thống của họ. Đó là một mô hình quốc tế đúng nghĩa. Thứ hai là tình trạng một số trường họ đưa chữ quốc tế vào trong tên gọi. Trường hợp này không phải mô hình quốc tế, mà đơn giản chỉ là tên gọi thôi.

Việc người ta gắn mác quốc tế cho ngôi trường của họ không phải chỉ để gọi cho “sang”?

Đúng là tên gọi đó có thể gây ngộ nhận cho một số người. Với người hiểu biết, họ sẽ tìm hiểu, đặc biệt tìm chỗ cho con học thì càng phải tìm hiểu rất cẩn thận để không bị nhầm lẫn. Quốc tế cũng có nhiều loại quốc tế, nên phụ huynh càng cần phải tìm hiểu kỹ. Thực chất đó là trường ở Việt Nam, theo tiêu chuẩn trường Việt Nam; chỉ tên gọi có gắn chữ quốc tế mà thôi. Tên gọi khác hoàn toàn với mô hình. Thường các trường quốc tế thực sự không gắn hai chữ quốc tế vào trường của họ.

Cũng như mô hình đại học có gắn hai chữ quốc tế, chẳng hạn Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Đây là một trường dân lập của Việt Nam chứ có quốc tế nào đâu, nhưng cái tên của họ khi đăng ký có chữ quốc tế, thế thôi. Trước đây cũng có quy định phải đưa tên loại hình trường vào tên gọi, chẳng hạn hệ thống dân lập như Trường dân lập Thăng Long, nhưng chẳng lẽ trường công lập lại phải ghi công lập thành Trường công lập Bách khoa, Trường công lập Sư phạm Hà Nội? Nên loại hình công lập, dân lập, tư thục không đưa vào tên gọi, dù là trường dân lập nhưng chỉ gọi là Trường Thăng Long, Trường Hòa Bình, Trường Đông Đô...

Gắn mác quốc tế là để đánh vào tâm lý sính ngoại của phụ huynh, qua đó “móc tiền” dễ dàng hơn, quan điểm của ông thế nào?

Đúng vậy. Người gắn mác quốc tế cho trường cũng vì muốn lợi dụng tâm lý sính ngoại của phụ huynh, nhất là một số ông “trưởng giả học làm sang”. Ông ấy có tiền, ông ấy muốn sang nên người ta đánh vào tâm lý đó. Vả lại với tâm lý sính ngoại như vậy, khi đưa hai chữ quốc tế vào sẽ làm lợi cho thương hiệu của trường, kèm theo là học phí cao.

Với những trường bình thường, nhiều khi chất lượng tốt nhưng phải qua nhiều năm mới được xã hội thừa nhận, mới tạo được lòng tin của xã hội. Nhưng khi gắn chữ quốc tế vào, nhiều người lại ngộ nhận, tin ngay. Thông thường, một số người mới giàu lên, có tiền nhưng chưa chắc đã có hiểu biết, nên dễ bị ngộ nhận.

Nhà nước không can thiệp “học phí quốc tế”

Ông có thể cho biết, Nhà nước quản lý ra sao về loại hình trường ngoài công lập, đặc biệt là về chất lượng đào tạo, tên gọi, học phí đối với những trường có gắn mác quốc tế?

Hiện tại, việc đăng ký tên trường có một số quy định. Thứ nhất, không được phạm vào những quy định cấm, không được dùng từ phạm húy. Thứ hai, tên đó không được trùng hoặc làm cho người ta ngộ nhận với một trường đã đăng ký trước đó. Chính vì không có định nghĩa chuẩn mực nào nên nhiều nơi, nhiều lĩnh vực cứ vô tư gắn chữ quốc tế vào, nào là khu vui chơi quốc tế, khách sạn quốc tế, nào là trung tâm thương mại quốc tế…

Lẽ ra, cơ quan cấp phép nếu nghe tên gọi có vẻ gây ngộ nhận cho xã hội thì phải có ý kiến. Họ đăng ký mà cứ đồng ý cho cả thì không được. Nhưng cơ quan quản lý cũng gặp những khó khăn, vì có quy định nào của pháp luật cấm việc đặt tên cụ thể thế nào đâu? Bây giờ nếu nhà quản lý không công nhận, họ có thể kiện lại vì gây khó cho họ. Nếu không công nhận thì lại phải chỉ ra quy định pháp luật nào cấm.

Còn về học phí, trường ngoài công lập được tự quyết định mức học phí. Việc họ đưa ra mức học phí thế nào, làm sao cơ quan quản lý nhà nước can thiệp được? Còn chất lượng là do xã hội đánh giá, xã hội lựa chọn và quyết định. Nhà nước chỉ can thiệp vào học phí của trường công lập thôi, vì công lập sử dụng thuế của nhân dân. Còn trường ngoài công lập phục vụ trên tinh thần tự nguyện.

Báo chí có thể bình luận trường này chất lượng như thế mà sao học phí lại cao thế. Nhưng nhà quản lý không được phép. Luật quy định học phí do trường tự quyết định, nhà nước can thiệp làm sao được? Tất nhiên, khi người ta vi phạm pháp luật, như không thực hiện đúng các điều cam kết thì nhà nước can thiệp. Tuy nhiên, Nhà nước không thể nói cái này rẻ quá, cái kia đắt quá. Chỉ có phụ huynh mới có quyền quyết định việc đó. Nếu thấy học phí trường này cao quá, tôi không học nữa và tôi sang trường kia.

Với những trường gắn mác quốc tế, đôi khi học phí không đồng nghĩa với chất lượng, thưa ông?

Đương nhiên, nhưng bây giờ vẫn còn những cách hiểu khác nhau về vấn đề chất lượng. Chất lượng của các trường ngoài công lập, nếu nhận định nó không phải chất lượng chuyên môn mà là chất lượng chăm sóc, thì tôi đồng ý. Ví dụ trường đó thu đến hàng nghìn USD mỗi tháng, sẽ chăm sóc học sinh rất kỹ, có ô tô đưa đón, có phòng học tốt, cơ sở vật chất tốt, chăm lo ăn uống tốt, nhưng giá rất cao. Đó là chất lượng phục vụ chứ chưa chắc đã là chất lượng chuyên môn.

Cũng có thể với trường mô hình quốc tế thực sự, họ áp dụng chương trình quốc tế, đương nhiên sẽ đầu tư kỹ hơn, có kinh nghiệm hơn trên cơ sở nền tảng của một nền giáo dục tiên tiến. Có thể chương trình quốc tế ấy có nhiều ưu việt hơn. Dù thế, ở Việt Nam có điều đặc biệt là học sinh học trường quốc tế, thi đại học ở Việt Nam thường không đỗ, vì nó không phù hợp. Cái lợi hơn, ưu việt hơn của hệ thống quốc tế cũng chưa chắc đã thể hiện ở kỳ thi đại học của Việt Nam.

Nhưng nếu các em học ở một trường thuộc hệ thống giáo dục quốc tế đúng nghĩa (chứ không phải trường gắn mác quốc tế), các em sẽ có điều kiện thuận lợi hơn khi đăng ký học ở một trường nước ngoài. Cũng như một học sinh học phổ thông ở Anh rồi thì sau đó học đại học ở Anh sẽ tốt hơn, thuận lợi hơn.

Ông có ý kiến gì về việc cha mẹ học sinh thường băn khoăn, thậm chí tranh cãi trước khi cho con em mình học trường tư hay trường công?

Phụ huynh ở Việt Nam nếu không sâu sắc thường chỉ theo đuổi ba thứ: Con được rèn luyện trong một môi trường giáo dục quốc tế; Con học ngoại ngữ giỏi; Được chăm sóc trong một điều kiện rất tốt. Thường những người đó hướng cho con đi học ở nước ngoài, còn ở trong nước, khả năng thi ở bậc học cao hơn trượt là nhiều, vì nó không phù hợp.

Chính vì vậy, vấn đề quan trọng là phụ huynh đặt mục tiêu nào cho con mình? Nếu chuẩn bị cho con đi du học thì học trường có yếu tố quốc tế, vì nó rất thuận trong cả hệ thống. Còn trong trường hợp con cái giỏi, gia đình cũng không khá giả lắm, thì cứ yên tâm cho con học trường công. Không chỉ học phí thấp mà quan trọng là nhà trường có thể sẽ tạo mọi điều kiện, bố trí giáo viên giỏi giúp đỡ những em có năng lực nổi trội.

Cảm ơn ông!


“Tôi quan sát thấy những trí thức thường gửi gắm con mình cho những ông thầy giỏi nhưng họ vẫn đầu tư sự quan tâm cá nhân nhiều cho con em, chứ chưa chắc đã lựa chọn trường quốc tế. Họ theo sát, quan tâm tới việc học của con, không bỏ mặc cho nhà trường, tức là không dùng tiền để thay thế sự chăm sóc con cái”.

GS Đào Trọng Thi

Tác giả: THÀNH NAM

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP