Tin địa phương

Giấc mơ bán dẫn: Đà Nẵng lấy đâu ra 5.000 kỹ sư tiêu chuẩn toàn cầu?

Với mục tiêu trở thành một trong ba trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, Đà Nẵng sẽ đào tạo 5.000 kỹ sư không chỉ làm việc cho thành phố mà còn đủ khả năng làm việc trên toàn cầu.

Mô hình liên minh 3 nhà

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ký quyết định ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.

Theo đó, Việt Nam định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2050 theo lộ trình 3 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 (2024 - 2030), quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam giai đoạn này sẽ đạt trên 50.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Đối với Đà Nẵng, đến năm 2030, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu trở thành một trong ba trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch bán dẫn. Cụ thể, thành phố đặt mục tiêu tập trung tranh thủ tận dụng mọi nguồn lực để đào tạo, thu hút tối thiểu 5.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn vào năm 2030, trong đó có ít nhất 2.000 nhân lực thiết kế và 3.000 nhân lực kiểm thử, đóng gói.

Để đạt được mục tiêu trên, thành phố thúc đẩy hình thành, phát triển mô hình liên minh đào tạo hợp tác 3 Nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà Doanh nghiệp. Trong đó, chính quyền thành phố là cơ quan điều phối, thiết lập cơ chế hợp tác; định hướng về chiến lược, mục tiêu, lộ trình thực hiện; ban hành các chính sách và hỗ trợ ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực; đầu tư hạ tầng chia sẻ dùng chung; thiết lập hệ thống kết nối cung cầu nhân lực vi mạch bán dẫn giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo.

Đà Nẵng đã có Công viên phần mềm đáp ứng nhu cầu làm việc của các nhân sự trong ngành vi mạch bán dẫn.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay vi mạch bán dẫn cần có một hệ sinh thái. Trong định hướng, thành phố nhất quán quan điểm liên minh: Nhà nước - Doanh nghiệp – Cơ sở đào tạo, cùng hướng tới mục tiêu trước mắt đào tạo nguồn nhân lực có đủ khả năng làm việc trên phạm vi toàn cầu. Đây là một trong những mục tiêu rất lớn.

“Chúng tôi không chỉ đào tạo nhân lực phục vụ cho thành phố hay Việt Nam mà phải đáp ứng được yêu cầu toàn cầu. Muốn vậy thì sự liên minh giữa Thành phố - Doanh nghiệp – Cơ sở đào tạo phải làm tốt”, ông Quảng nhấn mạnh.


Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, cho biết từ sau các chuyến công tác của lãnh đạo thành phố, đã có nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn đã đến khảo sát môi trường đầu tư tại Đà Nẵng như Tập đoàn Synopsys, Intel, Qualcomm, Marvell, Nvidia…

“Các đối tác đánh giá khả quan tiềm năng, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo của Đà Nẵng. Đồng thời, thống nhất đề xuất hợp tác, hỗ trợ kêu gọi đầu tư về cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực về vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại thành phố nhằm đáp ứng sự phát triển của thành phố và nhu cầu nhân lực của chính các doanh nghiệp”, Chủ tịch Lê Trung Chinh cho biết thêm.

Theo Chủ tịch Lê Trung Chinh, trên cơ sở các định hướng chính sách hỗ trợ, ưu đãi đã được Quốc hội thông qua, hiện nay thành phố cũng đang dự thảo xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TP. Đà Nẵng nhằm cụ thể hoá các nội dung ưu đãi hỗ trợ, kịp thời ban hành và áp dụng vào đầu năm 2025. Qua đó, góp phần nhanh chóng kiến tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các đối tượng theo học ngành vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, các chuyên gia, trí thức về làm việc, giảng dạy, chuyển giao công nghệ, đầu tư và khởi nghiệp cũng như có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của thành phố.

Ông Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam, cho rằng nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng nhất để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Vì vậy, cần có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, trường đại học… trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kỹ thuật về công nghệ mới. Chỉ có như vậy mới có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp trên thế giới.

Mục tiêu đạt 5.000 kỹ sư là khả thi

PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng), nhận định nhân lực chất lượng cao là một thách thức đối với Việt Nam trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Tuy nhiên, con số mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư vi mạch của Việt Nam vào năm 2030 là rất khả thi.

PGS.TS Huỳnh Công Pháp dẫn chứng, năm ngoái cả nước chỉ có khoảng 300 chỉ tiêu về vi mạch bán dẫn nhưng năm nay đã có 25 cơ sở đào tạo đại học công bố tuyển sinh ngành vi mạch, tổng chỉ tiêu hơn 3.000, tăng gấp 10 lần. Đây là một con số ấn tượng. Đặc biệt chất lượng đầu vào ngành vi mạch bán dẫn và ngành gần khá tốt khi điểm tuyển sinh rất cao. Ở miền Trung có 3 trường tuyển sinh vi mạch bán dẫn, trong đó điểm chuẩn từ 24-27 điểm.

PGS.TS Huỳnh Công Pháp tin rằng, với các chính sách của Đà Nẵng khi Nghị quyết 136 được đưa vào áp dụng, con số chỉ tiêu ngành vi mạch bán dẫn không dừng lại ở đó. “Với cách làm như hiện nay, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng có 5.000-6.000 kỹ sư thiết kế vi mạch”, ông Pháp nói.

Thành phố cũng phấn đấu cuối năm 2024 tiếp tục đưa vào vận hành Khu Công viên phần mềm số 2.

Tuy nhiên, PGS.TS Huỳnh Công Pháp lo ngại vấn đề những sinh viên giỏi, đạt giải cao ở các cuộc thi lớn được học bổng thường tìm đến những nước phát triển để lĩnh hội tri thức rồi quen với môi trường ở đó và rất khó trở về. Vì vậy, Đà Nẵng cần có chính sách giữ chân “người tài”, tăng cường hợp tác nhà trường với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào công tác đào tạo, đừng chờ đến khi sinh viên ra trường mới tìm kiếm tuyển dụng. Thành phố cũng cần có các chính sách để hỗ trợ các trường đưa giảng viên nước ngoài về đào tại cho sinh viên.

Trong khi đó, ông Vũ Duy Việt, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu phát triển Infineon Technologies AG Việt Nam cho biết, các công ty châu Âu, Đức… rất coi trọng đến sự cân bằng của đội ngũ, họ sẽ không yên tâm khi chỉ có toàn đội ngũ trẻ. Vì vậy, ngoài các chính sách hỗ trợ đào tạo tại trường đại học, cần các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho những người có kinh nghiệm, những chuyên gia trong và ngoài nước về Đà Nẵng xây dựng đội ngũ nòng cốt ban đầu, tạo lòng tin cho lãnh đạo cấp cao của các công ty công nghệ lớn.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho rằng Đà Nẵng có vị trí địa lý chiến lược, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo hội tụ các yếu tố cốt lõi để phát triển trở thành trung tâm vi mạch mới của Việt Nam và khu vực.

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 136 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, thể hiện sự ủng hộ của Trung ương dành cho sự đầu tư phát triển lĩnh vực này tại Đà Nẵng.

“Đây là cơ hội cho thành phố tập trung nguồn lực, tạo bứt phá mạnh mẽ và nhấn mạnh phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn là lựa chọn chiến lược của đất nước dành cho Đà Nẵng”, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nói.

Tác giả: Khánh Hồng

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

  Từ khóa: Bán Dẫn , Kỹ sư , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP