Không có ngư dân “đi bạn”, nhiều tàu cá Đà Nẵng phải nằm bờ - Ảnh: Hoàng Sơn |
Sản lượng thấp, lao động bỏ nghề...
Ông Lưu Quang Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP, cho biết hiện ngư dân Đà Nẵng đang gặp rất nhiều khó khăn. Dù công suất tàu đã được cải hoán, đóng mới để vươn khơi nhưng sản lượng khai thác chưa tăng tương xứng; khâu bảo quản sau khai thác còn yếu kém với tỷ lệ hao hụt khoảng 25%, ảnh hưởng đến hiệu quả và lợi nhuận chuyến biển. “Cạnh tranh lao động trong các nghề biển khác và các nghề trên bờ đã khiến nguồn lao động đi biển khan hiếm. Tàu có lợi nhuận cao thì lao động còn gắn bó. Khi năng suất thấp, thuyền viên không có thu nhập sẽ “nhảy tàu” khác hoặc bỏ nghề. Đây là hiện tượng rất khó khăn của ngư dân”, ông Khánh nói.
Bên cạnh đó, ngư dân Đà Nẵng vẫn chưa liên kết được chuỗi khai thác hải sản từ khai thác, sơ chế, cung cấp nhiên nguyên liệu…; việc tổ chức ngư dân hoạt động theo tổ đội chỉ dừng lại ở tìm kiếm cứu nạn trên biển chứ chưa hình thành mô hình hỗ trợ nhau mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài ra, theo quy định, tất cả tàu dài 15 m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình nhưng hiện nay TP chưa nhận được hướng dẫn nên chưa triển khai thực hiện; tàu cá dài từ 15 m trở lên trong định biên phải có 1 thợ máy nhưng Đà Nẵng vẫn chưa có lớp đào tạo chứng chỉ này...
Trước thực trạng như nêu trên, theo ông Khánh, TP đã có nhiều giải pháp hỗ trợ ngư dân khắc phục nhằm vươn khơi bám biển. Điển hình, ngày 11.7 vừa qua HĐND TP đã thông qua nghị quyết về quy định chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản trên địa bàn, giai đoạn 2019 - 2025, trong đó quy định TP sẽ hỗ trợ 40% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu ngoài mức hỗ trợ 50% theo các chính sách hỗ trợ của T.Ư. “Đà Nẵng là địa phương duy nhất cả nước hỗ trợ thêm 40% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, bà con chỉ đóng 10%”, ông Khánh nói và cho biết TP còn hỗ trợ 100% kinh phí mua thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá; hỗ trợ 50% kinh phí trang bị máy bảo quản sản phẩm…
Đáng chú ý, tại buổi đối thoại, ông Khánh “hiến kế” giải quyết việc khan hiếm lao động đi biển bằng cách chủ tàu tạo điều kiện cho thuyền viên tham gia góp vốn vào ngư lưới cụ, thân tàu để gắn trách nhiệm, giữ chân thuyền viên. Cũng theo ông Khánh, hiện nay đã có một số chủ tàu tăng tỷ lệ “ăn chia” lợi nhuận với thuyền viên. Trước đây, tỷ lệ chia chủ 6, thuyền viên 4 nhưng hiện đã có chủ tàu chia 5 - 5. “Quan trọng nhất là phải tạo thu nhập ổn định cho thuyền viên, phải mạnh dạn bỏ ra mức thu nhập tối thiểu cho họ. Chủ tàu có thể bù lỗ các chuyến biển không hiệu quả và bỏ ra mức lương mỗi tháng để thuyền viên có điều kiện sống và đi biển”, ông Khánh nói thêm.
Gỡ ách tắc, giải quyết môi trường cảng cá
Tại buổi đối thoại, ngư dân Nguyễn Vũ, chủ tàu cá ĐNa 90985, đặt câu hỏi âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (lớn nhất miền Trung) đang quá tải và cũng được biết đến là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường tại Đà Nẵng, TP đã có những giải pháp gì để khắc phục? Ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, cho biết nguyên nhân gây ô nhiễm là năng lực thu gom, xử lý nước, rác thải hiện nay bất cập do hệ thống được xây dựng từ trước năm 2010, thi công nhiều giai đoạn, không đồng bộ; ý thức chấp hành của đại đa số ngư dân, thương nhân chưa tốt nên tình trạng xả rác thải, nước thải vẫn còn phổ biến… “Âu thuyền Thọ Quang là khu liên hợp dịch vụ hậu cần nên có 3 vấn đề gây ô nhiễm, gồm: rác thải, nước thải và mùi hôi. Ba yếu tố này đều xuất phát từ các cơ sở, gồm: 20 doanh nghiệp (DN) chế biến, 10 triền đà, 5 cây xăng dầu…”, ông Phương nói. Bên cạnh đó, số lượng tàu thuyền neo đậu tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang theo quyết định của Bộ NN-PTNT là 493 chiếc, nhưng thực tế luôn quá tải từ 1,5 - 2 lần. Tình trạng này diễn ra thường xuyên, gây bức xúc cho ngư dân. Mặt khác, với thiết kế cầu cảng chữ T không đủ mặt bằng bến bãi cho việc sử dụng thiết bị cơ giới để cơ giới hóa, đẩy nhanh việc bốc dỡ…
Ông Phương cũng cho hay, năm 2018 Bộ NN-PTNT đã có quyết định đầu tư nâng cấp, cải tạo cảng cá Thọ Quang với 4 cầu tàu, kéo dài 232 m để giảm tải. Dự án có 2 nhà phân loại trên bờ nhằm giải quyết nhanh thời gian cập bến. Về ô nhiễm, TP sẽ nâng cấp đồng bộ các khu vực xử lý nước thải nội bộ các DN, đầu tư nhà máy xử lý nước thải Sơn Trà… UBND TP cũng đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tích cực tuyên truyền cho ngư dân và các DN biết về thu gom nước thải. “Chúng tôi khuyến cáo trên tàu phải có thùng rác thu gom để bỏ lên cầu cảng; nghiêm cấm dội rửa sàn tàu, ngư lưới cụ… nhưng việc vứt rác thải còn rất tùy tiện”, ông Phương cho biết và lưu ý thời gian tới sẽ xử lý “nguội” qua hệ thống camera giám sát, từ chối tiếp nhận vào cảng… những tàu vi phạm nhằm răn đe, tiến đến xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm.
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP, cho biết theo định hướng Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành thủy sản sẽ đầu tư phát triển, hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá Thọ Quang theo hướng công nghiệp, thương mại, trở thành trung tâm nghề cá của cả nước gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa, đảm bảo vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc...
Tác giả: Hoàng Sơn
Nguồn tin: Báo Thanh niên