Cô giáo Hà Mai Ngọc, trường Mầm non Eureka (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, những ngày đầu đón trẻ trở lại lớp các giáo viên phải vất vả gấp đôi, gấp ba lần bình thường.
Với lớp mẫu giáo lớn (4-5 tuổi) dù nghỉ học nhiều tháng nhưng các bé vẫn có ý thức thực hiện các thói quen như xúc ăn, đi vệ sinh, ngủ… Nhưng với trẻ từ 3 tuổi trở xuống, các thói quen được dạy trên lớp gần như biến mất. Các con trở lại trường như ngày đầu tiên đi học, mọi thứ đều bắt đầu lại, từ việc nhớ tên, làm quen lại với cô giáo, bạn bè trong lớp, khu vực đồ chơi.
“Có trẻ quên lớp, quên mặt cô giáo, thấy lạ lẫm liền òa khóc, quay sang ôm bố mẹ nhất định không theo cô vào lớp. Có bé còn đòi cô bế suốt buổi học, không chịu chơi với các bạn”, nữ giáo viên tâm sự.
Bận rộn hơn cả vẫn là giờ ăn trưa, các bé có thói quen chạy nhảy, nghịch ngợm như ở nhà, mà không chịu ngồi vào bàn. Vì vậy các cô vừa dỗ dành vừa “rượt đuổi” cho bé ăn.
Vất vả hơn, nhưng với cô Ngọc chỉ cần thấy các con trở lại lớp, nghe thấy tiếng cười nói rộn ràng, vâng ạ, tiếng thưa cô là mọi mệt mỏi đều tan biến.
Học sinh chơi đùa trong giờ nghỉ giải lao. (Ảnh minh họa) |
Cô Ngọc cho biết để trẻ bắt kịp chương trình sau thời gian dài nghỉ học vì COVID-19, với lớp mẫu giáo bé các cô sẽ tổng hợp lại kiến thức cho các con để nhanh chóng trở lại nhịp học bình thường. Ở lớp lớn, chương trình học sẽ được đẩy nhanh hơn để các con có đầy đủ hành trang kiến thức trước khi bước vào lớp 1.
Cô Nguyễn Mai Chi, trường Mầm non Ánh Dương (Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự, những buổi học đầu tiên sau đợt nghỉ dịch COVID-19, lớp học luôn rộn vang tiếng cười nói, nô đùa của các bé.
Tuy nhiên do thời gian nghỉ quá dài, mọi thói quen ở trường của các bé đều biến mất từ việc xếp đồ chơi ngăn nắp, tự xúc cơm ăn, tự ngủ trưa, đi vệ sinh… Vì vậy các cô rất vất vả vừa trông nom, vừa dạy học trong những ngày này.
Cũng như giáo viên khác, cô Chi đã lường trước được việc này và lên kế hoạch xây dựng lại kỹ năng cho các bé như bắt đầu năm học mới.
“Rèn kỹ năng cho các bé không mất nhiều thời gian, nhưng giáo viên luôn phải ân cần, nhẹ nhàng dỗ dành. Chỉ cần cô nghiêm khắc nói hơi to chút là trẻ bị tâm lý sợ tới trường, sợ đi học”, cô Chi chia sẻ kinh nghiệm.
Sau hai ngày đón trẻ trở lại lớp, nữ giáo viên Hoàng Lan Phương, trường mầm non Hoa Sen (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, trở lại lớp hầu hết trẻ đều quấy khóc, nhõng nhẽo không chịu rời bố mẹ.
Có bé khóc từ nhà cho đến khi bố mẹ đưa tới lớp vẫn không ngưng và nhất quyết không chịu cho cô ẵm bồng.
“Đây là tâm lý bình thường, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Thời gian nghỉ dịch ở nhà lâu, được gần gũi với bố mẹ, người thân nên đến lớp với người lạ bé chắc chắn sẽ thấy sợ sệt và lạ lẫm”, cô giáo nói.
Lời khuyên của chuyên gia tâm lý
Theo PGS.TS tâm lý Trần Thu Hương do học sinh được nghỉ học quá lâu nên đa số đều có thói quen ngủ muộn, dậy muộn… giờ giấc sinh hoạt lộn xộn, không khoa học. Nhất là với học sinh ở lứa tuổi mầm non, sau kỳ nghỉ dài, các con sẽ quên trường, quên lớp, sợ phải đi học.
Để các con không bị tâm lý sợ khi đi học lại, phụ huynh không nên đưa giáo viên ra hù dọa. Thay vào đó, bố mẹ nên điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt; thường xuyên kể lại cho con những chuyện vui ở lớp như: con đi học được gặp lại bạn nọ, bạn kia được chơi đồ chơi cùng các bạn, nếu con không đi học thì sẽ không có ai chơi cùng, bố mẹ phải đi làm không thể để con ở nhà một mình được... nhằm tạo cho trẻ sự hào hứng cũng như nhận thức được việc đi học là cần thiết.
Trường học và các cô giáo trong những ngày đầu trở lại trường chúng ta không nên quá đặt áp lực về mặt học tập cho các em, nên tạo dựng lại các thói quen, kỹ năng tập dần cho các con bắt nhịp được với thời gian biểu. Sau khi các con quen thì mới bắt đầu tăng tốc học sẽ không gây cảm xúc mệt mỏi, chán nản.
Giáo viên nên dành một chút thời gian để cô trò kể chuyện về những ngày vui đã qua, kết hợp với việc ôn lại các bài học thông qua các trò chơi để buổi học sau kỳ nghỉ dài được diễn ra trong không khí vui nhộn.
Tác giả: HÀ CƯỜNG
Nguồn tin: Báo VTC News