Một tuần sau ngày nhận học bổng danh giá Chevening từ Chính phủ Anh, Phan Khánh Hà vẫn nhớ y nguyên cảm xúc vỡ òa hôm đó. "Hạnh phúc tràn ngập nhưng tôi vẫn chưa tin hẳn cho đến ngày được bắt tay ngài đại sứ Anh tại Việt Nam và cầm giấy chứng nhận”, cô nói.
Khánh Hà sẽ có một năm học thạc sĩ ngành Quan hệ quốc tế tại trường top 15 nước Anh - Đại học Nottingham. Giảng viên trẻ Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết niềm đam mê với ngành học này đến như một cơ duyên.
Đại sứ Anh tại Việt Nam trao học bổng Chevening cho Phan Khánh Hà. Ảnh: Dương Tâm |
Từ những ngày còn học lớp chọn Anh ở trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), Hà đã tiếp xúc với nhiều nhà ngoại giao và làm quan sát viên phiên đàm phán thứ 13 của phái đoàn Việt Nam tại trụ sở WTO (Thuỵ Sĩ). Niềm đam mê ngoại giao dẫn cô gái gốc Hà Tĩnh đến ngành Quan hệ quốc tế của Học viện Báo chí và Tuyên truyền để rồi kết thúc bốn năm học, cô được giữ lại làm giảng viên.
Bốn năm đại học của Hà là sự bùng cháy giữa hai niềm đam mê lớn nhất cuộc đời: học thuật và ca hát. Hai năm đầu, Hà tham gia rất nhiều hoạt động Đoàn và sống hết mình với tình yêu âm nhạc. Cô từng giành giải đặc biệt cuộc thi hát tiếng Anh học sinh sinh viên Hà Nội Let's Get Lound năm 2010 và vào tới vòng Giấu mặt Giọng hát Việt năm 2012. Báo chí dùng cụm từ "Tài năng Opera trẻ của Việt Nam" khi nhắc tới cô.
"Tôi tham gia rất nhiều cuộc thi âm nhạc và từng phải đấu tranh chọn lựa giữa việc học và ca hát. Nhưng may mắn, hai năm cuối đại học, tôi quyết định dùng âm nhạc làm cầu nối để quan hệ quốc tế", Hà nói.
Cô gái sinh năm 1992 kể lại mối lương duyên giữa ca hát và ngành học của mình. Sau cuộc thi hát K-pop quốc tế tại Việt Nam, Hà trở thành bạn tốt của Giám đốc trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam lúc bấy giờ và học hỏi được nhiều kiến thức về ngoại giao văn hóa từ ông. Cũng nhờ sự giúp đỡ của vị giám đốc này, Hà được Chính phủ Hàn Quốc mời sang giao lưu trong 10 ngày.
Từ đó, Hà bắt đầu tìm hiểu nhiều chương trình quốc tế hơn. Cô nộp đơn và trúng tuyển chương trình giao lưu văn hóa giữa các bạn trẻ ASEAN - ASEAN Youth Program tại Malaysia. Tại đây cô được gặp Bộ trưởng Quốc phòng nước này để chia sẻ mong muốn của giới trẻ Việt Nam về cộng đồng ASEAN - một cộng đồng hòa bình và phát triển.
Năm 2015, khi trở thành giảng viên trẻ khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà tiếp tục nộp đơn với mục tiêu tích lũy kinh nghiệm thực tế, phục vụ cho công tác giảng dạy. Cô trúng tuyển và tham gia Tàu Thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản do Chính phủ Nhật Bản và các nước ASEAN tổ chức.
Suốt hai tháng trên tàu, cô được đi thăm nhiều quốc gia trong khu vực, giao lưu với giới trẻ địa phương trong những hoạt động cộng đồng. Ở đây, cô được gặp các bạn trẻ năng động, những người khiến cô nhìn ra nỗi lo sợ vô hình của nhiều sinh viên Việt Nam.
"Hàng ngày tiếp xúc với sinh viên trường báo, tôi thấy nhiều em giỏi nhưng luôn lo sợ, chần chừ khi được trao cơ hội trong khi giới trẻ các nước láng giềng lại có tâm thế khác hẳn. Họ rất tự tin, nhiệt huyết. Tôi nghĩ mình phải truyền tinh thần của thanh niên quốc tế tới giới trẻ Việt Nam", Hà khẳng định.
Phan Khánh Hà thể hiện một ca khúc tiếng Hàn Quốc.
Trở về với công việc giảng dạy, dù dạy chính môn tiếng Anh chuyên ngành, Hà xác định không thể chỉ dạy tiếng Anh. Cô bắt đầu xây dựng bài giảng mở rộng với nhiều câu hỏi hơn, tìm tài liệu trên báo nước ngoài về các sự kiện nóng hổi như tình hình ASEAN, Biển Đông, Brexit để sinh viên thấy cộng đồng người trẻ thế giới đang nghĩ gì, để họ thấy mình là một phần của thế giới đó chứ không phải ở vùng ngoại biên nhỏ bé.
Cũng qua những chuyến đi, Hà biết được giới trẻ mỗi nước quan tâm những vấn đề khác nhau. “Nếu như vấn đề của giới trẻ Việt Nam là quá lệ thuộc vào mạng xã hội, rụt rè, thiếu tự tin trước những thử thách thì vấn đề ở một số nước kém phát triển hơn là đói nghèo, dịch bệnh. Ở những nước phát triển hơn là giới trẻ trầm cảm, thiếu việc làm”, Hà nói và cho rằng những chuyến giao lưu văn hóa giúp cô bổ sung rất nhiều kiến thức.
Điều đặc biệt ở nữ giảng viên trẻ này là luôn dùng âm nhạc để "quan hệ quốc tế" trong mỗi chuyến đi. Đam mê thể hiện các ca khúc bằng nhiều ngôn ngữ, Hà luôn cố gắng tìm hiểu nội dung, ý nghĩa, học cách phát âm ca từ để có thể "líu lo" hát bằng cả tấm lòng cho bạn bè quốc tế ngay cả khi cô không biết ngôn ngữ nước đó. Nhờ vậy, cô dễ dàng kết nối cộng đồng.
Những trải nghiệm thực tế sau mỗi chuyến đi là nền tảng giúp Hà thuyết phục được Chính phủ Anh trao học bổng Chevening. "Đôi lúc người giỏi nhất không phải người chiến thắng. Tôi nghĩ mình đã thể hiện được tiềm năng lãnh đạo, khát vọng thay đổi cộng đồng và đưa ra một kế hoạch sự nghiệp rõ ràng trong bốn bài luận xét tuyển Chevening. Đó là yếu tố quan trọng để họ quyết định đầu tư cho tôi", Hà nhận định.
PGS.TS Phạm Minh Sơn, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết Hà là giảng viên đầu tiên của khoa giành học bổng danh giá Chevening. “Với nỗ lực ở thời sinh viên và trong quá trình làm giảng viên, Hà xứng đáng nhận học bổng này”, thầy Sơn nói.
Chia sẻ về tương lai, Hà dự định quay trở lại công việc giảng dạy sau một năm học ở Anh với mong muốn thu nhỏ khoảng cách đào tạo trong lĩnh vực quan hệ quốc tế ở Việt Nam và các nước tiên tiến trên thế giới.
Chevening là học bổng toàn phần của Chính phủ Anh dành cho học viên khóa thạc sĩ một năm tại Anh, đài thọ toàn bộ học phí, phí visa, vé máy bay khứ hồi tới Anh, sinh hoạt phí hàng tháng và một số chi phi cần thiết khác. Học bổng này hiện được triển khai tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, áp dụng cho 18 lĩnh vực. Được giới thiệu tại Việt Nam từ năm 1993, hiện cả nước có hơn 300 người được trao, nằm trong top 10 quốc gia có số lượng thành viên Chevening đông nhất. Năm 2017, Việt Nam có 21 người được trao học bổng này. |
Tác giả: Dương Tâm
Nguồn tin: Báo VnExpress