Kinh tế

Giao dịch bất động sản ở Đà Nẵng sụt giảm, không có dự án mới

Trong quý I/2023, tình hình thị trường bất động sản tại Đà Nẵng diễn ra khá ảm đạm, không có dự án mới được cấp phép, lượng giao dịch hạn chế, còn tồn tại nhiều khó khăn.

Thời gian qua, thị trường bất động sản trên địa bàn TP. Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh bất động sản gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, huy động vốn khách hàng, tính thanh khoản thị trường thấp nên dẫn đến các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thiếu vốn buộc phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, tác động chung của nền kinh tế làm giảm thu nhập nên có xu hướng tập trung chủ yếu vào tiêu dùng cấp thiết cho gia đình và cá nhân, tạm dừng việc mua bất động sản để ở hoặc đầu tư; lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng, người dân có khoản tiền nhàn rỗi có xu hướng để tiền vào kênh gửi tiết kiệm.

Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, trong quý I/2023, trên địa bàn thành phố không có dự án bất động sản mới được cấp phép. Đồng thời, trong thời gian này, thành phố chỉ có 1 dự án chung cư nhà ở xã hội và 1 dự án nhà ở thương mại mở bán với quy mô 1.891 (1.809 căn nhà ở xã hội và 82 căn nhà ở thương mại). Lượng giao dịch là 1.460 căn (chung cư và nhà ở riêng lẻ), chỉ đạt 42,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Đến nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 25 dự án phát triển nhà ở đang triển khai với tổng cộng 8.792 căn; trong đó có 4 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với tổng cộng 605 căn hộ đủ điều kiện mở bán trong quý 1/2023. Ngoài ra, có 5 dự án nhà ở xã hội với tổng cộng 4.500 căn hộ đang triển khai xây dựng.

Trong quý I/2023, trên địa bàn thành phố không có dự án bất động sản mới được cấp phép. Ảnh: X.Sơn.

Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động kinh doanh bất động sản; thường xuyên cập nhật, công khai thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản để minh bạch thông tin đến người dân.

Ngoài ra, Sở sẽ tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm nếu có việc môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản. Đặc biệt, tăng cường kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm trường hợp kinh doanh bất động sản không đúng quy định, không đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh…

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, trong bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu còn nhiều rủi ro, biến động; lãi suất tăng cao; khối lượng dựán được ký kết giảm; công nợ khó đòi khi thị trường bất động sản "ngủ đông"... là những khó khăn hiện hữu mà các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xây dựng đang phải đối mặt.

Nhiều dự án đầu tư ngoài nhà nước bị đóng băng do vướng vào thủ tục pháp lý, dòng tiền đầu tư bị thâm hụt... đã phần nào ảnh hưởng đến giá trị xây dựng trên địa bàn thời gian qua và dự kiến sẽ còn gặp nhiều khó khăn, rủi do trong thời gian đến.

Liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn bất động sản trên địa bàn thành phố, tại họp báo quý I/2023, ông Lê Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, khó khăn của bất động sản là khó khăn chung của cả thị trường, trong đó có Đà Nẵng. Do vậy việc tháo gỡ khó khăn cần có cả hệ thống chính trị vào cuộc từ Trung ương đến địa phương.

"Đối với Đà Nẵng, UBND TP. Đà Nẵng đã giao Sở Xây dựng đề ra một số giải pháp triển khai các Nghị quyết 33 của Chính phủ. Đồng thời, với vai trò tham mưu các dự án, công tác quy hoạch, quản lý thị trường bất động sản thì Sở cũng đã rút gọn những thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho doanh nghiệp", ông Tuấn nói.

Tác giả: AN KHANG

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP