Bằng mặt không bằng lòng
Nhiều giáo viên công tác trên địa bàn xã Ia Tô (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), cho biết, Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ: Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động kể cả người tập sự, thử việc trong các cơ quan, tổ chức, đang công tác và đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chế độ chính sách.
Theo đó, một bộ phận giáo viên đang công tác tại xã Ia Tô nằm trong diện được hưởng chế độ phụ cấp thu hút. Thời gian hưởng phụ cấp thu hút là thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và không quá 5 năm (kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành).
Nghị định 116/2010/NĐ-CP |
Tháng 3/2011, Nghị định 116 chính thức có hiệu lực, nhiều giáo viên được chi trả tiền chế độ theo quy định. Đến năm 2012, giáo viên vui mừng khi phòng GD&ĐT huyện Ia Grai tiến hành chi trả tiền chế độ cho các cán bộ trong diện được hưởng. Nhưng năm 2014, Phòng ra thông báo có nhầm lẫn trong việc chi trả đối với những giáo viên dạy môn đặc thù như: Âm nhạc, Thể dục.
Trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin, chị N.T.M., giáo viên công tác tại xã Ia Tô ấm ức nói: “Truy thu tiền của giáo viên như vậy là không đúng. Bởi năm 2012, Phòng tiến hành chi trả tiền chế độ theo Nghị định 116, giáo viên được nhận tiền hoàn toàn chính đáng. Năm 2014, phòng GD&ĐT thông báo chi trả sai đối tượng và đề nghị truy thu là vô lý.
Nếu văn bản hướng dẫn năm 2014 ban hành trước năm 2012, tức là thời điểm trước khi chi trả tiền, đội ngũ giáo viên không phản ứng gì. Đằng này, tiền chi ra cho giáo viên đã xong, 2 năm sau mới ra văn bản hướng dẫn. Lãnh đạo làm sai phải chịu trách nhiệm. Đằng này, họ họp xin rút kinh nghiệm rồi “đè cổ” giáo viên ra truy thu”.
Chị M. thắc mắc: “Những giáo viên đang công tác tất nhiên bị ràng buộc, bị áp lực, dù không bằng lòng cũng phải bằng mặt. Nhưng thử hỏi, với giáo viên đã về hưu không đồng ý nộp trả, làm thế nào để truy thu?
Điều bất cập là, nếu việc truy thu đúng tại sao không trừ trực tiếp từ tiền lương hàng tháng của giáo viên? Đằng này, họ bắt giáo viên rút tiền từ tài khoản ATM rồi đóng trả ngược trở lại. Phải chăng, họ làm thế để phòng trường hợp, giáo viên làm đơn khởi kiện sẽ biện minh do tự nguyện hoàn trả?”.
Truy thu đúng chủ trương?
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Thuấn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ia Grai thông tin, năm 2014, đoàn Thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra theo Quyết định 284 của UBND tỉnh Gia Lai về đối tượng thuộc các làng đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116.
Công văn 1370/UBND-NC |
Ông Thuấn nói: “Sau khi có văn bản hướng dẫn, ngành triển khai cho các đơn vị rà soát lại toàn bộ. Ngoài các xã đặc biệt khó khăn còn có những làng, thôn đặc biệt khó khăn tại các xã. Cơ bản giải quyết đúng, tuy nhiên một số trường hợp - chủ yếu rơi vào giáo viên bộ môn có số tiết dạy học chưa đảm bảo đủ 50%, Phòng tính toán giao cho trường tự lập phương án thu hồi lại số tiền".
“Trong đó, có đối tượng làm quản lý, giáo viên hoặc đã nghỉ hưu thuộc diện truy thu. Quá trình làm việc, đoàn Thanh tra liên ngành kiến nghị, không riêng huyện Ia Grai mà một số huyện khác, trường hợp không liên hệ được hoặc khó có khả năng đề nghị không thu hồi. Tuy nhiên, ban Thường vụ Tỉnh ủy không đồng tình kiến nghị này và quyết định phải thu hồi bằng được những trường hợp nêu trên", ông Thuấn cho biết thêm.
Ngoài ra, ông Thuấn cũng thông tin, năm 2012, Phòng tiến hành chi trả tiền chế độ chính sách cho giáo viên theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP.
“Thời điểm đó chưa có văn bản hướng dẫn đối tượng cụ thể được hưởng nên Phòng không bàn đến chuyện ai được ai không, cứ làm theo Nghị định. Khi có văn bản hướng dẫn, Phòng tiến hành rà soát, chiếu theo quy định thì thấy một số giáo viên bộ môn không đáp ứng được 50% thời gian làm việc tại khu vực đặc biệt khó khăn. Từ đó, Phòng chỉ đạo các trường tiến hành truy thu là đúng chủ trương của tỉnh”, ông Thuấn cho biết thêm.
Khấu trừ không được quá 30% Theo ông Nguyễn Quang Thuấn, toàn địa bàn huyện chi sai trên 45 giáo viên thuộc 8 đơn vị tại các điểm trường khác nhau. Theo thống kê của Phòng, người bị truy thu nhiều nhất là 110 triệu đồng và ít nhất là hơn 3 triệu đồng. Kết luận của UBND tỉnh Gia Lai, các địa phương khẩn trương khắc phục thu hồi số tiền đã chi sai chế độ. UBND tỉnh đồng ý với phương án thu hồi nhưng tỉ lệ khấu trừ tiền lương đối với cán bộ quản lý, giáo viên hàng tháng không được quá 30% tiền lương hàng tháng của người lao động. |
Tác giả: Hồ Nam
Nguồn tin: Báo Người đưa tin