Một bài học trong SGK Tiếng Việt 1. Ảnh: Tiền Phong |
Đánh giá nội dung kiến thức sách giáo khoa Tiếng Việt 1, nhiều giáo viên cho rằng thiết kế bài học nặng so với chương trình cũ.
Nếu như trước đây, mỗi bài, các em học 2 âm, vần; nhưng trong sách giáo khoa mới, bài học được thiết kế dài với nhiều nội dung hơn trong một tiết. Chương trình mới cũng tăng thời lượng môn Tiếng Việt trên lớp (tăng 70 tiết) so với năm trước.
Trao đổi với VTC News, cô Nguyễn Thu Lan, giáo viên lớp 1 tại một trường tiểu học quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, cô cảm thấy áp lực với khối lượng kiến thức trong môn Tiếng Việt 1 mà cô cho là được thiết kế quá nặng.
Cô Lan đánh giá, Tiếng Việt 1 có tốc độ dạy học chữ rất nhanh. Một bài học sẽ gồm nhận biết mặt chữ cái, ráp âm, vần, học thuộc chữ, viết chữ và đọc câu văn cuối bài... Nhiều kiến thức được tích hợp trong cùng một bài giảng khiến cả giáo viên và học sinh cảm thấy khó khăn.
“Để tiếp thu kiến thức tốt, giáo viên đề nghị phụ huynh hỗ trợ hay học cùng con nên nhiều phụ huynh thấy nặng nề, thậm chí nói sốc”, Tiền Phong dẫn lời cô Lê Thị Thu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Liên quan đến phản ánh của giáo viên cho rằng chương trình Tiếng Việt lớp 1 quá nặng, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng, một số người đang nhầm lẫn giữa “chương trình” và “sách giáo khoa”.
Để học sinh biết đọc, biết viết, bất cứ chương trình nào cũng yêu cầu dạy đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần. Việc chương trình mới tăng 70 tiết so với năm trước là để giảm tải, chứ không phải để tăng tải vì sẽ giúp giáo viên, học sinh dạy- học thong thả hơn.
Trả lời về việc chương trình chưa thật sự giảm tải, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng vụ Giáo dục tiểu học - bộ GD&ĐT lý giải, chương trình lớp 1 SGK mới giảm tải trên tổng thể toàn bộ chương trình năm học.
Chương trình đặt mục tiêu học sinh học xong lớp 1 phải đọc thông, viết thạo để làm công cụ học các môn khác, do đó thiết kế thời lượng tăng từ 350 tiết lên 420 tiết/năm.
Ngoài ra, môn Giáo dục thể chất cũng tăng thời lượng để học sinh rèn luyện, tăng kỹ năng phục vụ, chăm sóc bản thân.
Tác giả: Bạch Hiền (t/h)
Nguồn tin: doisongphapluat.com