Giáo dục

Chương trình Địa lý, Lịch sử mới: Yêu cầu cao về dạy học tích hợp

Môn Lịch sử và Địa Lý ở tiểu học và THCS trong chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra nhiều yêu cầu đối với giáo viên và học sinh đặc biệt là về việc dạy học tích hợp. Đây là môn học bắt buộc có sự thay đổi đáng kể trong cách dạy và học.

Bậc Tiểu học:

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới Lịch sử và Địa lý ở tiểu học là môn học bắt buộc, được dạy học ở lớp 4 và lớp 5. Môn học được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển từ môn Tự nhiên và xã hội các lớp 1, 2, 3 và là cơ sở để học môn Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở.

Do vậy, cấu trúc nội dung chương trình môn Lịch sử và Địa lý có đổi mới khá căn bản, chuyển từ diện sang điểm.

Môn lịch sử chỉ lựa chọn những sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu của vùng miền, của quốc gia, khu vực, của một số giai đoạn lịch sử, không tuân thủ nghiêm ngặt tính lịch đại.

Môn lịch sử ở tiểu học sẽ chú trọng lối kể chuyện, dẫn chuyện lịch sử

Môn địa lý, mỗi vùng miền, quốc gia, khu vực chỉ lựa chọn một số kiến thức địa lý tiêu biểu, đặc trưng cho từng vùng. Việc lựa chọn kiến thức ở các vùng miền, quốc gia, khu vực ngoài dựa trên nét đặc trưng về tự nhiên còn dựa trên vai trò lịch sử của vùng đất đó.

Dạy lịch sử theo hướng kể chuyện, dạy địa lý khai thác tri thức tài liệu

Việc thiết kế chương trình theo phạm vi mở rộng dần về không gian địa lý và không gian xã hội, môn Lịch sử và Địa lý góp phần hình thành các phẩm chất tốt đẹp (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm).

Môn học cũng đặt ra các năng lực chung (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo) và các năng lực chuyên môn của lịch sử và địa lý (năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội) ; năng lực quan sát, tìm tòi, khám phá môi trường tự nhiên và môi trường xã hội; năng lực vận dụng các kiến thức lịch sử và địa lý vào thực tiễn) để học tập các môn học khác cũng như để học tập suốt đời.

Mạch nội dung chương trình môn học không tách thành hai phân môn Lịch sử và Địa lý. Các kiến thức lịch sử và địa lý được tích hợp trong các chủ đề về địa phương, vùng miền, đất nước và thế giới theo sự mở rộng về không gian địa lý và xã hội (bắt đầu từ địa phương, vùng miền, đến đất nước và thế giới).

Chương trình cũng kết nối với kiến thức, kỹ năng của các môn học và hoạt động giáo dục khác như: Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm,... giúp học sinh vận dụng tích hợp kiến thức, kỹ năng của nhiều môn học để giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống phù hợp với lứa tuổi.

Việc đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử và Địa lý theo hướng tiếp cận năng lực là trọng tâm của Chương trình. Cấp tiểu học theo hướng phát triển năng lực chú trọng tổ chức các hoạt động dạy học để giúp học sinh tự tìm hiểu, tự khám phá, không thụ động tiếp thu những tri thức được sắp đặt sẵn.

Chú trọng rèn luyện cho học sinh biết cách sử dụng sách giáo khoa và các tài liệu học tập, biết cách suy luận để tìm tòi và phát hiện kiến thức mới. Tăng cường phối hợp tự học với học tập, thảo luận theo nhóm, đóng vai, dự án; đa dạng hoá các hình thức tổ chức học tập, coi trọng việc dạy học trên lớp và các hoạt động xã hội.

Chương trình khuyến khích học sinh được trải nghiệm, sáng tạo trên cơ sở giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn cho học sinh tìm kiếm và thu thập thông tin, gợi mở giải quyết vấn đề, tạo cho học sinh có điều kiện thực hành, tiếp xúc với thực tiễn, học cách phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo; Chú trọng việc đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, lựa chọn và phối hợp có hiệu quả giữa các hình thức tổ chức và phương pháp dạy học lịch sử và địa lý.

Theo đó đối với môn Lịch sử, hình thức dạy học chú trọng lối kể chuyện, dẫn chuyện lịch sử, giáo viên giúp cho học sinh làm quen với lịch sử địa phương, lịch sử dân tộc, lịch sử khu vực và thế giới qua các câu chuyện lịch sử; tạo cơ sở để học sinh bước đầu nhận thức về khái niệm thời gian, không gian, đọc hiểu các nguồn sử liệu đơn giản về sự kiện, nhân vật lịch sử.

Đối với Địa lý, dạy học gắn liền với việc khai thác tri thức từ các nguồn tư liệu lược đồ/biểu đồ, biểu đồ, sơ đồ, hình ảnh, số liệu; chú trọng dạy học khám phá, quan sát thực địa; tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh thông qua thảo luận, đóng vai, dự án,… nhằm khơi dậy và nuôi dưỡng trí tò mò, sự ham hiểu biết khám phá của học sinh đối với thiên nhiên và đời sống xã hội, từ đó hình thành năng lực tự học và khả năng vận dụng tri thức địa lý vào thực tiễn.

Việc đánh giá kết quả giáo dục của môn học này ở Tiểu học theo hướng phát triển năng lực, việc đánh giá kết quả học tập được chuyển đổi theo hướng chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống ứng dụng.

Công việc đánh giá chủ yếu là kiểm tra xem học sinh đã làm phong phú, nâng cao đời sống của bản thân mình và những người xung quanh bằng các tri thức lịch sử và địa lý như thế nào.

Giáo viên sẽ quan sát thái độ, hoạt động của học sinh, quan sát cách thức hành động tương ứng với môi trường tự nhiên và xã hội của học sinh là rất quan trọng. Trong quá trình tiến hành học tập các chủ đề, giáo viên nên có sổ để ghi chép sự biến đổi có thể nhận ra được về hiểu biết, thái độ, năng lực, nhận thức của từng học sinh.

Những câu hỏi được đặt ra nhằm để học sinh suy nghĩ về sự kiện cụ thể của đời sống hằng ngày là một trong những phương pháp rất hữu ích cho việc đánh giá khả năng phát triển năng lực chuyên môn lịch sử và địa lý học sinh.

Chương trình mới cũng nhấn mạnh, việc đánh giá kết quả giáo dục đối với môn Lịch sử và Địa lý cần phối hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, giữa đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của học sinh, giữa đánh giá của nhà trường và đánh giá của gia đình, cộng đồng; có công cụ đánh giá thích hợp nhằm đánh giá toàn diện, công bằng, đúng thực chất.

Ở bậc THCS

Ở cấp THCS, môn Lịch sử và Địa lý là môn học bắt buộc giúp học sinh hình thành và phát triển những năng lực chung và năng lực chuyên môn Lịch sử và Địa lý trên cơ sở nền tảng kiến thức cơ bản, có chọn lọc về thế giới, quốc gia và địa phương, về các quá trình tự nhiên, kinh tế – xã hội và văn hoá diễn ra trong không gian và thời gian, về sự tương tác giữa xã hội loài người và môi trường thiên nhiên.

Môn học cung cấp công cụ của các khoa học lịch sử và địa lý để học sinh biết cách thu thập, tổ chức và phân tích, tổng hợp các dữ kiện, từ đó hình thành ở học sinh năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, cụ thể là năng lực diễn giải lịch sử và giải thích địa lý dựa trên chứng cứ; năng lực phân tích các quan hệ nhân quả, quan hệ qua lại giữa các đối tượng trong bối cảnh địa lý – lịch sử cụ thể.

Môn Lịch sử và Địa lý góp phần quan trọng vào việc hình thành nhân cách công dân Việt Nam, công dân toàn cầu, sẵn sàng góp sức mình vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vì vậy, chương trình môn Lịch sử và Địa lý tuân thủ quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực và kế hoạch giáo dục được xác định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó nhấn mạnh các phẩm chất yêu nước, nhân ái, trách nhiệm.

Do đặc điểm môn học, chương trình môn Lịch sử và Địa lý cấp THCS góp phần phát triển các năng lực chung: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; và năng lực chuyên môn tìm hiểu tự nhiên và xã hội.

Đối với Lịch sử, đó là năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội thể hiện ở các năng lực thành phần như nhận diện và hiểu tư liệu lịch sử, tái hiện và trình bày lịch sử, giải thích lịch sử, đánh giá lịch sử, vận dụng bài học lịch sử vào thực tiễn.

Đối với Địa lý, đó là các năng lực nhận thức thế giới theo quan điểm không gian, giải thích các hiện tượng và quá trình địa lý (tự nhiên, kinh tế – xã hội), sử dụng các công cụ của địa lý học và khảo sát thực địa, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn.

Chương trình môn Lịch sử và Địa lý nhấn mạnh việc hướng tới phát triển năng lực tư duy, nhìn nhận thế giới như một chỉnh thể theo cả chiều không gian và chiều thời gian trên cơ sở sử dụng những kiến thức cốt lõi, các công cụ học tập và nghiên cứu Lịch sử và Địa lý; thông qua đó, có năng lực vận dụng các kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn và từng bước sáng tạo.

Môn lịch sử và địa lý ở THCS đòi hỏi tính tích hợp cao

Trong Chương trình môn Lịch sử và Địa lý ở THCS, các mạch kiến thức của Lịch sử và Địa lý được tích hợp ở mức độ đơn giản, sắp xếp gần nhau nhằm soi sáng và hỗ trợ lẫn nhau.

Yêu cầu tích hợp cao

Chương trình Lịch sử và Địa lý THCS sẽ thể hiện ba mức độ tích hợp nội dung là: tích hợp nội môn (trong từng nội dung giáo dục Lịch sử và giáo dục Địa lý); Tích hợp nội dung Lịch sử trong những phần phù hợp của bài Địa lý và tích hợp nội dung Địa lý trong những phần phù hợp của bài Lịch sử, nhằm tạo ra sự đối chiếu, tương tác tốt nhất giữa các kiến thức của hai phân môn; Tích hợp tạo thành chủ đề chung.

Khác với chương trình hiện tại, nội dung Lịch sử trong chương trình mới ở bậc THCS sẽ lấy trục lịch đại (thời gian 0) làm trục xuyên suốt, vì thế, ở mỗi giai đoạn lịch sử đều cố gắng thiết kế nội môn theo mô hình: thế giới – khu vực – Việt Nam – lịch sử địa phương, trong đó lấy lịch sử Việt Nam làm trọng tâm, chiếm 60% thời lượng của chương trình.

Đây là điểm mới trong cấu trúc, trong tích hợp của phân môn lịch sử.

Do đặc thù của khoa học Địa lý, tích hợp trong chương trình là tích hợp đa tầng và đa chiều, không đơn giản là tích hợp “song phương” giữa Địa lý và một môn học nhất định. Tích hợp nội môn và liên môn trong dạy học Địa lý là rất lớn, còn việc vận dụng sẽ phát triển từ mức độ thấp đến mức độ cao. Trong mọi trường hợp đều có khả năng thực hiện tích hợp nội môn, và điều này làm tăng chất lượng dạy học Địa lý, tăng hứng thú cho học sinh khi học Địa lý.

Việc tích hợp lịch sử – địa lý trong nội dung cụ thể của chương: Sự bổ sung lẫn nhau giữa tư duy lịch sử và tư duy địa lý khi học Lịch sử đòi hỏi học sinh biết đặt các sự kiện lịch sử trong các bối cảnh địa lý, biết đánh giá tác động của các nhân tố địa lý đối với tiến trình lịch sử.

Đối với sự hình thành các xã hội cổ đại, các vương quốc cổ, đó là các điều kiện cổ địa lý của chính thời đại đó. Việc sử dụng thường xuyên các bản đồ lịch sử, địa lý trong dạy học sẽ nâng cao chất lượng dạy học Lịch sử. Sự bổ sung lẫn nhau giữa tư duy lịch sử và tư duy địa lý đòi hỏi học sinh khi học Địa lý biết phân tích tầm cỡ ảnh hưởng của các sự kiện lịch sử đối với các quá trình địa lý, phân tích các đối tượng địa lý trong sự vận động và phát triển, biết đặt các phân tích địa lý trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Khi xem xét một hiện tượng địa lý có quá trình hình thành, phát triển, biến đổi, suy thoái, thực ra là đã thấm nhuần quan điểm lịch sử. Ngay ở cuối chương trình lớp 6, khi học về loài người trên Trái Đất, học sinh đã có thể sử dụng kiến thức lịch sử về xã hội cổ đại, đặc biệt là có thêm dẫn chứng về loài người là lực lượng hùng mạnh làm thay đổi thiên nhiên Trái Đất.

Chương trình có một số chủ đề tích hợp giữa lịch sử và địa lý với thời lượng phù hợp ở các lớp. Chương trình, nhất là sách giáo khoa sau này sẽ sử dụng kiến thức liên môn một cách rộng hơn trong các chương bài của Lịch sử, Địa lý, có sự kết nối với ngày nay.

Đánh giá chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống ứng dụng

Trong chương trình mới, cấu trúc chương trình môn học được xây dựng theo logic nội dung giáo dục Lịch sử được thiết kế theo tuyến tính thời gian từ thời nguyên thuỷ đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại, trong từng thời kỳ có sự đan xen lịch sử thế giới, khu vực và Việt Nam.

Trong nội dung giáo dục Địa lý, mạch nội dung đi từ địa lý đại cương đến địa lý khu vực và địa lý Việt Nam. Chú trọng lựa chọn các chủ đề, kiến thức và kỹ năng trụ cột, kết nối kiến thức và kỹ năng để hình thành và phát triển năng lực phù hợp với đặc trưng của khoa học Lịch sử và khoa học Địa lý.

Chương trình Lịch sử của cả ba cấp khác với chương trình trước đây ở chỗ hầu như không thiết kế đồng tâm từ thấp lên cao.

Chương trình lịch sử ở cấp THCS, học sinh sẽ được học lịch sử từ nguyên thuỷ cho đến nay. Do đó những sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử tiêu biểu của lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc được sắp xếp theo lịch đại. Sự khác biệt về mức độ chương trình trung học cơ sở không phải chỉ ở khối lượng nội dung, ở chi tiết các sự kiện lịch sử, mà điều chủ yếu là mức độ nhận thức rất cơ bản ở trung học cơ sở về bản chất của các sự kiện lịch sử, về nguyên nhân của các biến chuyển lịch sử, của sự đa dạng các mô hình xã hội, về lý luận nhận thức xã hội và ở sự chú trọng rèn luyện các kỹ năng học tập, vận dụng kiến thức vào các tình huống mới.

Chương trình Địa lý ở cấp THCS ở, căn cứ vào tâm lý lứa tuổi của học sinh và đặc điểm môn học, được phát triển theo logic, từ địa lý tự nhiên đại cương ở lớp 6 đến địa lý các châu lục ở lớp 7, sau đó đến địa lý tự nhiên Việt Nam (lớp 8) và địa lý kinh tế – xã hội Việt Nam (lớp 9).

Chương trình có tính mở, cho phép có những điều chỉnh tuỳ theo điều kiện giáo dục của địa phương, đối tượng học sinh (học sinh giỏi, học sinh vùng khó khăn, học sinh có nhu cầu hỗ trợ đặc biệt).

Chương trình môn Lịch sử và Địa lý cấp trung học cơ sở chú trọng việc đổi mới phương pháp giáo dục, nhấn mạnh việc sử dụng các phương tiện dạy học, đa dạng hoá hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá.

Chương trình khuyến khích việc xây dựng các phòng học bộ môn ở những nơi có điều kiện; sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại, phù hợp với nội dung chương trình, bao gồm các loại bản đồ, hiện vật, phương tiện nghe – nhìn,...

Học sinh cần được tham gia các buổi tham quan, học tập ở thực địa, có các hoạt động học tập theo nhóm để giải quyết những bài tập nhận thức có mức độ phức tạp khác nhau.

Đổi mới phương pháp giáo dục Lịch sử và Địa lý theo hướng tiếp cận năng lực là trọng tâm của Chương trình.

Phương pháp giáo dục mới đề cao vai trò chủ thể học tập của học sinh, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo; tập trung rèn luyện năng lực tự học, bồi dưỡng phương pháp học tập để học sinh có thể tiếp tục tìm hiểu, mở rộng vốn văn hoá cần thiết cho bản thân; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; vận dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể.

Trong một bài học sẽ hối hợp sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống (thuyết trình, đàm thoại,...) theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh với việc tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học tiên tiến đề cao vai trò chủ thể học tập của học sinh (thảo luận, tranh luận, đóng vai, dự án,...).

Chương trình chú trọng việc đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, lựa chọn và phối hợp có hiệu quả giữa các hình thức tổ chức và phương pháp dạy học lịch sử - địa lý. Chú trọng sử dụng hợp lý và có hiệu quả các phương tiện dạy học

Việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Lịch sử và Địa lý không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức lịch sử - địa lý làm trung tâm của việc đánh giá, mà chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống ứng dụng.

Đánh giá kết quả học tập cơ bản là đối chiếu, so sánh năng lực học sinh đạt được với mức độ yêu cầu của chuẩn kiến thức và năng lực môn học Lịch sử - Địa lý ở từng chương bài cũng như một số chủ đề chung, trên cơ sở đó có những biện pháp cải thiện kịp thời hoạt động dạy học.

Chương trình coi trọng việc đánh giá khả năng vận dụng kiến thức lịch sử - địa lý của người học để giải quyết vấn đề gắn các vấn đề gắn với thực tiễn, kết nối với hiện tại, tạo cơ hội ban đầu phát triển năng lực tự chủ, sáng tạo của học sinh cấp trung học cơ sở.

Trên đây là những nét tóm lược về chương trình môn Lịch sử, Địa lý ở Tiểu học và THCS. Dự thảo chương trình môn học này sẽ được Bộ GD-ĐT giới thiệu trong tháng 1 để nhận các ý kiến đóng góp.

Tác giả: Lê Huyền

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP