Là giáo viên dạy Văn của một trường THCS ở quận Gò Vấp (TP HCM), cô Hương chia sẻ cảm thấy chạnh lòng và buồn khi đọc lá thư của du học sinh Lê Uyên Phương. Tuy nhiên, lá thư dí dỏm đã phản ánh khá đầy đủ khiếm khuyết của việc dạy học Văn bậc phổ thông.
Mục đích của môn Văn là hướng học sinh đến cái đẹp, suy nghĩ nhân văn thông qua việc cảm thụ các tác phẩm văn học. Sự cảm thụ này phụ thuộc vào suy nghĩ, cá tính từng em. Mỗi em sẽ có suy nghĩ và trình bày quan điểm riêng khi nhìn nhận cùng một vấn đề, tác phẩm. Tuy nhiên, nhiều giáo viên chưa coi trọng sự khác biệt ấy, vẫn khuôn ép học sinh.
Lý do khuôn ép là dù học bằng cách nào, học sinh vẫn tham gia các kỳ thi với đáp án, thang điểm chung. Ở đó, sự khác biệt trong quan điểm, trình bày chưa chắc đã được coi trọng. Thực tế, nhiều em chỉ thích văn xuôi mà không thích thơ, hoặc chỉ thích văn học nước ngoài mà không thích văn học Việt Nam...
Một tiết học văn ở nhà thờ Đức Bà của học sinh trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TP HCM). Ảnh: Mạnh Tùng |
Do đó, nếu chỉ chấm bài làm của học sinh dựa vào đáp án chung với yêu cầu cảm thụ hay, sâu sắc mà bỏ quên yếu tố sáng tạo, sự đột phá trong trình bày quan điểm sẽ bất lợi cho học trò. Lâu dần, môn Văn trở nên xơ cứng và thành nỗi sợ hãi của học sinh. Từ đó hình thành lối nghĩ của học sinh với môn học này là chỉ quanh quẩn đọc chép, học thuộc, làm bài đủ ý, chép cho đủ trang giấy.
Cũng theo cô Hương, dù có nhiều đổi mới trong chương trình dạy văn học và làm văn, nhưng bài học, đề thi vẫn loay hoay với các vấn đề cũ, mang tính giáo điều, không có tính thời sự, phù hợp với thị hiếu và xu thế ngày nay. Trong khi đó, lẽ ra môn Văn phải dạy học sinh tư duy lập luận bằng ngôn ngữ, trình bày, phản biện trước một hiện tượng xã hội gắn liền với đời sống các em.
"Nhiều khi giáo viên muốn đổi mới cách dạy, cách kiểm tra, dò bài nhưng vì áp lực chạy theo chương trình và chỉ tiêu được giao mà vẫn phải theo lối mòn. Tôi nghĩ cần sự thay đổi đồng bộ từ trên xuống tận giáo viên mới thay đổi được cách dạy và học Văn, sao cho hiệu quả hơn", nữ giáo viên nói.
Văn mẫu khiến trẻ thụ động
Một thầy giáo tiểu học quận 2 (TP HCM) kể câu chuyện khó xử của mình khi dạy con trai học lớp 3 làm bài văn miêu tả con mèo. Thầy nói: "Đúng như nữ du học sinh kể, cứ tả con mèo là học sinh sẽ nói đôi mắt mèo giống hòn bi ve".
Không đồng ý cho con dùng "văn mẫu", thầy giáo yêu cầu bé quan sát kỹ con mèo và đồ dùng trong nhà, sau đó miêu tả, so sánh bằng chính cảm nhận của mình. Bài văn được thầy giáo khá ưng ý, khi con miêu tả "bộ lông con mèo giống như tấm thảm lau chân, rất mềm, có một đám màu lông màu nâu, ở chót đầu có một nắm lông hình tròn màu đen". Đôi mắt con mèo được miêu tả như "cục thủy tinh trên bàn làm việc của ba, ở giữa màu xanh lè".
Dạy văn ở bậc tiểu học phải được quan tâm bởi lúc này các em học từ, đặt câu, viết đoạn văn ngắn. Ảnh: Mạnh Tùng |
Bài văn này được cô giáo chấm điểm trung bình vì cho rằng miêu tả ngô nghê. Thầy giáo thì lắc đầu, cười: "Thôi kệ, ngô nghê cũng được, miễn là suy nghĩ của nó". Trên lớp, thầy cũng tôn trọng tất cả sự "ngô nghê" đó của học trò, khuyến khích các em tự suy nghĩ trong giờ tập làm văn và nhất định không được dùng sách văn mẫu.
Giáo viên này cho rằng, sự khuôn mẫu trong chương trình không nguy hiểm bằng sự khuôn mẫu trong suy nghĩ và cách dạy của người thầy. Nhất là bậc tiểu học, khi các em đang học từ ngữ, cách đặt câu, cách viết một đoạn văn ngắn.
"Sự khuôn mẫu này giống như ta ra một quy chuẩn con mèo, con gà, con bò phải có hình dạng thế này, không được thế khác. Đã là con mèo phải là mèo mướp, trông rất xinh, không được là con mèo tây, mập ú, mặt lúc nào cũng giận dữ", thầy giáo nói và cho rằng sách văn mẫu được nhiều học sinh dùng cũng bởi giáo viên cứng nhắc.
Hệ lụy của văn mẫu ở bậc tiểu học, theo thầy giáo này là các em thiếu khả năng quan sát, tưởng tượng, so sánh, đánh mất đi suy nghĩ trẻ thơ mà hơn hết là tập cho trẻ thói quen gian dối, trọng hình thức.
Văn thiếu hơi thở cuộc sống
Từng tổ chức một tiết học Văn công phu, trở thành cuộc đoàn tụ xúc động, lấy nước mắt của hàng trăm người chứng kiến, thầy Hoàng Long Trọng (giáo viên Văn trường THCS Văn Lang, quận 1, TP HCM) cho rằng, học sinh sẽ không chán môn này nếu thầy cô mang đậm hơi thở cuộc sống đến từng bài giảng.
Theo thầy Trọng, mỗi giáo viên phải thể hiện vai trò sáng tạo, mạnh dạn đổi mới cách dạy của chính mình, mang đến những tiết học thú vị cho học sinh. "Tôi nghĩ cần khuyến khích các mô hình giảng dạy tích hợp, liên môn trong môn Văn hoặc dạy học theo chủ đề, theo dự án", thầy giáo nói và cho biết, qua nhiều dự án ở trường, học sinh rất thích thú với môn học này.
Cuộc đoàn tụ xúc động giữa tiết học Văn ở trường THCS Văn Lang (quận 1, TP HCM). Ảnh: Nam Hoài |
Thầy Trọng quan niệm chỉ cần học trò có niềm yêu thích môn học, các em sẽ tự biết tìm tòi thêm kiến thức, thích viết để thể hiện quan điểm, suy nghĩ của mình hơn và do đó hiệu quả dạy học sẽ tốt hơn.
Cách chấm điểm, đánh giá môn Văn cũng cần được thay đổi theo hướng mở, tôn trọng sự sáng tạo của học sinh. "Đừng nên ép bài làm vào các đáp án là những gạch đầu dòng khô cứng mà hãy xét đến tính thuyết phục, khả năng phản biện, sáng tạo, cảm thụ của học sinh ra sao", thầy Trọng bày tỏ.
Sau bốn năm du học ở Hà Lan, Lê Uyên Phương (cựu học sinh Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TP HCM) nhận thấy nhiều khiếm khuyết của việc dạy và học môn Văn trong trường phổ thông ở Việt Nam. Sang nước bạn, cô nhận thấy khả năng diễn đạt, thuyết trình của mình kém xa bạn bè quốc tế. Phương đặt câu hỏi "Tại sao mình đã học viết văn nghị luận bao năm mà bây giờ vẫn kém?". Cô chia sẻ trên trang cá nhân một bức thư dí dỏm với tiêu đề "ly dị" môn Văn. |
Tác giả: Mạnh Tùng
Nguồn tin: Báo VnExpress