Giáo dục

Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến 12

Nhằm đảm bảo học sinh có cuộc sống khỏe mạnh về thể lực và tinh thần, Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc, học suốt thời phổ thông.

Theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12, đảm nhiệm một trong bốn mặt giáo dục Đức, Trí, Thể, Mỹ.

Dự thảo chương trình Giáo dục thể chất xác định, môn học góp phần hình thành các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh. Thông qua việc trang bị kiến thức về sức khoẻ, quản lý sức khỏe và rèn luyện, học sinh biết thích ứng với các điều kiện sống, lạc quan và chia sẻ với mọi người; có cuộc sống khoẻ mạnh về thể lực và tinh thần.

Giáo dục thể chất chia làm hai giai đoạn. Trong giai đoạn cơ bản (tiểu học và THCS), môn học giúp học sinh biết cách chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể; thông qua các trò chơi vận động và tập luyện thể dục, thể thao hình thành các kỹ năng vận động cơ bản, phát triển các tố chất thể lực và phương pháp phòng tránh chấn thương, làm cơ sở để phát triển toàn diện.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT), Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc có phân hoá, thông qua hình thức tự chọn môn thể thao nhằm giúp học sinh tiếp tục phát triển kỹ năng chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể, phát triển về nhận thức, năng khiếu thể thao, giúp học sinh có năng khiếu thể thao tự chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp. Học sinh được chọn nội dung hoạt động thể thao phù hợp với nguyện vọng và khả năng đáp ứng của nhà trường.

Kết quả học tập môn Giáo dục thể chất của học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 được ghi nhận bằng loại như: Xuất sắc: A+; Giỏi: A; Khá: B; Trung bình: C; Yếu: D. Học sinh từ lớp 10 đến 12 được đánh giá theo thang điểm 10.

Cần đầu tư nhà tập, sân tập các môn thể thao

Đặc thù của môn học là cần dụng cụ để tập luyện các môn như bóng rổ, bóng chuyền, bóng ném, bóng đá, bóng bàn, cầu lông, đá cầu, võ, điền kinh...) kèm theo là nhà tập hoặc sân tập cho các môn thể thao... Vì vậy, Ban soạn thảo chương trình cho rằng phải có những thiết bị tối thiểu để phục vụ cho công tác giảng dạy và tập luyện là hết sức cần thiết đối với các địa phương.

Đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất cần được tăng cường để phục vụ cho công tác giảng dạy tại các nhà trường. Đặc biệt ở cấp tiểu học, do số tiết ở lớp 1 hiện hành là 35 tiết/năm, chương trình mới tăng lên thành 70 tiết/năm.

Dự thảo chương trình Giáo dục thể chất sắp được công bố cùng với các môn học khác để lấy kiến rộng rãi dư luận trước khi ban hành. Theo nghị quyết của Quốc hội, chậm nhất từ năm học 2020-2021 chương trình sách giáo khoa mới được áp dụng đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp THCS và từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT.

Tác giả: Xuân Hoa

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP